Chính sách công nghiệp của Mỹ hiện đang được tái tập trung phát triển mạnh mẽ. Nhờ vào các chính sách trợ cấp, nhiều doanh nghiệp đang đầu tư tiền xây dựng các nhà máy sản xuất chất bán dẫn và phương tiện đi lại chạy bằng điện.
Khi mà đầu tư vào sản xuất ở ngưỡng cao kỷ lục, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố tương lai sẽ lại là những hàng hóa được sản xuất tại Mỹ, khẳng định này của ông dường như có độ tin cậy cao hơn so với trước đây, theo Economist đưa tin.
Tuy nhiên, có một khâu trong quá trình mà dường như nhiều người chưa thể chắc chắn về nó. Người Mỹ đang xây dựng rất nhiều nhà máy, thế nhưng liệu họ có thể tìm được người lao động làm việc trong các nhà máy đó hay không?
Khi mà tỷ lệ thất nghiệp Mỹ ở ngưỡng thấp nhất trong 5 thập kỷ, nhiều doanh nghiệp đang chật vật trong tìm kiếm nhân lực. Thêm nhiều nhà máy mới đi vào hoạt động, tình trạng thiếu hụt nhân sự sẽ ngày một tồi tệ hơn.
Lĩnh vực bán dẫn có thể coi như phép thử quan trọng cho sự hồi sinh của ngành sản xuất Mỹ. Trong khoảng vài thập kỷ qua, nhiều hãng sản xuất chip lớn của thế giới đã rời nước Mỹ.
Nước Mỹ hiện vẫn có lực lượng nhà nghiên cứu và thiết kế chip có tầm cỡ thế giới, thế nhưng họ thiếu đi lực lượng có thể biển những nghiên cứu thành sản phẩm trên quy mô lớn. Trong nỗ lực đảo chiều xu thế này, dự thảo phát triển ngành sản xuất chip mà Quốc hội Mỹ thông qua vào năm ngoái đã lên kế hoạch chi tiêu đến 50 tỷ USD trong vòng nửa thập kỷ tiếp theo.
Theo ước tính của Hiệp hội Bán dẫn Mỹ (SIA), đến năm 2030, đến năm 2030, ngành chip của nước Mỹ sẽ thiếu hụt ước tính khoảng 67.000 kỹ thuật viên, nhà khoa học máy tính và kỹ sư, ngoài ra là khoảng 1,4 triệu người lao động toàn ngành.
Nếu so con số này với khoảng 70.000 sinh viên các ngành kỹ thuật tốt nghiệp đại học Mỹ mỗi năm, mức độ chênh lệch có thể nói quá lớn. Dù rằng khoảng cách thiếu hụt nhân sự thực tế như thế nào, việc đủ và thiếu nhân lực thực sự tạo ra những sự khác biệt giữa các nhà máy được hoạt động với công suất tối đa với chi phí lao động trong tầm kiểm soát hoặc các nhà máy không đủ nhân lực vận hành với chi phí cao và năng suất lao động thấp.
Ngay từ bây giờ, vấn đề trong ngành bán dẫn Mỹ đã bộc lộ. Tập đoàn Sản xuất Bán dẫn Đài Loan (TSMC), doanh nghiệp cung cấp chip lớn nhất thế giới, đã lên kế hoạch đầu tư khoảng 40 tỷ USD vào hai nhà máy ở Phoenix, bang Arizona. Tập đoàn đang cố gắng tăng cường việc sản xuất các sản phẩm chip siêu nhỏ tại Mỹ. Nếu thành công, nước Mỹ có thể giành lại vị thế hàng đầu trong ngành sản xuất chip quan trọng.
Nhà máy đầu tiên trong chuỗi nhà máy của TSMC dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất từ năm sau. Tuy nhiên vào tháng 7/2023, TSMC thông báo ngày sản xuất trực tiếp đầu tiên dự kiến sẽ lùi sang năm 2025 bởi TSMC không thể huy động đủ nhân lực để lắp ráp thiết bị trong một nhà máy công nghệ cao như vậy. Chủ tịch của TSMC, ông Mark Liu, công bố doanh nghiệp sẽ gửi các kỹ thuật viên từ nhà máy ở Đài Loan sang Mỹ để đào tạo nhân viên ở Mỹ.
“Ác mộng của tôi chính là đầu tư tất cả những gì chúng tôi có vào hạ tầng và rồi sau đó không thể kiếm được người làm”, bà Shari Liss – đại diện một nhóm vận động hành lang quan trọng cho hay. Báo cáo vào tháng 1/2023 của viện Brookings – một tổ chức nghiên cứu lớn cho thấy nước Mỹ cần đến hành động trên quy mô quốc gia, liên bang và địa phương để đảm bảo đủ người lao động trong ngành chip. Hiện có quá nhiều vấn đề đang xảy ra, bà Liss nói đến nỗ lực đưa các chính trị gia, doanh nghiệp và người lao động vào cùng giải quyết vấn đề.