Xu thế nhà đầu tư rót tiền vào cổ phiếu các doanh nghiệp kinh doanh hàng xa xỉ hiện đang hạ nhiệt. Người Trung Quốc đứng đằng sau sự tăng trưởng của ngành công nghiệp kinh doanh hàng xa xỉ này, và giờ đây khi người Trung Quốc giảm chi tiêu, ngành đang chịu những hậu quả, theo nội dung bài báo mới được Bloomberg đăng tải.
Hiện đang có những dấu hiệu cho thấy cổ phiếu các doanh nghiệp kinh doanh hàng xa xỉ đã qua thời kỳ đỉnh cao và rồi sẽ giảm cùng với doanh số bán hàng xa xỉ cho người Trung Quốc.
Đã có quá nhiều chỉ báo về khả năng sự phục hồi của ngành hàng xa xỉ giảm tốc, nó làm đảo ngược xu thế từng giúp cho cổ phiếu LVMH và Hermes International trở thành cổ phiếu được ưa chuộng trên thị trường châu Âu trong năm nay.
Người tiêu dùng Trung Quốc chi tiêu ước tính khoảng 20% trong tổng số 325 tỷ USD của ngành hàng hóa xa xỉ toàn cầu, theo tính toán của PwC. Nước Mỹ đang hướng đến kịch bản suy thoái kinh tế trong nửa sau của năm và nhiều khả năng sẽ gây tổn hại đến tăng trưởng của ngành.
Sự sụt giảm đã diễn ra nhanh chóng. Chỉ vài tuần sau khi trở thành công ty châu Âu đầu tiên có giá trị vốn hóa 500 tỷ USD, cổ phiếu LVMH đã giảm rất sâu, giá trị vốn hóa sụt đến hơn 50 tỷ USD khi mà nhà đầu tư giảm sự nắm giữ. Cổ phiếu LVMH giảm cũng gây tổn hại đến tài sản của tỷ phú Bernard Arnault, người mất vị trí người giàu nhất thế giới cho tỷ phú Elon Musk, theo tính toán của chỉ số Bloomberg Billionaire.
Chỉ số cổ phiếu của doanh nghiệp xa xỉ Stoxx Europe Luxury Index hạ gần 5% trong tháng 5/2023 và như vậy ghi nhận tháng giảm đầu tiên trong năm nay. Trước đó, chỉ số cổ phiếu này từng tăng gần 50% trong khoảng thời gian từ đầu tháng 10/2022 cho đến trước tháng 5/2023 khi mà Trung Quốc mở cửa biên giới. Giá trị thị trường của nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng xa xỉ leo lên mức cao kỷ lục.
Dấu hiệu tăng trưởng chững lại đang nhiều hơn. Doanh số bán lẻ tại Trung Quốc tháng 4/2023 tăng thấp hơn so với dự báo của các chuyên gia, sản xuất công nghiệp cũng như vậy. Chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách châu Á tại Bloomberg, ông Chang Shu, khẳng định giới đầu tư đang ngày một lo lắng về “sức khỏe” và tính bền vững của quá trình phục hồi kinh tế.
Khi mà tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên Trung Quốc ở mức cao kỷ lục, tình hình chi tiêu của người tiêu dùng dường như đang không mấy sáng sủa. Người tiêu dùng thuộc thế hệ GenZ, người mua tiềm năng của các loại hàng hóa đắt đỏ, hiện đang ngày một thận trọng hơn bởi họ lo lắng về triển vọng của nền kinh tế.
Tuy nhiên, không ít chuyên gia tin rằng nhu cầu của Trung Quốc sẽ vẫn vững vàng kể cả trong thời kỳ u ám. Chuyên gia quản lý quỹ tại PGIM’s Jennison Associates, ông Raj Shant, nhận xét: “Những gì diễn ra tại Trung Quốc cũng sẽ không khác những gì chúng ta chứng kiến tại Nhật. Thậm chí nếu như tăng trưởng kinh tế đi ngang tại Nhật, nhu cầu hàng xa xỉ sẽ vẫn tăng”.
Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế nói rằng sẽ cần thêm các biện pháp kích cầu để đảm bảo cho quá trình phục hồi kinh tế được duy trì dù rằng riêng các biện pháp của ngân hàng trung ương là không đủ để làm tăng niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Thị trường hàng xa xỉ tại Mỹ đang khó khăn, xuất khẩu đồng hồ Thụy Sỹ sang thị trường lớn nhất thế giới trong tháng 4/2023 giảm lần đầu tiên trong 2 năm. Tình trạng sụt giảm tương tự diễn ra tại nhiều hãng kinh doanh hàng xa xỉ khác ví như Richemont.