Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa quyết định tăng chỉ tiêu tín dụng thêm 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, ngay sau khi có định hướng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Cân - đo và đưa ra quyết định này trong bối cảnh hiện nay là rất khó khăn, thể hiện nỗ lực rất lớn từ Chính phủ và NHNN. Bởi, Chính phủ phải đứng giữa để cân đối các chỉ số kinh tế tế vĩ mô, tức là phải giữ cho lạm phát không được tăng cao và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh.
Thiếu vốn mùa cao điểm cuối năm
Ông Ngô Ngọc Khánh, Phó chủ tịch thường trực Liên minh hỗ trợ Công nghiệp Việt Nam (VISA) cho biết, do thị trường thế giới có nhiều khiến các ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước đối mặt với nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng.
“Có những doanh nghiệp trước đây có cả trăm công nhân, nay đã phải cắt giảm chỉ còn khoảng 25 công nhân”, ông Ngô Ngọc Khánh chia sẻ.
Phân tích cụ thể, theo ông Khánh, trong khi những đơn hàng cũ chỉ còn 1-2 tháng nữa là hết, thì những đơn hàng mới lại yêu cầu những cải tiến về quy mô, cam kết môi trường và chất lượng sản phẩm, đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải đầu tư máy móc, công nghệ mới. Nhưng do thiếu vốn, doanh nghiệp cũng không thể đáp ứng yêu cầu này,
“Trước đây, doanh nghiệp có thể sử dụng hợp đồng đã ký kết hoặc thế chấp bất động sản để vay vốn. Nhưng hiện nay các ngân hàng không giải ngân do hết room tín dụng nên doanh nghiệp cũng không thể tiếp nhận và ký kết hợp đồng mới”, ông Khánh cho biết.
Tương tự, trong lĩnh vực thép, ông Đinh Hồng Kỳ, Phó chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp phải đối diện với "khủng hoảng lớn" khi cung vượt mạnh cầu, trong khi đơn hàng xuất khẩu lẫn đơn hàng trong nước đồng loạt giảm mạnh.
"Nhiều doanh nghiệp phải bán sản phẩm thấp hơn giá vốn 30-40% để có dòng tiền hoạt động trong lúc chờ đợt phân bổ chỉ tiêu tín dụng tiếp theo", ông Kỳ quan ngại.
Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), sau hơn hai năm chịu những tác động hết sức tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, ở thời điểm hiện tại lại gặp khó khăn đặc biệt về vốn, cùng với các khó khăn mang tính hệ thống trước nay về nền tảng quản trị, về công nghệ…, khiến phần lớn doanh nghiệp Việt đối diện với tình thế chông chênh để duy trì một phần hoạt động, trước khi có thể tính tới việc phục hồi.
“Trong báo cáo tổng hợp về những khó khăn của doanh nghiệp trong tháng 11 mà Ban IV đã trình lên Thủ tướng Chính phủ thì thiếu vốn là một kiến nghị trọng tâm. Theo đó, việc khó tiếp cận nguồn vốn khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, thu mua và chuẩn bị nguyên vật liệu cho các kỳ sản xuất năm 2023 cũng như duy trì công ăn việc làm cho người lao động”, bà Thủy nhấn mạnh.
Cấp tín dụng, kỳ vọng thêm đơn hàng mới
Cuối chiều ngày (5/12), NHNN công bố thông tin về việc điều hành chỉ tiêu tín dụng, ngay sau khi có định hướng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Theo đó, NHNN quyết định tăng chỉ tiêu tín dụng thêm 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
“Các Tổ chức tín dụng (TCTD) cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ…, các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”, NHNN nêu rõ.
Đánh giá về động thái này, Phó chủ tịch thường trực Liên minh hỗ trợ Công nghiệp Việt Nam (VISA) cho rằng, việc nới room tín dụng của NHNN sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ vay vốn, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu của các đơn hàng mới, mở ra nhiều cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong năm 2023.
“Công nợ của khách hàng trả chậm đến 3 tháng, trong khi những nhà cung cấp nguyên phụ liệu cho ngành công nghiệp hỗ trợ chỉ cho trả chậm 1 tháng. Sự chênh lệch này đã gây ra khó khăn về nguồn vốn cho doanh nghiệp. Việc nới room tín dụng sẽ giúp doanh nghiệp giữ được đơn hàng mới, hỗ trợ cạnh tranh với các nước trong khu vực”, ông Ngô Ngọc Khánh kỳ vọng.
Còn theo Giám đốc điều hành Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), đây là một trong những quyết định thể hiện sự quan tâm chia sẻ của Chính phủ và NHNN đối với cộng đồng doanh nghiệp hiện nay.
“Chúng tôi hiểu rõ, trong bối cảnh hiện tại để cân - đo và đưa ra quyết định này là rất khó khăn. Bởi, Chính phủ phải đứng giữa để cân đối các chỉ số kinh tế tế vĩ mô, tức là phải giữ cho lạm phát không được tăng cao và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh. Ra được quyết định này là thể hiện nỗ lực rất lớn từ Chính phủ và NHNN”, bà Thủy nhìn nhận.
Miếng ghép còn lại nằm ở doanh nghiệp
Tuy nhiên, điều mà bà Thủy lo lắng nhất là đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tương đối thiếu những kĩ năng xây dựng hồ sơ vay vốn và có thể trình bày được hết những ý tưởng, những dự định để thuyến phục các ngân hàng thương mại (NHTM) cho vay.
“Đây là câu chuyện không mới, tiêu chuẩn - tiêu chí của ngân hàng trước giờ các doanh nghiệp biết rất rõ. Tuy vậy, trong bối cảnh hậu COVID19, rất nhiều tiêu chí trong sản xuất kinh không hoàn toàn như trước, nên việc ngân hàng phải thắt chặt hoặc đánh giá tương đối nghiêm khắc đối với những đề án xin vay”, bà Thủy quan ngại.
Theo bà Thủy, để tiếp cận được vốn của các NHTM, các doanh nghiệp cần phải thể hiện được tính chủ động và chuyên nghiệp.
Về tính chủ động, doanh nghiệp cần chủ động trong tiếp cận các luồng tư vấn để có thể xác định được hồ sơ đề xuất với NHTM làm sao hiệu quả nhất. Các hiệp hội doanh nghiệp cũng cần chủ động tạo ra những cầu nối để các doanh nghiệp hội viên được nghe những tiêu chuẩn, điều kiện yêu cầu từ các ngân hàng đối tác.
“Với những hiệp hội doanh nghiệp chủ động như vậy, tỷ lệ các doanh nghiệp thành viên được tiếp cận vốn vay được cao hơn những hiệp hội doanh nghiệp chỉ kêu khó”, bà Thủy lưu ý.
Về tính chuyên nghiệp, theo bà Thủy, hầu hết các doanh nghiệp đều tự tin các phương án kinh doanh của mình đều khả thi. Nhưng làm thế nào để thuyết phục được ngân hàng và những chuyên gia đánh giá thì vẫn là một trong những điểm yếu mà vẫn còn tương đối phổ biến.
“Ngân hàng mở cho tất cả cơ hội cho các doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp nào thể hiện được tính chuyên nghiệp và chứng minh được năng lực và tiềm năng trong phương án sản xuất kinh doanh thì ngân hàng sẽ cho vay”, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban IV nhấn mạnh.
Về phía ngân hàng, bà Thủy mong muốn sẽ có những chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp như đào tạo, chia sẻ những lỗi thường gặp, những yêu cầu, cách thức hay những chương trình huấn luyện sử dụng vốn hiệu quả... từ các chuyên gia tư vấn.
“Như vậy, bên cạnh việc dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng, doanh nghiệp còn có thể sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả hơn”, bà Thủy tin tưởng.