Chính phủ Mỹ nhiều khả năng sẽ miễn trừ nhóm các ngân hàng nhỏ khỏi nghĩa vụ phải đóng thêm tiền bù vào quỹ bảo hiểm tiền gửi của chính phủ, thay vào đó, sẽ yêu cầu các ngân hàng lớn chịu phần lớn chi phí, theo nội dung bài báo mới được Bloomberg đăng tải.
Cụ thể, ngay từ tuần sau, Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Mỹ (FDIC) dự kiến sẽ công bố đề xuất yêu cầu các ngân hàng đóng thêm tiền vào Quỹ Bảo hiểm Tiền gửi (DIF). Quỹ này vốn đã hao hụt nhiều sau khi giải cứu ngân hàng Silicon Valley và Signature, theo nguồn tin thân cận với vụ việc được Bloomberg trích đăng.
Nhóm các ngân hàng cho vay nhỏ với ít hơn 10 tỷ USD tài sản sẽ không phải đóng tiền vào quỹ. Hiện tại Mỹ đang có khoảng 4.000 ngân hàng nằm dưới ngưỡng tài sản này, theo số liệu của FDIC.
Tùy thuộc vào quy mô của danh mục tiền gửi, nhóm các ngân hàng với tiền gửi khoảng 50 tỷ USD cũng có thể không phải nộp tiền vào quỹ. Các ngân hàng có thể nộp quỹ trong vòng 2 năm hoặc nộp ngay một lần.
Theo kế hoạch này, với cùng mức tài sản nhóm các ngân hàng cho vay lớn đều sẽ phải đóng một khoản phí giống nhau, tuy nhiên nếu quy mô bảng cân đối kế toán và số lượng người gửi tiền quá lớn, số tiền phải đóng có thể sẽ tăng lên. Mức độ rủi ro của các khoản tiền gửi sẽ không phải yếu tố cần phải cân nhắc.
Gần đây, nội bộ chính trường và ngành ngân hàng Mỹ đã xảy ra nhiều cuộc tranh luận liên quan đến việc bên nào sẽ chịu trách nhiệm đóng tiền bù cho quỹ bảo hiểm tiền gửi sau khi chính phủ Mỹ phải chính thức đảm bảo tiền gửi cho toàn bộ người gửi tiền của SVB và Signature. Nhóm ngân hàng nhỏ đã ráo riết vận động để tránh phải đóng khoản phí đặc biệt này, ngoài ra là khoản tiền bảo hiểm hàng quý.
Đến hiện tại, đại diện của FDIC từ chối bình luận về các kế hoạch liên quan đến quỹ bảo hiểm tiền gửi. Chủ tịch FDIC, ông Martin Gruenberg, đã cho biết ông sẽ có cân nhắc giảm gánh nặng chi phí với nhóm các ngân hàng nhỏ.
DIF vốn được coi như quỹ nòng cốt của hệ thống tài chính Mỹ bởi nó được sử dụng để đảm bảo các tài khoản với số tiền tối đa ước tính 250.000USD. Quỹ này lấy nguồn từ khoản phí mà các ngân hàng đóng vào hàng quý.
Tại ngân hàng Signature và SVB, nhiều người gửi tiền có hàng triệu USD trong tài khoản, điều đó cũng đồng nghĩa số tiền ngoài con số 250.000USD sẽ không được bảo hiểm, tuy nhiên đó lại chính là các doanh nghiệp thực sự cần tiền mặt. FDIC mới đây đã tuyên bố về rủi ro hệ thống bất thường, sử dụng quỹ này để trả tiền cho những người gửi tiền trên ngưỡng bảo hiểm, ngoài đối tượng được bảo hiểm thông thường.
Theo FDIC, số tiền phải bỏ ra để đền bù cho những bên gửi tiền không thuộc đối tượng bảo hiểm có thể khiến quỹ thiệt hại ước tính 19,2 tỷ USD, tiền bồi thường được lấy từ nguồn phí thu về từ các ngân hàng. Tuy nhiên, FDIC sẽ mất nhiều tháng để tham vấn các bên mới có thể đưa ra quyết định cuối cùng.
Giới chức quản lý ngành ngân hàng Mỹ đã chính thức tiếp quản ngân hàng First Republic đồng thời có được thỏa thuận với ngân hàng hàng đầu nước Mỹ JPMorgan Chase & Co nhằm bán phần lớn hoạt động và tài sản của First Republic cho JP Morgan nhằm ngăn khả năng First Republic sụp đổ.
Những lùm xùm xung quanh ngân hàng First Republic đã làm căng thẳng hệ thống tài chính Mỹ và tiềm ần khả năng gây ra cuộc khủng hoảng ngân hàng tiếp theo, theo nội dung bài báo mới được Wall Street Journal đăng tải.
Cụ thể, ngân hàng JPMorgan sẽ tiếp quản toàn bộ tiền gửi 103,9 tỷ USD của ngân hàng First Republic và mua lại phần lớn trong tổng số 229,1 tỷ USD tài sản.
Theo thỏa thuận mới nhất, FDIC sẽ chia sẻ thua lỗ với ngân hàng. FDIC ước tính quỹ bảo hiểm của FDIC sẽ thiệt hại ước tính khoảng 13 tỷ USD với thương vụ này.
Ngân hàng First Republic đã từng mất đến hơn 100 tỷ USD tiền gửi trong tháng 3/2023 sau khi ngân hàng Silicon Valley sụp đổ. Tình trạng rút tiền khỏi ngân hàng Silicon Valley diễn ra trong vòng suốt nhiều tuần sau khi nhóm ngân hàng Mỹ “giải cứu” cho Silicon Valley với 30 tỷ USD.
Trong vòng 2 tháng vừa qua, nước Mỹ đã chứng kiến đến ¾ vụ sụp đổ ngân hàng lớn nhất. Vụ sụp đổ của ngân hàng First Republic có quy mô lớn chỉ sau vụ sụp đổ của ngân hàng Washington Mutual vào năm 2008. Ngoài ra còn phải kể đến vụ sụp đổ của hai ngân hàng Silicon Valley và Signature trong tháng 3/2023.
Tính từ khi ngân hàng Silicon Valley Bank sụp đổ vào tháng 3/2023, sự chú ý đã chuyển sang ngân hàng First Republic bởi nhiều người coi đây như “mắt xích” yếu nhất trong hệ thống ngân hàng Mỹ. Cổ phiếu ngân hàng First Republic sụt giảm đến 90% trong tháng trước và rồi sau đó sụt sâu hơn nữa khi mà ngân hàng First Republic công bố thực tế mức độ trầm trọng của tình hình.
Cũng giống như ngân hàng SVB chuyên phục vụ cho cộng đồng khởi nghiệp công nghệ, ngân hàng First Republic có trụ sở tại bang California này chuyên phục vụ cho khách hàng giàu có, họ cung cấp cho nhóm đối tượng này các khoản vay thế chấp với lãi vay thấp để đổi lấy việc khách hàng gửi tiền tại ngân hàng. Mô hình này bộc lộ yếu điểm sau khi vụ việc của SVB xảy ra bởi các khách hàng giàu có tại ngân hàng First Republic đã rút hơn 100 tỷ USD tiền gửi khỏi ngân hàng, theo công bố vào ngày thứ Hai.
Khi tình hình tại ngân hàng First Republic trở nên xấu đi, giới chức Mỹ ban đầu đã có những tính toán về giá trị của ngân hàng và tìm kiếm những bên thâu tóm phù hợp. Tuy nhiên, các cuộc đối thoại liên quan đến vấn đề này đang được thu hẹp lại.
Giới chức Mỹ đồng thời cũng sẽ tính đến lựa chọn gây ra ít thiệt hại tài chính nhất với FDIC.
Vụ sụp đổ của SVB trước đây được tính toán đã khiến cho FDIC thiệt hại ước tính khoảng 20 tỷ USD. Nhóm các ngân hàng lớn nhất sẽ cùng chia sẻ gánh nặng chi phí này bởi họ sẽ phải đóng bù phí cho FDIC trong vài năm.
Hướng giải quyết với ngân hàng First Republic sẽ đồng nghĩa một trong số những ngân hàng lớn nhất Mỹ sẽ càng có quy mô lớn hơn, đồng thời hưởng lợi từ quá trình tiếp quản của FDIC.