Cơ quan liên bang muốn ngân hàng First Republic được bán ở mức giá tốt nhất. Kết quả, các nhà quản lý liên bang khiến cho ngân hàng cho vay lớn nhất Mỹ giờ đây còn có “phình to” hơn nữa, theo nội dung bài báo mới được Wall Street Journal đăng tải.
Ngân hàng JP Morgan Chase được chọn bởi đưa ra được mức giá và điều khoản hấp dẫn hơn so với 3 ngân hàng nhỏ hơn khác. Theo thông tin từ JP Morgan Chase, ngân hàng đã cử 800 nhân viên làm việc suốt cuối tuần qua để tìm hiểu về sổ sách của First Republic và đánh giá hoạt động kinh doanh của ngân hàng này.
JP Morgan cũng là ngân hàng duy nhất thể hiện quan điểm muốn mua gần như toàn bộ các mảng hoạt động của First Republic ở mức giá cạnh tranh nhất. JP Morgan Chase chấp nhận mua cả những khoản thế chấp mà các ngân hàng khác không muốn mua. Chính vì vậy, không ngạc nhiên khi mà Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Mỹ (FDIC) ưu tiên cho JP Morgan Chase bởi việc JP Morgan mua lại tất cả tài sản của First Republic giúp ngăn chặn rủi ro sẽ không có bên nào chịu thâu tóm những tài sản xấu còn lại.
Một số chính trị gia và nhà quản lý đã lo ngại về khả năng việc các ngân hàng không ngừng tăng trưởng về quy mô cũng như hợp tác với nhau sẽ tạo ra ngân hàng có quy mô đủ lớn đến mức tiềm ẩn rủi ro với ổn định tài chính. Giới chức cũng đã cố gắng hạn chế bớt hoạt động sáp nhập ngân hàng nhằm ngăn các ngân hàng lớn có quy mô lớn hơn nữa. Thế nhưng với vụ bán First Republic, họ đã tạm gạt sang bên những nỗi lo này. Thực tế trên cũng cho thấy giới chức ngành tài chính sở hữu có quyền lực vô hạn trong bối cảnh căng thẳng tài chính đặc biệt.
Những rối ren gần đây trong ngành ngân hàng nhiều khả năng sẽ giúp cho các ngân hàng lớn nhất có quy mô thậm chí còn lớn hơn, nhờ vậy củng cố hơn nữa cho vị thế thống trị của họ.
“Tôi không phản đối những gì đã được làm, thế nhưng thực sự tôi nghĩ rằng hiện tại đang có quá ít lựa chọn để giải quyết quá trình phá sản của một ngân hàng”, giám đốc tại tổ chức Federal Financial Analytics chuyên tư vấn cho ngành ngân hàng – bà Karen Petrou phân tích.
Trong vòng 1 thập kỷ tính từ sau khủng hoảng tài chính, các ngân hàng lớn nhất Mỹ thậm chí còn có quy mô lớn hơn, họ hưởng lợi từ quan điểm cho rằng họ quá quan trọng với hệ thống tài chính để có thể được cho phép sụp đổ. Họ lãi rất lớn, chính vì vậy năng lực tài chính của họ quá tốt để không chịu ảnh hưởng bởi những rối ren trong ngành ngân hàng hai tháng vừa qua, thậm chí họ còn phát triển mạnh hơn nữa. Còn nhớ, trước đó JP Morgan đã dẫn đầu nhóm 11 ngân hàng tạm thời giải cứu First Republic trong tháng 3/2023 bằng việc gửi vào đây 30 tỷ USD nhằm bù lại cho lượng tiền mà khách hàng đã rút ra trong hoảng loạn sau vụ việc sụp đổ của hai ngân hàng khu vực trước đó.
Sự tăng trưởng của các ngân hàng đã tạo ra lo lắng về khả năng các ngân hàng lớn nhất đã trở nên quá quyền lực. Chính quyền Tổng thống Biden và một số quan chức đã thể hiện quan điểm băn khoăn về các vụ sáp nhập ngân hàng.
Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ Elizabeth Warren khẳng định thương vụ mới đây cho thấy vấn đề “quá lớn để sụp đổ” của các ngân hàng đã trở nên tồi tệ hơn. Phát biểu với Boston Globe, bà nói rằng cơ quan quản lý lẽ ra không nên cho phép JP Morgan mua First Republic.
FDIC, cơ quan lên kế hoạch thâu tóm First Republic và bán ngân hàng này, thông thường sẽ phải chấp nhận thỏa thuận gây ra ít thiệt hại nhất với quỹ bảo hiểm tiền gửi. Thương vụ của JP Morgan khiến cho quỹ thiệt hại 13 tỷ USD, mức thấp hơn rất nhiều so với nhiều bên khác, tuy nhiên cũng không phải khác biệt quá lớn.
JP Morgan nắm khoảng hơn 10% tổng tiền gửi tại Mỹ, thông thường ngân hàng sẽ bị cấm thâu tóm các ngân hàng khác. Tuy nhiên quy định đó lại không áp dụng trong trường hợp ngân hàng mua lại ngân hàng yếu kém. Cơ quan Kiểm soát Tiền tệ Mỹ (OCC), cơ quan quản lý trực tiếp JP Morgan, có quyền hạn lớn trong việc ngăn chặn các thương vụ thâu tóm ngân hàng mà cơ quan trực tiếp giám sát, cũng không phản đối thương vụ.