Việc Amazon dừng xây trụ sở mới sau khi trước đó sa thải hàng loạt nhân sự cao cấp không khỏi khiến nhiều người lo sợ về triển vọng của nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, điều này chưa thể phát đi tín hiệu về một đợt suy thoái kinh tế toàn diện mà sẽ còn cần phải có nhiều diễn biến khác mới có thể đưa ra khẳng định đó.
Khi kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong quá khứ, sự suy yếu thường bắt đầu từ một lĩnh vực và sau đó lan sang nhiều lĩnh vực khác như cháy rừng, nó kéo theo sự suy yếu của rất nhiều ngành nghề và cả những người làm việc trong đó.
Sự suy yếu của kinh tế Mỹ vào năm 2001 và năm 2007-2009 có thể coi như những dấu hiệu điển hình. Bong bóng Internet và viễn thông vào đầu thập niên 2000 sau đó đến tình trạng siết chặt về thế chấp và nhà đất vào giữa thập niên 2000 không khỏi gây tổn hại đến các doanh nghiệp tài chính, tiêu dùng người dân và đầu tư doanh nghiệp. Kết quả, suy thoái kinh tế và sa thải trên diện rộng xảy ra.
Nếu nhìn vào những gì diễn ra trong thời gian gần đây, người ta cũng cảm thấy yên tâm. Tình trạng sa thải tại một số ngành không lan rộng. Năm 2015, sự đi xuống của một doanh nghiệp không khỏi kéo theo cả ngành năng lượng tuy nhiên kinh tế vẫn tăng trưởng.
Vấn đề mà một số ngành nghề đối mặt, giống như thời điểm năm 2015, cho đến nay vẫn được kiềm chế dù rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy sự tổn thương vẫn còn tồn tại. Có thể yếu tố lớn nhất chính là các đợt nâng lãi suất liên tiếp của Fed vốn gây ảnh hưởng đến tất cả các gia đình và doanh nghiệp.
Giống như thời kỳ thập niên 2000, ngành công nghệ và bất động sản khó khăn. Hàng loạt thông báo sa thải nhân sự của Amazon, Microsoft và nhiều doanh nghiệp công nghệ khác thu hút sự chú ý của công chúng. Tuy nhiên nếu tính tổng thể số lượng việc làm trong ngành công nghệ thông tin, số lượng nhân sự không thay đổi ở ngưỡng 3,1 triệu người trong giai đoạn từ tháng 7/2022 đến tháng 1/2023, có một số lượng nhỏ các doanh nghiệp phần mềm sa thải nhân sự.
Trong thời gian tới, có thể sẽ có thêm các đợt cắt giảm nhân sự khi mà nhà điều hành các doanh nghiệp công nghệ cắt giảm chi phí nhằm cứu lợi nhuận. Lợi nhuận của doanh nghiệp công nghệ trong quý 4/2022 giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước và như vậy ghi nhận quý tệ hại nhất tính từ năm 2009, theo Refinitiv.
Cùng lúc đó, lãi suất cao mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) áp dụng để hãm đà tăng trưởng kinh tế và kéo giảm lạm phát cũng gây ảnh hưởng đến hoạt động xây dựng nhà ở và kéo giá nhà đi xuống. Hoạt động xây dựng nhà ở đã giảm liên tiếp 7 quý, theo công bố của Bộ Thương mại Mỹ.
Chỉ số S&P CoreLogic Case-Shiller của giá nhà tại Mỹ giảm 2,7% trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 12/2022, nếu tính cả các yếu tố mùa vụ.
Diễn biến mới nhất trên thị trường việc làm cho thấy rằng nhìn chung kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng ở tốc độ ổn định.
Trong khoảng thời gian 6 tháng tính đến tháng 1/2023, số lượng việc làm trong khoảng 72% các ngành được Bộ Lao động Mỹ theo dõi vẫn tăng lên. Tỷ lệ này giảm đáng kể so với con số 90% của tháng 3/2023, tuy nhiên vẫn cao hơn ngưỡng trung bình 62% của 3 thập kỷ trước. Trong 4 lần suy thoái kinh tế gần đây, nhóm các ngành trải qua tình trạng suy giảm cao hơn nhóm ngành tăng trưởng ước tính với tỷ lệ 10/1.
“Các thông tin sa thải đang được công chúng quan tâm, tuy nhiên thực ra nó không phải quá phổ biến. Việc nhân sự bị sa thải hiện tại tập trung chủ yếu vào nhóm ngành công nghệ và những doanh nghiệp từng hưởng lợi nhiều nhất trong đại dịch COVID-19”, CEO công ty tuyển dụng nhân sự RemX – ông Joanie Bily phân tích.
Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER), một tổ chức nghiên cứu quyết định việc suy thoái kinh tế bắt đầu và kết thúc lúc nào, định nghĩa suy thoái là sự suy giảm của hoạt động kinh tế khi nó lây lan khắp nền kinh tế và kéo dài hơn vài tháng. Chính vì vậy không thể coi sự suy giảm trong một hoặc hai ngành là khởi đầu cho suy thoái kinh tế.