Trong tháng 4/2023, chỉ số giá tiêu dùng Trung Quốc tăng trưởng chậm nhất trong hơn 2 năm, cùng lúc đó, chỉ số giá sản xuất cũng tăng trưởng chậm lại, theo số liệu công bố vào ngày thứ Năm.
Thực tế này cho thấy có thể Trung Quốc sẽ cần đến gói kích cầu để hỗ trợ cho quá trình phục hồi kinh tế thời kỳ hậu đại dịch COVID-19, theo nội dung bài báo mới được Reuters đăng tải.
Chỉ số giá tiêu dùng Trung Quốc tháng 4/2023 tăng 0,1% so với cùng kỳ năm, tốc độ tăng thấp nhất tính từ tháng 2/2021, mức tăng này hạ nhiệt đáng kể so với mức tăng 0,7% vào tháng 3/2023, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS). Mức tăng thực tế này thấp hơn so với kỳ vọng 0,4% của các chuyên gia kinh tế trước đó.
Chỉ số giá sản xuất đồng thời sụt giảm trong tháng trước, nó cho thấy những thách thức mà các nhà máy và nền kinh tế phải đối mặt sau khi các biện pháp kiểm soát COVID-19 được loại bỏ vào tháng 12/2022.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm với tốc độ nhanh nhất tính từ tháng 5/2020 và như vậy đã giảm đến 7 tháng liên tiếp. Chỉ số PPI giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước sau khi giảm 2,5% trong tháng liền trước.
Quý 1/2023, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn kỳ vọng nhờ vào việc các biện pháp kiểm soát COVID-19 được gỡ bỏ. Tuy nhiên quá trình phục hồi kinh tế không ổn định. Số liệu mới công bố gần đây cho thấy hoạt động sản xuất của các nhà máy suy giảm và nhập khẩu đi xuống trong tháng 4/2023.
Quá trình mở cửa của kinh tế Trung Quốc không khỏi gây ra những áp lực nhất định lên ngành dịch vụ. Tuy nhiên, áp lực lạm phát phần nào giảm đi bởi giá thực phẩm và nhiên liệu tăng chững lại.
Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 4/2023 tăng trưởng 8,5% tính theo giá trị đồng USD. Như vậy xuất khẩu Trung Quốc tăng trưởng 2 tháng liên tiếp, trong khi đó, nhập khẩu giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước.
Theo CNBC, trước đó các chuyên gia đã cho rằng xuất khẩu Trung Quốc tháng 4/2023 đã tăng trưởng 8% còn nhập khẩu dự kiến không thay đổi. Trước đó trong tháng 3/2023, nhập khẩu giảm 1,4% so với cùng kỳ năm còn xuất khẩu bất ngờ tăng đến 14,8%, theo số liệu của chính phủ Trung Quốc.
Số liệu thương mại tháng 4/2023 thấp hơn so với kỳ vọng nhiều khả năng phản ánh cho những xu thế thời vụ sau Tết Nguyên đán, theo phân tích của các chuyên gia kinh tế tại Goldman Sachs trong nghiên cứu vào ngày thứ Hai.
Các chuyên gia kinh tế thuộc Goldman Sachs cho rằng đã có những yếu tố cản trở tăng trưởng xuất khẩu trong tháng 4/2023.
Các số liệu gần đây về kinh tế Trung Quốc cho thấy lĩnh vực dịch vụ nước này vẫn là điểm sáng bất chấp các số liệu sản xuất gây thất vọng.
Cơ quan Thống kê Trung Quốc mới đây đã công bố chỉ số của ngành sản xuất nước này không đạt kỳ vọng của các chuyên gia. Ngành sản xuất thậm chí còn rơi vào tình trạng suy giảm, chỉ số PMI của ngành tháng 4/2023 rơi xuống ngưỡng 49,2 điểm từ ngưỡng 51,9 điểm của tháng 3/2023.
“Trung Quốc đã vượt qua giai đoạn tái mở cửa nhanh nhất”, chuyên gia thuộc Goldman Sachs viết trong nghiên cứu công bố vào ngày thứ Sáu. Goldman Sachs tái khẳng định lại dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2023.
“Các cuộc gặp gần đây với khách hàng tại Trung Quốc đại lục cho thấy rằng tâm lý bi quan về triển vọng ngắn hạn đã giảm đi, thế nhưng một số người lo lắng rằng áp lực giảm phát sẽ lớn hơn trong khoảng thời gian còn lại của năm”, chuyên gia Goldman Sachs nhấn mạnh.