Trung tâm phân tích Chứng khoán An Bình (ABS Research) mới phát hành báo cáo, đưa ra dự báo tương đối lạc quan về thị trường chứng khoán năm 2025.
Theo ABS Research dự báo, lợi nhuận sau thuế các doanh nghiệp niêm yết năm 2024 sẽ tăng khoảng 18,4% so với năm 2023, nhờ nhóm phi tài chính tăng khoảng 17,5% trong khi nhóm tài chính tăng khoảng 19,4%. Cho năm 2025, dự báo lợi nhuận sẽ hồi phục 17,8%, nhờ cả tăng doanh thu và cải thiện biên lợi nhuận.
Chỉ số VN-Index đã có nhịp hồi phục từ tháng 10/2023 sang quý II/2024, trước khi chuyển sang đi ngang cho đến cuối năm. Kết năm 2024 P/E thấp hơn P/E 2023 ở mức 13.93x, nhờ lợi nhuận doanh nghiệp tăng trưởng tích cực. Định giá này thấp hơn một chút so với P/E bình quân 3 năm qua là 13.6x lần.
Trong bối cảnh lãi suất vẫn ở vùng thấp kỷ lục và không có nhiều các kênh đầu tư thay thế, dự kiến dòng tiền nội sẽ tham gia tích cực vào thị trường chứng khoán năm 2025. Dư địa các công ty chứng khoán cho vay ký quỹ còn rất lớn vì số dư mới chỉ tương đương 88% vốn chủ sở hữu của ngành, thấp hơn nhiều mức tối đa được phép là 200%.
Đồng thời, ABS Research dự báo dòng vốn ngoại đầu tư gián tiếp vào thị trường Việt Nam sẽ cải thiện mạnh mẽ, nhất là vào nửa cuối năm 2025, dựa trên các yếu tố định giá P/E của VN-Index thấp hơn trung bình khu vực Đông Nam Á trong khi GDP dự báo cao nhất khu vực trong năm 2025; Chênh lệch lãi suất giữa USD và VND sẽ được thu hẹp dần; Triển vọng nâng hạng thị trường và vận hành hệ thống giao dịch KRX; Triển vọng Việt Nam phát triển mạnh ngành công nghệ thông tin.
Theo đó, ABS Research đưa ra 2 kịch bản với thị trường, trong đó, kịch bản tích cực, ABS Research dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục phản ánh triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực. Chỉ số chính tăng trưởng với các ngưỡng kỳ vọng 13%, 16% và 21% so với vùng đáy 1.165 – 1.198 điểm.
VN-Index sẽ có nhịp tăng trung hạn tiếp theo với biên độ 240 - 260 điểm, trong đó có các nhịp tăng ngắn hạn với biên độ tuyến tính 80 - 120 điểm, đồng pha tăng trung hạn, hướng tới chinh phục các vùng 1.345 – 1.358 và 1.370 – 1.397 (có thể đạt tới ngưỡng 1.408 – 1.435 điểm).
Mốc hỗ trợ đối với kịch bản này là 1.198 – 1.164 điểm. Đây cũng là mốc phân định kịch bản tích cực và rủi ro. Vùng thời gian chú ý đầu tiên là cuối tháng 3 - đầu tháng 4/2025.
Với kịch bản tiêu cực xảy ra khi Việt Nam chịu các sức ép lớn từ các sự kiện bất thường trên thế giới, trong bối cảnh các nền kinh tế có quan hệ thương mại, đầu tư lớn với Việt Nam như EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… chưa thoát khỏi khó khăn và tiềm ẩn các yếu tố bất ổn chính trị, bên cạnh đồng USD duy trì sức mạnh khi đang ở trong một xu hướng tăng dài hạn.
Khi đó, thị trường có thể điều chỉnh trở lại hoàn thiện pha thứ hai của cấu trúc điều chỉnh dài hạn cho toàn bộ xu hướng tăng 12 năm (2000 - 2022).
Mốc xác nhận rủi ro là khi VN-Index thủng đáy 1.198 điểm. Khi đó nhà đầu tư nên hạ các vị thế cổ phiếu đã mua ngắn hạn và trung hạn. Tiếp theo là mốc đáy trung hạn 1.030 điểm được thiết lập tháng 11/2023. Khi VN-Index phá vỡ mốc này, nhà đầu tư cần chủ động thoát toàn bộ các vị thế đầu tư. Các giao dịch sau đó chỉ nên được xác định là các giao dịch mua bán nghịch pha của một thị trường đang điều chỉnh trung và dài hạn.
Trước đó, một số chuyên gia, công ty chứng khoán cũng đưa ra dự báo lạc quan về thị trường năm 2025.
Ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBank dự báo bức tranh lợi nhuận năm 2025 vẫn tiếp tục khả quan với mức tăng 25-30% và định giá thị trường vẫn duy trì hấp dẫn với P/E đang ở mức 15 lần.
Chuyên gia cho rằng thanh khoản thị trường sẽ tăng cao vào giai đoạn từ tháng 8/2025 với kỳ vọng nâng hạng kích hoạt dòng tiền trở lại thị trường. Thanh khoản năm tới sẽ đạt trên 23.000 tỷ đồng và VN-Index có thể đạt trên 1.400 điểm trong năm 2025.
VinaCapital cũng dự đoán năm 2025 sẽ là một năm biến động đối với thị trường chứng khoán Việt Nam vì trong nửa đầu năm tới tăng trưởng GDP có thể chậm lại và đồng VND có thể bị ảnh hưởng, nhưng cả hai khả năng này có thể sẽ đảo chiều vào cuối năm.
Nhóm quỹ này xem sự sụt giảm trên thị trường chứng khoán là cơ hội để mua vào, động lực đến từ định giá thị trường chứng khoán vẫn hấp dẫn với hệ số P/E dự phóng là 12x, so với mức tăng trưởng EPS dự báo là 17%.