Các chuyên gia kinh tế thuộc Goldman Sachs dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu hạ lãi suất trước thời điểm cuối tháng 6/2024, và sau đó sẽ hạ dần lãi suất.
Theo Bloomberg trích đăng báo cáo mới nhất của Goldman Sachs, các chuyên gia kinh tế bao gồm ông Jan Hatzius và David Mericle nhấn mạnh: “Việc chúng tôi điều chỉnh dự báo có nguyên nhân từ việc muốn bình thường hóa lãi suất một khi lạm phát về gần ngưỡng mục tiêu”.
Hiện tại, nhóm nghiên cứu thuộc Goldman Sachs hiện đang dự báo về khả năng các đợt hạ lãi suất sẽ bắt đầu trong quý 2/2024. Ủy ban Thị trường Mở thuộc Fed (FOMC) nhiều khả năng sẽ bỏ qua đợt nâng lãi suất vào tháng 9/2023 và kết thúc bằng đợt điều chỉnh lãi suất trong cuộc họp vào tháng 11/2023. Goldman Sachs nhấn mạnh lạm phát lõi hiện đã chững lại đủ nhiều để khiến người ta thấy rằng việc có thêm lần nâng lãi suất nữa hoàn toàn không cần thiết.
“Việc bình thường hóa lãi suất không phải mục tiêu cấp bách, chính vì vậy chúng tôi cho rằng FOMC sẽ giữ lãi suất ở mức ổn định. Chúng tôi đang dự báo về khả năng FOMC sẽ không thay đổi lãi suất trong một số cuộc họp gần nhất. Sau đó, chúng tôi cho rằng lãi suất sẽ được điều chỉnh giảm 25 điểm cơ bản tuy nhiên không dám chắc chắn về tốc độ”, Goldman Sachs nhấn mạnh trong báo cáo nghiên cứu.
Trong tuần trước, dữ liệu cho thấy lạm phát Mỹ tăng chậm hơn so với kỳ vọng là 3,2%; chỉ số giá tiêu dùng lõi, không tính giá thực phẩm và năng lượng, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước.
Vào tháng 3/2022, các nhà hoạch định chính sách thuộc Fed đã bắt đầu chiến dịch nâng lãi suất lên ngưỡng từ 5,25% đến 5,5%.
Ngày một nhiều các chuyên gia kinh tế, trong đó có chính các nhân viên thuộc Fed, hiện đang dự báo nước Mỹ sẽ tránh được suy thoái kinh tế dù rằng sẽ phải cần sang đến năm 2024 mới có thể chắc chắn được về điều này.
Chủ tịch Fed Jerome Powell nói ông tin ngân hàng trung ương sẽ hướng đến việc kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng, tỷ lệ lạm phát trở lại ngưỡng mục tiêu 2%, dù rằng nhiệm vụ này nhiều khả năng sẽ còn đương đầu với những thách thức.
Việc không hành động đủ mạnh để ngăn áp lực giá cả tăng nóng sẽ có thể khiến cho lạm phát tăng trở lại ở một thời điểm sau này, chính vì vậy khi đó sẽ cần đến nhiều động thái mạnh tay hơn. Ngoài ra, cũng có rủi ro rằng hiệu ứng chậm của chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay nhất trong bốn thập kỷ cũng sẽ kéo kinh tế vào suy thoái.
“Tuy nhiên tôi không nghĩ rằng bất kỳ yếu tố nào trong tổng thể kinh tế nói chung sẽ rõ ràng trong vòng vài quý tới dù rằng trên thực tế lạm phát đã giảm. Fed dường như đi trước thị trường trong việc nhận diện được hướng diễn biến của nền kinh tế”, chuyên gia kinh tế cao cấp tại ngân hàng Barclays – ông Jonathan Miller phân tích.
Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ (NBER) định nghĩa suy thoái kinh tế là sự suy giảm đáng kể về hoạt động kinh tế kéo dài nhiều hơn vài tháng. Thông thường sẽ mất khoảng 21 tháng để có thể kết luận về một diễn biến như vậy trong nền kinh tế sau khi NBER nghiên cứu chi tiết và tổng quan các báo cáo và số liệu kinh tế.
Trên thực tế, không có định nghĩa nào chính thức về “hạ cánh mềm”, phần lớn các chuyên gia kinh tế coi đó như sự hạ nhiệt của lạm phát mà không gây ra suy thoái kinh tế hay tổn hại đến thị trường lao động.
Con đường điều chỉnh chính sách chưa bao giờ dễ dàng. Kết quả nghiên cứu của phó chủ tịch Fed Alan Blinder cho thấy trong 11 đợt siết chặt chính sách tiền tệ giai đoạn từ năm 1965 đến năm 2022 cho thấy rằng 4 đợt dẫn đến lạm phát ổn định hoặc giảm đi, các đợt còn lại dẫn đến kinh tế “hạ cánh cứng” hoặc tăng tốc lạm phát trong hai năm sau đó.
“Hiện đang có rủi ro từ cả hai phía. Tôi nghĩ chúng ta sẽ hiểu rõ được vấn đề này vào mùa xuân năm sau”, phó chủ tịch Fed từ năm 2018 đến năm 2022 và hiện đang là tư vấn kinh tế cao cấp tại quỹ Pacific Investment Management – ông Richard Clarida phân tích.