Nhận định về xu hướng biến động của thị trường vàng từ nay đến cuối năm, nhật báo Les Echos chỉ ra rằng kim loại quý này đã tăng 16% kể từ tháng 1/2024.
Chính các hoạt động mua vào của các ngân hàng trung ương, bao gồm cả Trung Quốc, và triển vọng cắt giảm lãi suất sắp tới đã đẩy giá vàng lên cao.
Đây chắc chắn là khoản đầu tư hàng đầu của năm 2024. Trong nhiều tháng, vàng tiếp tục tỏa sáng, nhảy từ kỷ lục này đến kỷ lục khác. Vào ngày 17/7, giá 1 ounce vàng (tương đương với 31 gram) đã đạt mức cao lịch sử 2.482 USD.
Tính tới hôm 29/7, vàng được giao dịch ở mức 2.391 USD/ounce, tăng 16% kể từ đầu năm. Và theo các chuyên gia, xu hướng này sẽ còn kéo dài.
Bất kể kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 như thế nào, vàng dường như sẽ có một tương lai tươi sáng trong những tháng tới. Ngân hàng Lombard Odier thậm chí còn dự đoán vàng sẽ đạt đỉnh 2.600 USD/ounce trong 12 tháng tới.
“Cơn sốt” kim loại quý tăng vọt thời gian gần đây một phần có liên quan đến khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9/2024. Về mặt cơ học, việc giảm lãi suất sẽ mang lại lợi ích cho vàng. Khi lãi suất trái phiếu chính phủ cao, vàng - vốn là một tài sản không sinh lời, sẽ bị các nhà đầu tư bỏ rơi.
Tuy nhiên, trong thời điểm lãi suất thấp hơn, vàng sẽ lại lấy lại được sức hấp dẫn nhờ đặc tính trú ẩn an toàn. Như một hệ quả tất yếu, sự sụt giảm của đồng USD, đi kèm với sự sụt giảm của trái phiếu kho bạc Mỹ, mang lại lợi ích cho kim loại quý được định giá bằng đồng USD này.
Việc đa dạng hóa dự trữ của các ngân hàng trung ương cũng là một lý do đẩy giá vàng lên cao. Ông Samy Chaar, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng Lombard Odier, giải thích: “Việc mua vàng với số lượng lớn của các ngân hàng trung ương, chủ yếu là Trung Quốc, đã trở thành động lực mạnh mẽ nhất của sự gia tăng này."
Trên thực tế, trong vài năm trở lại đây, ngân hàng trung ương của các nền kinh tế mới nổi như Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Singapore, Ba Lan, Trung Quốc... đã tăng cường mua vàng. Năm ngoái, các tổ chức này đã mua 1.037 tấn vàng, giảm nhẹ so với 1.135 tấn được mua vào năm 2022 - con số chưa từng thấy kể từ cuối những năm 1960 theo nhận xét của Hội đồng Vàng Thế giới. Cũng theo tổ chức quan sát kim loại quý này, các ngân hàng trung ương vẫn đang tiếp tục mua vàng. Chỉ trong quý đầu của năm nay, 290 tấn vàng đã được các ngân hàng mua vào.
Cho đến nay, Trung Quốc là nước ưa chuộng vàng nhất. Năm 2023, nước này đã mua không dưới 225 tấn vàng và rồi mua tới 27 tấn nữa chỉ trong quý 1/2024. Ông Samy Chaar giải thích rằng Trung Quốc đang tìm cách đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào của mình (chủ yếu là trái phiếu Kho bạc Mỹ) với giá trị lên tới 3.500 tỷ USD, chưa kể 400 tỷ USD được bổ sung hàng năm từ xuất khẩu sang Mỹ. Vàng là một trong những lựa chọn thay thế khả thi duy nhất để đa dạng hóa nguồn dự trữ của nước này.
Việc Trung Quốc mong muốn “phi USD hóa” dự trữ ngoại hối của mình phần lớn có liên quan đến cuộc chiến thương mại với Mỹ, vốn đã trở nên khốc liệt trong vài năm trở lại đây và có thể sẽ gay gắt hơn nếu ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống vào tháng 11 tới.
Chuyên gia Samy Chaar nhận định Trung Quốc đang ở trong một tình thế không dễ dàng và họ cũng chú ý đến các lệnh trừng phạt được áp đặt lên Nga từ năm 2022. Do đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục mua vàng, đặc biệt là khi Ngân hàng trung ương Trung Quốc mới chỉ nắm giữ 2.230 tấn vàng trong kho bạc. Con số này ít hơn một chút so với Pháp (2.436 tấn) và cách xa so với Mỹ (8.133 tấn).
Ông Samy Chaar chỉ ra Trung Quốc bắt đầu mua kim loại quý hơi muộn. Chỉ từ 5% đến 10% dự trữ của họ là vàng, so với 20% đến 30% ở các nước phương Tây lớn. Nhiều ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế mới nổi như Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan... cũng đang mua vàng để giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.
Không chỉ ngân hàng nhà nước mà người dân Trung Quốc cũng có nhu cầu mua vàng, qua đó góp phần đẩy giá kim loại quý này lên. Do vàng đóng vai trò như một hàng rào chống lạm phát trong danh mục đầu tư, ngày càng nhiều người dân nước này mua vàng miếng và tiền xu trong hai năm qua. Đây là cách để họ bảo vệ số tiền tiết kiệm của mình.
Theo chuyên gia kinh tế Samy Chaar, thái độ của người Trung Quốc có thể lý giải bởi cuộc khủng hoảng bất động sản và thực tế là họ không phải lúc nào cũng tin tưởng vào ngân hàng của mình.
Việc mua đồ trang sức - đặc biệt là ở Ấn Độ, cũng góp phần đẩy giá vàng lên cao.
Theo dự báo, những căng thẳng địa chính trị ngày càng mạnh mẽ và khả năng ông Trump trở lại nắm quyền cũng có thể thúc đẩy giá vàng trong thời gian tới. Sự không chắc chắn xung quanh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có thể khiến sức hấp dẫn của kim loại quý này ngày một gia tăng.
Một nghiên cứu của Hội đồng Vàng Thế giới nhấn mạnh: “Bất kể ứng cử viên chiến thắng là ai, rủi ro địa chính trị ngắn hạn vẫn ở mức cao và có thể đóng vai trò là chất xúc tác cho vàng."
Ông Gregory Shearer, nhà phân tích tại ngân hàng JPMorgan, cho biết vàng đang có vị thế đặc biệt để thúc đẩy một đợt phục hồi giá. Chúng thậm chí có thể được khuếch đại hơn nữa trong kịch bản ông Trump trở lại Nhà Trắng.
Trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên từ năm 2016-2020 của ông Trump, giá vàng đã tăng 50%. Hiệu suất sau đó được hỗ trợ bởi đại dịch COVID-19 và lãi suất giảm - giai đoạn vàng phát huy tối đa vai trò là nơi trú ẩn an toàn. Lần này, kim loại quý có thể nhận được lực đẩy nhờ sự suy yếu của đồng USD.
2/3 số nhà đầu tư được hãng tin Bloomberg khảo sát về chủ đề này cho rằng việc ông Trump tái đắc cử sẽ “làm tổn hại đến vị thế của đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ toàn cầu”.