Theo đài RT (Nga), hợp đồng khí tự nhiên kỳ hạn trên trung tâm giao dịch TTF có trụ sở tại Hà Lan đã tăng lên hơn 1.300 USD/1.000 m3, đánh dấu mức tăng gần 25%, lần đầu tiên kể từ ngày 27/4.
Đầu tuần này, giá khí đốt trong khu vực đã tăng vọt gần 11% sau khi Gazprom cho biết Tập đoàn này đã giảm lượng khí đốt cung cấp qua đường ống dẫn khí Dòng chảy Phương Bắc, sau khi Công ty Siemens của Đức không đưa các thiết bị bơm khí đốt trở lại trạm bơm đúng hạn. Theo Gazprom, tổng lưu lượng khí đốt qua đường ống Dòng chảy Phương Bắc sẽ giảm khoảng 60%, từ 167 triệu m3/ngày xuống chỉ còn 67 triệu m3/ngày.
Trong bối cảnh đó, nhà điều hành Hệ thống truyền dẫn khí đốt (GTS) Ukraine cho biết họ sẵn sàng tăng khối lượng khí đốt vận chuyển qua cửa khẩu Sudzha để cung cấp cho châu Âu. “Để hỗ trợ các nước châu Âu, GTS của Ukraine sẵn sàng xem xét khả năng tạm thời tăng khối lượng vận chuyển khí đốt, bù đắp cho việc thiếu phương tiện vận chuyển qua đường ống dẫn khí Dòng chảy Phương Bắc 1”, nhà điều hành cho biết trong một tuyên bố trên kênh Telegram.
Giá khí đốt của châu Âu đang tăng đột biến trong bối cảnh bất ổn địa chính trị và châu Âu giảm mua nhiên liệu hóa thạch của Nga. Cho đến nay, EU mới thông qua lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga theo một phần của gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Moskva, bất chấp sự phản đối kịch liệt của một số quốc gia thành viên. Một số quốc gia đã kêu gọi ngừng mua khí đốt từ Nga trong gói trừng phạt tiếp theo, nhưng hiện tại vẫn chưa rõ lựa chọn thay thế cho nguồn cung khổng lồ này, trong khi sản lượng khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) toàn cầu đã ở mức giới hạn.
Kể từ tháng 9/2021, giá khí đốt trên toàn thế giới bắt đầu tăng mạnh khi nhu cầu toàn cầu gia tăng trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi sau nhiều tháng ngừng hoạt động vì COVID-19. Tình trạng khí đốt tăng giá tiếp tục diễn ra vào năm 2022, với mức cao kỷ lục do các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga để đáp trả chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này tại Ukraine.
Đường ống Dòng chảy phương Bắc chạy dưới Biển Baltic và chuyển khí đốt của Nga đến Đức, cung cấp cho thị trường EU khoảng 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm.