Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước đã tăng thêm 132.010 tài khoản trong tháng 5/2024, cao hơn 21.000 tài khoản so với mức tăng của tháng 3 trước đó.
Xét về cơ cấu, tương tự như các tháng trước đó, số lượng tài khoản chứng khoán tăng thêm trong tháng 5 chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân với 131.839 tài khoản. Trong khi đó, tài khoản của nhà đầu tư tổ chức chỉ tăng thêm 171 tài khoản.
Luỹ kế từ đầu năm, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đã tăng gần 645.000 tài khoản. Tổng số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước tính đến cuối tháng 5 lên đến gần 7,9 triệu tài khoản, cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân có hơn 7,87 triệu tài khoản, tương đương gần 8% dân số.
Tuy nhiên, con số này chưa thực sự phản ánh chính xác tỷ lệ người dân tham gia vào chứng khoán bởi một nhà đầu tư có thể có nhiều tài khoản tại nhiều công ty chứng khoán.
Theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) đến năm 2030, Việt Nam hướng đến mục tiêu đạt mốc 9 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên TTCK vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030. Trong đó, Chính phủ yêu cầu tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
Số lượng tài khoản chứng khoán tăng mạnh trong bối cảnh thị trường giao dịch khởi sắc. Chỉ số VN-Index tăng 4,32% trong tháng 5 qua đó trở lại gần vùng đỉnh 2 năm. Đà tăng chủ yếu được hỗ trợ bởi dòng tiền nội trong khi khối ngoại bán ròng 15.600 tỷ đồng trong tháng 5.
Khối ngoại liên tục bán ròng nhưng số lượng tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vẫn tiếp tục tăng qua từng tháng. Cụ thể, số lượng tài khoản đã tăng 210 đơn vị trong tháng 5, thấp hơn so với mức tăng 242 tài khoản của tháng 4, trong đó cá nhân tăng 217 tài khoản, ngược lại tổ chức giảm 7 tài khoản. Tổng số tài khoản nhà đầu tư nước ngoài hiện đạt 46.367.
Nhận định về thị trường, trong báo cáo mới công bố, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho biết, thị trường đang hội tụ điều kiện để quay lại xu hướng tăng ngắn hạn nhờ chỉ số DXY đã có sự suy yếu và chênh lệch giữa giá vàng quốc tế và giá vàng trong nước thu hẹp sẽ giúp tỷ giá bớt căng thẳng.
Bên cạnh đó, sau khi chạm mốc quan trọng 3%, lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm đã quay đầu giảm và điều này sẽ hỗ trợ tâm lý thị trường.
Cuối cùng, kinh tế Việt Nam ghi nhận đà phục hồi mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực sản xuất, qua đó củng cố cho bức tranh tăng trưởng lợi nhuận tích cực của các doanh nghiệp niêm yết trong các quý tới.
Tuy nhiên, rủi ro thị trường cũng được nhóm chuyên gia của VNDIRECT nêu ra xoay quanh chính sách tiền tệ của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Cụ thể, nếu số liệu lạm phát cao hơn kỳ vọng được công bố sẽ làm chùn bước quyết định hạ lãi suất của FED và qua đó làm tăng áp lực lên chính sách tiền tệ của Việt Nam.