Trong phiên đầu tiên của tháng 10/2022, thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm, Dow Jones ghi nhận mức tăng rất mạnh, đây là dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư đang tạm bình ổn tâm lý sau khoảng thời gian dài bán mạnh.
Đóng cửa phiên, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng 765,38 điểm tương đương 2,7% lên 29.490,89 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 92,81 điểm tương đương 2,6% lên 3.678,43 điểm còn chỉ số Nasdaq tăng 239,82 điểm tương đương 2,3% lên 10.815,43 điểm. Cả chỉ số S&P và Nasdaq như vậy đều có ngày tăng điểm đầu quý 3 tốt nhất so với bất kỳ năm nào tính từ năm 2009, theo tính toán của Dow Jones Market Data.
Việc thị trường tăng điểm diễn ra trên diện rộng sau khi cổ phiếu khép lại tuần, tháng và quý mất điểm mạnh, các chỉ số đóng cửa ở mức thấp nhất tính từ đầu năm.
Thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh trong 9 tháng đầu của năm 2022 khi mà quan chức Ngân hàng Trung ương Mỹ tuyên bố rõ ràng rằng việc nâng lãi suất và siết chặt chính sách tiền tệ sẽ vẫn tiếp diễn. Trong tuần trước, chỉ số Dow Jones đã có lúc rơi vào trạng thái thị trường suy giảm, tức mức giảm khoảng 20% so với mức đỉnh gần nhất.
Nhà đầu tư hiện đang cân nhắc về nhiều yếu tố đã khiến cho họ lo lắng về triển vọng kinh tế và ổn định tài chính toàn cầu. OPEC và các nước đồng minh cũng đang tính đến giảm sản lượng dầu để đẩy cao giá cả. Gần đây, chính phủ Anh đã thông qua kế hoạch kinh tế, ngay lập tức nó tạo ra các đợt bán tháo trên thị trường trái phiếu tiềm ẩn khả năng gây tổn hại đến các quỹ hưu trí.
“Hiện đang có quá nhiều yếu tố căng thẳng và khủng hoảng đến cùng lúc. Nó sẽ dẫn đến nhiều biến động và bất ổn trên các thị trường”, trưởng bộ phận kinh tế vĩ mô tại ING – ông Carsten Brzeski nói.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư tin rằng thị trường chứng khoán sẽ vẫn có triển vọng tăng điểm trong khoảng thời gian cuối của năm. “Tôi tin thị trường sẽ chốt năm cao hơn so với mức hiện nay”, chuyên gia quản lý quỹ tại Morgan Stanley Investment Management, ông Andrew Slimmon
Lợi nhuận doanh nghiệp tích cực tuy nhiên kỳ vọng lợi nhuận khá thấp, tuy nhiên nó tạo ra bối cảnh khá tốt cho thị trường chứng khoán, ông Slimmon phân tích. Ông dự báo số liệu lạm phát trong thời gian tới sẽ hạ nhiệt khi giá hàng hóa giảm, ngoài ra, thị trường chứng khoán Mỹ thường có truyền thống tăng điểm trước bầu cử giữa kỳ. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), sau khoảng thời gian nâng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát, cũng sẽ có thể thay đổi quan điểm vào năm sau.
“Nếu Fed có thể thay đổi quan điểm ở một thời điểm nào đó, có một số cổ phiếu đã giảm quá nhiều và khả năng hồi phục lại hoàn toàn có thể xảy ra”, ông Slimmon nói
Cổ phiếu của toàn bộ 11 nhóm ngành trong S&P 400 tăng điểm, cổ phiếu năng lượng tăng 5,8%; trong đó cổ phiếu Marathon Oil tăng 11%, cổ phiếu Dominion Energy tăng 2,9% còn cổ phiếu ConocoPhillips tăng 7,5%.
Trên thị trường trái phiếu, lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ thời hạn 10 năm giảm xuống còn 3,65% từ mức 3,8% của ngày thứ Sáu. Lợi suất và trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ thường có biến động trái chiều.
Trên phương diện thông tin kinh tế, S&P Global và Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) công bố chỉ số khảo sát ngành sản xuất cho thấy hoạt động kinh tế tại Mỹ hạ nhiệt trong tháng trước. Viện quản lý nguồn cung vào ngày thứ Hai công bố chỉ số của ngành sản xuất Mỹ rơi xuống mức thấp nhất tính từ tháng 5/2020.