Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones giảm phiên ngày thứ Tư khi mà các nhà hoạch định chính sách Mỹ chật vật trong việc đạt được thỏa thuận về mức trần nợ Mỹ, thực tế này không khỏi khiến nhiều người lo sợ về khả năng vỡ nợ.
Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones hạ 255,59 điểm tương đương 0,77% xuống 32.799,92 điểm; chỉ số S&P 500 hạ 0,73% xuống 4.115,24 điểm còn chỉ số Nasdaq hạ 0,61% xuống 12.484,16 điểm.
Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy trong cuộc họp báo vào cuối buổi sáng cho biết hiện các nhà đàm phán Mỹ vẫn còn đối đầu về mức trần chi tiêu, họ đổ lỗi cho các chính trị gia Đảng Dân chủ về việc đã chậm hành động. Ông McCarthy cũng nói rằng ông tin nhóm đàm phán sẽ có thể có kết quả tích cực ngay trong thời gian vài ngày tới.
“Tôi nghĩ rằng đó cũng là điều bình thường. Sẽ là hợp lý nếu năm sau chúng ta chi tiêu ít hơn năm nay. Ngay cả các hộ gia đình cũng phải học cách cân đối chi tiêu kiểu như vậy”, ông Carthy nhấn mạnh.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trước đây từng cảnh báo các nhà hoạch định chính sách Mỹ về khả năng nước Mỹ vỡ nợ vào đầu tháng 6/2023. Vào ngày thứ Tư, bà nhấn mạnh bà vốn đã chứng kiến một số những áp lực trong hệ thống tài chính bởi xuất hiện ngày một nhiều nỗi lo về khả năng Mỹ có thể trải qua đợt vỡ nợ đầu tiên trong lịch sử.
Thị trường hiện vẫn đang trong trạng thái bị bán bởi nhiều yếu tố bao gồm việc trước đó nhà đầu tư đã mua quá mức, nỗi lo về trần nợ Mỹ khi thời điểm 1/6/2023 đến gần, theo phân tích của CEO quỹ Park Investments – ông Adam Sarhan phân tích.
“Khi nỗi sợ dâng cao, nhà đầu tư thường bán ra trước và rồi sau đó mới tính toán xem họ sẽ tiếp tục làm gì”, ông Sarhan nhấn mạnh.
Thị trường chứng khoán vẫn duy trì ở mức thấp ngay cả khi những biên bản từ cuộc họp gần nhất của Fed phát đi thông điệp về sự bất ổn liên quan đến việc liệu Ngân hàng Trung ương Mỹ có tiếp tục nâng lãi suất vào tháng 6/2023 hay không.
Thông tin từ các biên bản họp của Fed cho thấy rằng quyết định nâng lãi suất trong cuộc họp lần tới sẽ tùy thuộc vào các dữ liệu chuẩn bị được công bố.
Các doanh nghiệp Mỹ đang chạy đua vay tiền trên thị trường trái phiếu. Họ chạy đua làm như vậy để phòng trường hợp các vấn đề trần nợ của Mỹ nếu không giải quyết được sẽ gây ra nhiều rối loạn trong mùa hè năm nay, theo nội dung bài báo được Financial Times đăng tải.
Số liệu của Dealogic cho hay những doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm cao đã phát hành lượng trái phiếu có tổng giá trị ước tính 112 tỷ USD trong tháng này, cao hơn so với con số 46 tỷ USD trong tháng 5/2022 và cao hơn gấp 3 lần giá trị trái phiếu phát hành trong tháng 4/2023.
Nếu không tính năm 2020 khi mà lãi suất ở mức siêu thấp khiến cho doanh nghiệp đua nhau phát hành đến 196 tỷ USD trái phiếu, giá trị phát hành trái phiếu tháng 5/2023 như vậy cao nhất trong 7 năm trở lại đây.
Theo những ngân hàng chịu trách nhiệm bảo lãnh phát hành cho các hợp đồng phát hành trái phiếu doanh nghiệp, doanh nghiệp đang tận dụng bối cảnh thị trường sôi động nhằm thu hút được nhà đầu tư trước khi thị trường có thể chứng kiến những biến động bất thường từ việc chính phủ Mỹ hết tiền mặt. Kịch bản trên nếu xảy ra sẽ tạo ra nhiều ảnh hưởng lớn lên giá tài sản toàn cầu.
“Sẽ không phải là nói quá nếu khẳng định rằng các doanh nghiệp thực sự đã chạy đua phát hành trái phiếu”, trưởng bộ phận thị trường vốn tại ngân hàng Citigroup – ông Richard Zogheb phân tích.
Việc phát hành trái phiếu ồ ạt phản ánh cho tâm lý muốn tránh những xáo trộn gây ra bởi vấn đề trần nợ và tận dụng bối cảnh thị trường tốt, ông Zogheb nói thêm.
Theo các thành viên thị trường, những nỗi lo về nền kinh tế hiện cũng đang ảnh hưởng đến quá trình hoạch định chính sách. Khi mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới đây đã tiếp tục nâng lãi suất cơ bản đồng USD, xuất hiện thêm một nhiều lo ngại về khả năng kinh tế Mỹ bước vào quá trình suy giảm.