Theo hãng tin AFP, báo cáo trên do Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA) có trụ sở tại Phần Lan đưa ra trong bối cảnh Kiev kêu gọi phương Tây ngừng mọi hoạt động thương mại với Nga, nhằm mục tiêu cắt đứt nguồn thu tài chính của Điện Kremlin. Đầu tháng này, EU đã chấp thuận ngừng hầu hết hoạt động nhập khẩu dầu của Nga và đặt mục tiêu giảm 2/3 lô hàng khí đốt trong năm nay.
Theo báo cáo, EU chiếm 61% kim ngạch xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch của Nga trong 100 ngày đầu tiên nổ ra xung đột với Ukraine, trị giá khoảng 60 tỷ USD. Các nhà nhập khẩu hàng đầu khác là Trung Quốc với 13,2 tỉ USD, Đức với 12,6 tỉ USD và Italy với 8,1 tỉ USD.
Nguồn nhiên liệu hóa thạch mang lại lợi nhuận lớn nhất cho Nga đến từ dầu thô với 48 tỉ USD, tiếp theo là khí đốt, các sản phẩm dầu, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và than đá.
Ngay cả khi xuất khẩu của Nga giảm mạnh vào tháng 5, do các quốc gia và doanh nghiệp cắt giảm nguồn cung cấp để đáp trả chiến dịch quân sự tại Ukraine, giá nhiên liệu tăng đã tiếp tục mang lại nguồn lợi nhuận lớn cho Điện Kremlin, với doanh thu xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục.
Theo CREA, giá xuất khẩu năng lượng trung bình của Nga cao hơn năm ngoái khoảng 60%. Một số quốc gia đã tận dụng cơ hội phương Tây quay lưng với Moskva để mua khí đốt từ nước này - bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Pháp, báo cáo cho biết thêm.
Nhà phân tích Lauri Myllyvirta của CREA cho biết: “Khi EU đang cân nhắc các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với Nga, Pháp đã tăng cường nhập khẩu để trở thành nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới.”
Vì hầu hết nguồn cung LNG trong số này là lô hàng giao ngay mà không phải hợp đồng dài hạn, vị chuyên gia này cho rằng Pháp đang cố tình sử dụng năng lượng của Nga bất chấp việc Moskva triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine. Ông Myllyvirta kêu các nước cần “hành động đi kèm lời nói” bằng cách áp đặt lệnh cấm vận nhiên liệu hóa thạch của Moskva.