Theo đánh giá mới nhất của Viện Nghiên cứu kinh tế Đức (DIW), triển vọng của nền kinh tế đầu tầu châu Âu này đang được cải thiện bất chấp những tác động bất lợi từ cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát cao.
Các chuyên gia nghiên cứu của DIW cho rằng tăng trưởng kinh tế Đức có thể sẽ giảm phần nào trong những tháng mùa Đông, nhưng một cuộc suy thoái nghiêm trọng ngày càng khó xảy ra và triển vọng kinh tế là tích cực một cách thận trọng.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Guido Baldi của DIW, "còn quá sớm để có thể lạc quan quá mức," vì bên cạnh ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến tại Ukraine, những rủi ro toàn cầu khác vẫn còn ở mức cao, đặc biệt là tình hình đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề trong chuỗi cung ứng.
Ngoài ra, việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thắt chặt chính sách tiền tệ do lạm phát ở mức cao có thể sẽ làm suy giảm phần nào tăng trưởng kinh tế trong năm tới.
Chuyên gia kinh tế Laura Pagenhardt của DIW cho biết có những dấu hiệu khởi sắc trong lĩnh vực sản xuất, niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp tăng lên. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng vẫn chưa kết thúc. Những rủi ro trong vài tháng qua phần lớn vẫn tồn tại.
Các viện nghiên cứu kinh tế hàng đầu khác của Đức cũng tỏ ra lạc quan hơn về triển vọng của nền kinh tế nước này.
Trong báo cáo mới nhất, Viện nghiên cứu kinh tế IfW ước tính tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức sẽ tăng 0,3% trong năm tới, tăng so với dự báo giảm 0,7% trước đó của Viện này.
Về thị trường lao động, Viện nghiên cứu kinh tế Ifo dự báo triển vọng việc làm tiếp tục tích cực trong quý đầu tiên của năm tới.
Các doanh nghiệp đang tích cực tìm kiếm nhân viên mới và cung cấp nhiều việc làm hơn, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ. Điều này cũng sẽ có tác động tích cực tới nền kinh tế nói chung.