Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, doanh nghiệp dự kiến sẽ tăng phí 4 tuyến cao tốc: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Thời gian tăng dự kiến là 0 giờ ngày 1/2.
VEC cho biết, thực hiện lộ trình điều chỉnh mức giá sử dụng dịch vụ các tuyến đường cao tốc do doanh nghiệp làm chủ đầu tư, nhằm đảm bảo dòng tiền thực hiện nghĩa vụ tài chính cũng như mục tiêu đầu tư phát triển đường cao tốc, sau khi báo cáo cấp có thẩm quyền, VEC thực hiện điều chỉnh mức giá dịch vụ sử dụng các tuyến đường cao tốc, bao gồm: Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP.HCM- Long Thành - Dầu Giây, cụ thể như sau:
Điều chỉnh tăng 12% mức giá sử dụng dịch vụ đường cao tốc tại 3 tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình và Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Như vậy, Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và Đà Nẵng - Quảng Ngãi tăng từ 1.500 đồng/km lên 1.680 đồng/CPU (đơn vị xe con quy đổi)/km; Cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đoạn Nội Bài - Yên Bái tăng từ 1.500 đồng lên 1.680 đồng/km; đoạn Yên Bái - Lào Cai (chủ yếu 2 làn xe, tốc độ 80km/h) từ 1.000 đồng/km lên 1.120 đồng/km.
Riêng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, điều chỉnh tăng 5% mức giá sử dụng dịch vụ đường cao tốc. Như vậy, tuyến cao tốc này sẽ tăng từ 2.000 đồng/km lên 2.100 đồng/km.
Trước đó, VEC đã có văn bản bản kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận chủ trương điều chỉnh mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ các tuyến cao tốc từ tháng 1/2024.
Theo VEC, năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải ban hành Quyết định 3789 phê duyệt phương án tài chính 5 dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Bến Lức - Long Thành do VEC là chủ đầu tư. Theo quyết định, các tuyến đường cao tốc sẽ tăng mức thu theo lộ trình 3 năm/lần, mỗi lần tăng 15%.
Cụ thể phương án: Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình tăng mức thu lần thứ 1 vào năm 2017, lần 2 vào năm 2020 và lần 3 vào năm 2023. Cao tốc Nội Bài - Lào Cai và cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây tăng mức thu lần đầu vào năm 2018, lần 2 vào năm 2021 và lần 3 vào năm 2024.
Tuy nhiên, thực hiện theo Nghị quyết 35 ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải về việc chưa tăng phí sử dụng đường bộ hoàn vốn dự án BOT nên từ năm 2017 - 2023, VEC chưa tăng mức thu theo lộ trình phương án.
Sau đó, Bộ Giao thông Vận tải ban hành Quyết định 2323 ngày 31/12/2021 phê duyệt phương án tài chính 5 dự án đường cao tốc trên, phục vụ cho việc thẩm định sử dụng vốn của Hiệp định vay ADB lần 2 (3391-VIE) cho dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã thống nhất việc tăng phí 4 tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây do VEC quản lý, khai thác.