Kết phiên ngày 5/8, chỉ số VN-Index giảm gần 49 điểm, đóng cửa tại 1.188 điểm, tương đương giảm 3,92% và là phiên thứ 2 chỉ số giảm trên 40 điểm kể từ đầu năm 2024. Vốn hoá thị trường theo đó mất 198.000 tỷ đồng, tương đương 8 tỷ USD.
Xét về các mã cổ phiếu kéo VN-Index giảm mạnh, thì BID và GVR là 2 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất đến thị trường chung với mức giảm lần lượt là 3,5% và 7% khiến VN-Index để mất 4,4 điểm.
Các cổ phiếu rổ VN30 khác là nhân tố đè mạnh lên thị trường khi VHM lấy đi gần 2 điểm của VN-Index, với mức giảm trên 4% trong phiên hôm nay. VCB hay TCB giảm sâu khiến VN-Index mất gần 2 điểm.
Top 15 cổ phiếu tác động tiêu cực đến VN-Index trong phiên giảm mạnh này còn có những mã khác như HPG, CTG, GAS, FPT, VIC, VNM…
Ở chiều ngược lại, sắc xanh le lói tại một số cổ phiếu như 2 đại diện nhóm chứng khoán BSI và FTS, cùng với một số mã midcaps như SVC, HRC, TNC, COM.
Phiên giảm điểm mạnh của VN-Index không lạc lõng trong bối cảnh chứng khoán châu Á cũng chao đảo vì làn sóng bán tháo cổ phiếu. Thống kê trên StockQ cho thấy, hầu hết các thị trường châu Á đều giảm điểm mạnh.
Cụ thể, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản là thị trường giảm điểm mạnh nhất châu Á trong phiên ngày 5/8 (giảm 13,47%), tương ứng giảm hơn 4.839 điểm, vượt xa “Ngày thứ 2 đen tối” năm 1987, từng là cột mốc đáng sợ trong lịch sử tài chính toàn cầu, khiến phiên ngỳ 5/8 sẽ đi vào lịch sử thị trường chứng khoán Nhật Bản như một ngày đen tối chưa từng có.
Tương tự, chỉ số TOPIX cũng giảm mạnh với mất mát lên đến 12,23%. KOSPI của Hàn Quốc giảm 8,77%, Taiwan giảm 8,35%. Những thị trường được xem là ổn định hơn như Singapore và Úc cũng không thoát khỏi cơn lốc bán tháo, với mức giảm trên 3%.
Lý giải đà bán tháo này có thể kể đến rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, nỗi lo về một cuộc suy thoái tiềm tàng tại Mỹ đã tạo ra làn sóng bán tháo. Hay việc đồng Yên bất ngờ tăng giá mạnh lên mức cao nhất trong 7 tháng, qua đó gây áp lực nặng nề lên các doanh nghiệp xuất khẩu Nhật Bản, điển hình là gã khổng lồ Toyota với mức giảm 10%.
Bên cạnh đó, nguyên nhân có thể còn đến từ động thái tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vào tuần trước. Quyết định nâng lãi suất từ 0,1% lên 0,25% đã châm ngòi cho đợt bán tháo kéo dài 3 ngày liên tiếp.
Bên cạnh đó, dự nợ vay ký quỹ (margin) là nguyên nhân được đề cập đến vị thế mua margin của các nhà đầu tư cá nhân đã tăng lên mức cao nhất trong 18 năm vào cuối tháng 7/2024, ngay cả khi chỉ số Nikkei 225 (Nhật Bản) đã trượt khỏi đỉnh lịch sử.