Chưa đầy hai tháng trước cuộc bầu cử Tổng thống ở "xứ cờ hoa", Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngày 18/9/2024 đã mạnh tay hạ lãi suất ở mức 50 điểm cơ bản - mức cao nhất trong dự đoán trước đó của các chuyên gia phân tích. Thông thường, Fed dịch chuyển lãi suất với tốc độ 25 điểm cơ bản mỗi lần.
Câu hỏi đang được đặt ra là liệu nền kinh tế Mỹ có cần đến mức cắt giảm "khủng" này không? Với quyết định táo bạo này, dường như các thành viên của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC, đơn vị "đầu não" của Fed) muốn đảm bảo rằng Mỹ tránh được kịch bản suy thoái kinh tế.
Có thể, Fed lo xa và đã quyết định hành động nhanh hơn trước khi dữ liệu cho thấy kinh tế Mỹ suy yếu, bởi nếu để xảy ra kịch bản suy thoái, 50 điểm cơ bản có thể là không đủ. Các Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Elizabeth Warren, John Hickenlooper và Sheldon Whitehouse thậm chí còn muốn Fed tiến xa hơn nữa, khi từng thúc giục Chủ tịch Fed Jerome Powell giảm lãi suất 75 điểm cơ bản. Một số chính trị gia Mỹ lo ngại rằng nếu Fed quá thận trọng trong việc hạ lãi suất, điều đó sẽ khiến nền kinh tế Mỹ trượt vào suy thoái.
Đây cũng là lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020 Fed cắt giảm lãi suất. Động thái này được cho là đặt dấu chấm đối với cuộc chiến chống lạm phát nhiều cam go và quyết liệt của Fed, đồng thời cũng xác nhận quan điểm của Chủ tịch Fed trong bài phát biểu của ông tại Jackson Hole vào tháng trước rằng "đã đến lúc chính sách phải được điều chỉnh".
Khi cân nhắc quyết định về lãi suất, Fed chủ yếu xem xét hai yếu tố: lạm phát và thị trường lao động. Cân bằng mức tăng của giá cả với tỷ lệ thất nghiệp được Fed xác định là "nhiệm vụ kép" của mình. Trong tháng 8/2024, chỉ số giá tiêu dùng - thước đo lạm phát - chỉ tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 2,9% của tháng 7/2024. Tỷ lệ thất nghiệp cũng bất ngờ giảm trong tháng Tám vừa qua. Những dữ liệu này đã cung cấp cho Fed cơ sở nền móng cần thiết để hạ lãi suất xuống biên độ 4,75-5%. Đáng chú ý, mức cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản cũng tương đối phù hợp với kỳ vọng của thị trường.
Hiện chưa có gì chắc chắn về lộ trình lãi suất trong thời gian tới tại Mỹ. Chủ tịch Fed Jerome Powell đã khuyến cáo các thị trường không nên coi mức cắt giảm 50 điểm cơ bản này là một "tốc độ mới" hay là sự khởi đầu của một xu hướng nới lỏng mới. Ông nhấn mạnh rằng Fed sẽ tiến hành một cách thận trọng, đưa ra quyết định trên cơ sở "từng cuộc họp".
Các thành viên FOMC dự báo Fed có thể sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản/lần vào tháng 11/2024 và tháng 12/2024, sau đó giảm tiếp 100 điểm cơ bản trong năm 2025 và 25 điểm cơ bản nữa vào năm 2026. Những đợt điều chỉnh này sẽ đưa lãi suất xuống khoảng 2,75%-3,00% vào cuối chu kỳ nới lỏng. Chủ tịch Fed nhấn mạnh rằng mục tiêu là đạt được sự ổn định về giá mà không khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh.
Sẽ cần thời gian để người Mỹ cảm nhận được tác động của quyết định ngày 18/9/2024 của Fed - đánh dấu thời điểm then chốt trong chu kỳ lãi suất sau bốn năm. Nhưng chắc chắn người tiêu dùng Mỹ sẽ cảm thấy "nhẹ nhõm" hơn, khi họ đã phải gồng gánh lãi suất thẻ tín dụng tăng gần gấp đôi trong thập kỷ qua lên 22,8% và lãi suất trung bình cho các khoản vay thế chấp kỳ hạn 30 năm hiện ở mức 5,5%.
Một số chuyên gia phân tích nhận định rằng quyết định hạ lãi suất của Fed mang lại không gian để các thị trường mới nổi (như Ấn Độ, Brazil, Nam Phi,...) cắt giảm lãi suất theo hướng tương tự. Các nền kinh tế lớn, trong đó có Anh, Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) và Canada, cũng đã bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất và lịch sử cho thấy Ấn Độ thường đi theo Mỹ trong những chính sách xoay trục như vậy.
Với sức mạnh của nền kinh tế số 1 thế giới, quyết định của Fed sẽ tác động đến thị trường ngoại hối, hoạt động thương mại, gánh nặng nợ,...trên quy mô toàn cầu. Và sự thay đổi trong chính sách tiền tệ của Mỹ cũng có thể thúc đẩy các nhà đầu tư toàn cầu tìm kiếm lợi nhuận cao hơn ở các thị trường mới nổi.
Có thể khẳng định rằng quyết định hạ lãi suất của Fed là tín hiệu tích cực cho hướng đi của nền kinh tế Mỹ. Các thị trường dường như cũng có cơ sở hơn để chia sẻ niềm tin của Fed rằng "nền kinh tế Mỹ đang trong thể trạng tốt, tăng trưởng với tốc độ vững chắc và lạm phát đang giảm dần".
Với một thực thể kinh tế lớn như Mỹ, việc tăng/giảm lãi suất của Fed ngay lập tức sẽ có tác động dây chuyền tới các thị trường tài chính toàn cầu, cũng như làm thay đổi cục diện xu hướng đầu tư, xuất nhập khẩu...trong một thời gian nhất định. Đối với mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp, việc nắm bắt động thái, xu hướng để kịp thời có những quyết sách linh hoạt được coi là một trong những điểm mấu chốt quyết định để tạo nên sự thành công trong phát triển kinh tế. Thương trường là chiến trường, trong bối cảnh bùng nổ thông tin trên một thế giới phẳng, hơn ai hết, người nắm được thông tin sớm nhất sẽ là người có cơ hội chiến thắng. Tuy nhiên, để biến cơ hội thành hiện thực, điều đó phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, khả năng ứng biến cũng như chiến lược lâu dài của mỗi doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam. Việc Fed giảm lãi suất lần đầu tiên sau 4 năm, được coi là mở đầu cho chu kỳ nới lỏng tiền tệ sẽ ảnh hưởng lớn tới kinh tế toàn cầu, và Việt Nam không là ngoại lệ.