![](https://s-aicmscdn.nhipsongkinhdoanh.vn/thumb/w_1000/nskd-media/25/2/6/chuyen-dong-moi-ve-tuyen-metro-tu-trung-tam-tp_67a4438316662.png)
Chiều ngày 5/2, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thông tin về tình hình triển khai các dự án, đề án quan trọng tại hội nghị tổng kết công tác chăm lo Tết Ất Tỵ 2025; tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 và nhiệm vụ, giải pháp tháng 2/2025.
Theo ông Mãi, trong tháng 2 và quý I, Thành phố tập trung thực hiện Đề án sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố (theo tiến độ của Trung ương); Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TP.HCM) giai đoạn 2021 – 2030.
Xây dựng kế hoạch triển khai Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định ban hành biểu mẫu công bố thông tin dự án thu hút nhà đầu tư chiến lược và mẫu hồ sơ đăng ký thực hiện dự án của nhà đầu tư chiến lược tại TP.HCM.
Ông Phan Văn Mãi đề nghị các đơn vị tập trung triển khai và phấn đấu đến 25/2 sẽ hoàn thiện đồ án quy hoạch chung TP, trình Thủ tướng Chính phê duyệt.
Tiếp tục triển khai Đề án di dời, bố trí nhà tái định cư, nhà ở xã hội cho các hộ dân trên và ven kênh rạch, kết hợp chỉnh trang đô thị trên địa bàn Quận 8.
Bên cạnh đó, báo cáo kết quả thi tuyển quốc tế ý tưởng quy hoạch Khu đô thị mới Bình Quới Thanh Đa, quận Bình Thạnh; Báo cáo kết quả thi tuyển quốc tế ý tưởng quy hoạch Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc tại TP. Thủ Đức.
Đồng thời, triển khai Đề án khai thác quỹ đất để phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD) dọc các tuyến đường sắt đô thị (trừ metro 1, 2), Vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài; Phương án thực hiện dự án Khu Công viên Khoa học và Công nghệ tại Phường Long Phước, thành phố Thủ Đức theo phương thức bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất bị thu hồi.
Về dự án metro kết nối trung tâm TP.HCM với huyện Cần Giờ, ông Phan Văn Mãi cho biết lãnh đạo UBND TP.HCM đã có buổi làm việc với nhà đầu tư và sẽ tiếp tục đeo bám. Riêng dự án metro kết nối Thủ Thiêm với sân bay Long Thành, có thể sẽ được chuyển giao cho TP.HCM làm chủ đầu tư, theo Báo Pháp luật TP.HCM.
Vingroup đề xuất tự lo chi phí nghiên cứu tuyến metro từ trung tâm TP.HCM đi Cần Giờ
Trong văn bản đề xuất, Tập đoàn Vingroup đề nghị UBND TP.HCM cho phép nghiên cứu và khảo sát bằng chi phí của mình để đề xuất phương án đầu tư tuyến đường sắt đô thị .
Vingroup đề nghị TP.HCM tạo điều kiện cho phép được phối hợp cùng với Sở Giao thông vận tải TP.HCM và đơn vị tư vấn đang triển khai dự án cầu Cần Giờ, nhằm thực hiện nghiên cứu, khảo sát cũng như tìm phương án phù hợp về mặt kỹ thuật, hiệu quả về đầu tư để từ đó kết hợp hạng mục đường sắt đô thi với cầu Cần Giờ.
Sau đó, dựa trên cơ sở chấp thuận chủ trương, tập đoàn sẽ phối hợp chặt chẽ cùng với các sở, ngành của TP.HCM cũng như các đơn vị tư vấn có năng lực chuyên môn, kinh nghiệm, nhằm sớm hoàn thành công tác nghiên cứu và lập và đề xuất phương án khả thi, hiệu quả trình UBND TP.HCM xem xét trong thời gian sớm nhất.
Trước đó, ngày 4/1, tại hội nghị công bố quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Thủ tướng có trao đổi với tỷ phú Phạm Nhật Vượng về việc xây dựng một hệ thống tàu điện ngầm từ trung tâm TP HCM cho đến huyện Cần Giờ. Kết quả, Chủ tịch Vingroup "đồng tình và rất say sưa".