Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên ngày thứ Ba bởi nhà đầu tư đón nhận kết quả kinh doanh bi quan từ Home Depot. Phố Wall chuyển sự chú ý sang cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ cũng như Tổng thống Joe Biden về vấn đề trần nợ.
Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones rơi xuống dưới ngưỡng trung bình của 50 ngày giao dịch lần đầu tiên tính từ ngày 30/3/2023. Chỉ số cổ phiếu của 30 doanh nghiệp công nghiệp này giảm 336,46 điểm tương đương 1,01% xuống 33.012,14 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 0,64% xuống 4.109,90 điểm.
Chỉ số Nasdaq hạ 0,18% xuống 12.343,05 điểm, chỉ số Nasdaq giảm sau khi hãng bán lẻ Home Depot công bố kết quả kinh doanh quý gây thất vọng, đồng thời hạ dự báo kết quả kinh doanh cả năm. Nhiều người tiêu dùng trì hoãn việc mua sắm các loại mặt hàng có giá trị cao.
Doanh số bán lẻ tại Mỹ tháng 4/2023 thấp hơn so với kỳ vọng, mức tăng ghi nhận 0,4% trong tháng vừa qua, mức tăng này thấp hơn con số dự báo 0,8% của các chuyên gia tham gia khảo sát của Bloomberg.
“Chỉ số S&P 500 đã không ngừng giao dịch trong ngưỡng 3.800 đến 4.200 điểm tính từ giữa tháng 11/2022, và dường như đang mắc kẹt tại đây. Tôi nghĩ nó phản ánh cho thực tế rằng nhà đầu tư đang cảm thấy nhiều yếu tố bất ổn liên quan đến chính sách. Họ đang băn khoăn nền kinh tế sẽ phản ứng thế nào? Liệu người tiêu dùng có thể tiếp tục chi tiêu qua thời kỳ này hay không và điều đó có thể kéo dài được bao lâu”, ông Bill Merz – trưởng bộ phận đầu tư tại quỹ quản lý tài sản U.S. Bank Wealth Management phân tích.
Nhà đầu tư hiện đang chờ đợi những diễn biến về đàm phán liên quan đến trần nợ. Ngày thứ Hai, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tái xác nhận rằng Mỹ đương đầu với rủi ro vỡ nợ ngay từ ngày 1/6/2023 nếu Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ không thể đi đến được một thỏa thuận.
“Việc Mỹ vỡ nợ sẽ gây tổn hại đến những nền tảng tài chính mà hệ thống tài chính được dựa trên. Hoàn toàn có khả năng các thị trường tài chính sẽ bị rạn vỡ, sự hoảng sợ trên toàn thế giới sẽ tạo ra nhiều làn sóng bán tháo”, bà Yellen lo sợ.
Doanh số bán lẻ Mỹ tăng trong tháng 4/2023, thực tế này cho thấy chi tiêu người tiêu dùng vẫn vững vàng trong bối cảnh có nhiều thách thức về kinh tế bao gồm lạm phát và chi phí lãi vay cao.
Bộ Thương mại Mỹ vào ngày thứ Ba công bố giá trị bán lẻ tăng 0,4% trong tháng 4/2023 sau khi giảm 0,7% trong tháng 3/2023. Nếu loại bỏ ô tô và xăng, doanh số bán lẻ tăng 0,6%. Các số liệu này chưa điều chỉnh với lạm phát.
Dù rằng doanh số bán lẻ nói chung thấp hơn so với kỳ vọng của các chuyên gia Bloomberg, nhưng nếu loại bỏ ô tô và xăng, doanh số bán lẻ lại cao hơn kỳ vọng.
Doanh số bán của 7/13 chủng loại mặt hàng tăng trong tháng trước, trong đó nổi bật nhất phải kể đến doanh số bán tại các hãng xe, các doanh nghiệp bán buôn và bán hàng trực tuyến. Việc doanh số bán lẻ tháng 4/2023 tăng cho thấy thất nghiệp thấp và tăng trưởng mức lương ổn định đang hỗ trợ cho tiêu dùng.
Sau thông tin trên, các chỉ số chứng khoán tương lai hạ, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ thời hạn 10 năm tăng, đồng USD không có nhiều thay đổi khi mà nhà đầu tư tính đến hàm ý của diễn biến mới với chính sách của Fed.