Quay về eMagazine

CEO AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt: “Doanh nhân là một nghề tương đối cô độc”

Trong giai đoạn khó khăn nhất do đại dịch, CEO AZA Travel thậm chí đã phải tự đi ship bia để tiết giảm chi phí và duy trì hoạt động của doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Suốt hơn hai năm qua, dù ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 nhưng AZA Travel là một trong số ít doanh nghiệp du lịch không phải đóng cửa ngày nào.

Để “sống sót” qua đại dịch, CEO AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt cho biết, ngay từ đầu năm 2020, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, công ty đã quyết định chuyển phần lớn nhân sự sang sản xuất, kinh doanh bia tươi organic cao cấp, mặt nạ phòng chống dịch. Công ty cũng đã phải tiết giảm nhân sự đến mức thấp nhất.

Nhờ vậy, sang năm 2022 khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, ngành du lịch phục hồi và tăng trưởng mạnh, hoạt động kinh doanh của AZA Travel cũng dần lấy lại được phong độ và bắt đầu có lãi, gỡ gạc lại phần nào khoản lỗ của những năm trước.

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tiến Đạt, CEO AZA Travel để nghe ông chia sẻ về những khó khăn trong hơn hai năm đại dịch và những dự định mới khi ngành du lịch đang trỗi dậy mạnh mẽ.

Trong hơn hai năm đại dịch, phần lớn các doanh nghiệp du lịch đã chịu tổn thất rất lớn. Ông đánh giá như thế nào về “sức khỏe” của các doanh nghiệp trong “ngành công nghiệp không khói” hiện nay?

Có thể nói, trải qua hơn hai năm đại dịch, sức khỏe của các doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là doanh nghiệp du lịch nói riêng đã giảm sút nghiêm trọng, trong đó sức khỏe tài chính bị thua lỗ và nhiều doanh nghiệp thậm chí phá sản, rút khỏi thị trường hoặc phải thu nhỏ quy mô rất nhiều.

Bên cạnh đó, nhân sự ngành du lịch cũng bị rơi rớt không ít, nhiều nhân sự trong ngành đã không thể chờ đợi được sau hai năm “đóng băng” hoạt động. Họ buộc phải chuyển nghề và không quay trở lại nữa dù ngành du lịch đã phục hồi bởi họ đã tìm được công việc thu nhập cao hơn, ổn định hơn, trong khi đó nhân sự mới chưa đáp ứng được yêu cầu.

Về quản trị, thị trường hiện nay đã thay đổi rất lớn, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi thói quen tiêu dùng của khách, đơn cử như xu hướng 4.0 khiến khách hàng chuyển qua mua sắm qua mạng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp có thể nhận thức chưa rõ lắm về điều này, vẫn mơ hồ hoặc biết nhưng “lực bất tòng tâm” không có tiền để đầu tư. Nhìn chung, sức khỏe của các doanh nghiệp du lịch bị ảnh hưởng rất nhiều sau hơn hai năm đại dịch.

Trong bối cảnh khó khăn chung, ông nhìn nhận như thế nào về các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch?

Đúng là trong thời gian qua Chính phủ và các bộ, ngành đã có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch. Tuy nhiên, tôi nhận thấy những hỗ trợ này chưa được nhiều và mang tính thực tế lắm. Ví dụ như việc hỗ trợ khoảng 3,7 triệu đồng cho các nhân sự hay hướng dẫn viên du lịch nhưng khoản tiền này chỉ đủ nuôi sống họ trong một tháng, thậm chí không đủ, trong khi dịch bệnh làm ảnh hưởng đến ngành suốt hơn hai năm.

Hiện nay dịch gần như đã biến mất, mọi người quay trở lại với cuộc sống bình thường, COVID gần như không ảnh hưởng nữa, đây là cơ hội rất tốt để ngành du lịch phục hồi.

Còn với các công ty du lịch, các khách sạn, nhà xe,… được hỗ trợ thông qua các gói cho vay nhưng việc tiếp cận khá khó khăn bởi thực chất các ngân hàng cũng là các doanh nghiệp kinh doanh, cũng phải cân nhắc đến lợi nhuận và các mức rủi ro cho nên họ không thể dễ dàng cho vay các gói lãi suất rẻ và ít tài sản đảm bảo, nhất là không cho các công ty thua lỗ vay. Trong khi đó, các công ty du lịch tài sản rất ít, lại trải qua hai năm kinh doanh thua lỗ nên hầu như không tiếp cận được các nguồn vốn.

Tất nhiên, một số giai đoạn doanh nghiệp cũng được giảm giá tiền điện nhưng chính sách này có ý nghĩa nhiều hơn với các doanh nghiệp lưu trú. Bên cạnh đó, thời gian được giảm các doanh nghiệp này cũng không có nhiều khách nên tác dụng không nhiều.hiện nay dịch gần như đã biến mất, mọi người quay trở lại với cuộc sống bình thường, COVID gần như không ảnh hưởng nữa, đây là cơ hội rất tốt để ngành du lịch phục hồi.

Dù vậy, tôi đánh giá khá cao chính sách phòng dịch của Chính phủ, trong thời gian đầu Việt Nam chống dịch khá tốt nên cũng giúp du lịch trong nước vẫn on/off được, dở sống dở chết chứ không chết hẳn. Đặc biệt, cứ sau một làn sóng dịch người dân lại đi du lịch nên doanh nghiệp vẫn có chút ít nguồn thu.

Còn hiện nay dịch gần như đã biến mất, mọi người quay trở lại với cuộc sống bình thường, COVID gần như không ảnh hưởng nữa, đây là cơ hội rất tốt để ngành du lịch phục hồi. Hiện tại, kết quả thống kê cho thấy, du lịch nội địa mới 8-9 tháng đầu năm đã vượt cả mấy chục % kế hoạch cả năm và vượt cả năm trước dịch (2019). Còn du lịch quốc tế cũng đang phục hồi nhưng chậm hơn.

COVID được ví như giai đoạn “lửa thử vàng” với doanh nhân Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về mức độ trưởng thành của doanh nhân Việt Nam sau giai đoạn gian nan vừa qua?

Rõ ràng COVID là giai đoạn quá gian nan và không ai đoán định được. Ảnh hưởng của đại dịch mang tính toàn cầu, các doanh nhân không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới đã rất vất vả để đối phó với các tác động của đại dịch. Việc lãnh đạo doanh nghiệp phải điều hành trong trạng thái VUCA (Volatility-Biến động, Uncertainty-Bất định, Complexity-Phức tạp, Ambiguity-Mơ hồ) thực sự rất thử thách.

Do đó, tôi cho rằng các doanh nghiệp sống sót qua đợt dịch này đã là một thành công, đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch. Tôi tin rằng qua đại dịch các doanh nghiệp cũng có sức sống mãnh liệt hơn và sẽ có những bước phát triển trong thời gian tới khi thị trường đang phục hồi.

Bản thân ông đã rút ra được điều gì từ đại dịch?

Thực ra đại dịch đi qua để lại nhiều bài học, mà trong số đó là lãnh đạo doanh nghiệp phải hết sức linh hoạt và tin vào bản thân, “cứu mình trước khi trời cứu”.

Bên cạnh đó, tôi nhận thấy trước dịch doanh nghiệp du lịch mang tính cạnh tranh nhiều hơn nhưng qua đợt dịch này các doanh nghiệp mang tính liên kết hơn để cùng xây dựng sản phẩm, cùng tìm hiểu về sản phẩm, cùng bán sản phẩm, nói chung là mang tính bổ trợ nhau nhiều hơn. Bởi sau đại dịch hầu hết các doanh nghiệp đều yếu đi, có “đánh nhau” nữa thì đều chết nên phải liên kết lại để cùng tồn tại.

Trong thời gian tới, tôi cho rằng xu thế vẫn là đan xen, vừa cạnh tranh vừa liên kết. Ngoài ra, trong đợt dịch này, nhiều startup mới cũng ra đời với khả năng nắm bắt thị trường tốt hơn, dần chiếm lĩnh thị phần của những doanh nghiệp có thể to nhưng già cỗi, chậm thay đổi.

Vậy còn AZA Travel thì sao, công ty đã làm gì để thích ứng với tình hình mới?

Doanh nghiệp của chúng tôi cũng không ngoại lệ, cũng bị ảnh hưởng rất nhiều về mọi mặt. Trong đợt dịch tôi phải ưu tiên nghĩ ra các việc để nhân viên có việc làm. Trước đây, chúng tôi có thể quen làm các đoàn lớn, tour nước ngoài kiếm nhiều tiền nhưng thời điểm dịch có khi phải bán từng phòng khách sạn, tư vấn cho khách cũng vất vả hơn nhưng tóm lại vẫn có việc cho nhân viên, mặc dù doanh nghiệp vẫn lỗ.

Cùng với đó, công ty phải chuyển sang sản xuất và kinh doanh bia tươi organic và rất mừng là phản ứng của thị trường khá tốt. Chúng tôi đã đẩy mạnh bán online, ship đến tận nhà khách hàng. Nhờ đó, một bộ phận nhân viên vẫn có việc làm, thậm chí có thu nhập cao hơn khi làm du lịch.

Tất nhiên trong khó khăn chung của đại dịch chúng tôi cũng buộc phải cắt giảm nhân sự và đảm bảo các vị trí còn lại đa di năng, có thể làm nhiều nhiệm vụ khác nhau như sale có thể kiêm luôn marketing, chăm sóc khách hàng,…

Ngoài ra, chúng tôi cũng phải quan tâm đến chuyển đổi số, dù không phải tiến hành một cách bài bản lắm nhưng cũng bắt buộc ở trong một số quy trình của công việc, đặc biệt trong marketing phải tính chuyển đổi số nhiều hơn chứ không chỉ dựa vào truyền thống như trước đây.

Kết quả, qua 9 tháng đầu năm hoạt động kinh doanh khá tốt, 9 tháng doanh nghiệp đã có lãi và mức tăng trưởng dự báo khá khả quan, bắt đầu gỡ gạc được tiền lỗ của những năm trước. Với kết quả như vậy, chúng tôi đang chuẩn bị kế hoạch bùng nổ hơn trong năm 2023 khi du lịch quốc tế được dự báo sẽ trở lại một cách mạnh mẽ. Còn năm 2022, chúng tôi coi du lịch nội địa là chính và là bản lề cho sự hồi phục.

Đại dịch đã khiến khá nhiều doanh nhân trẻ chùn bước trước con đường kinh doanh, ông có muốn nhắn nhủ điều gì với họ?

Nói về các doanh nhân trẻ, tôi cho rằng các bạn chính là cơ hội. Trong thời đại mà “cá lớn nuốt cá bé” đã qua và chuyển sang “cá nhanh nuốt cá chậm” thì các công ty lớn có thể là cá chậm, trong khi các công ty nhỏ nhưng giỏi về công nghệ có thể là cá nhanh. Các bạn trẻ có lợi thế về công nghệ hoàn toàn có thể phát triển khá nhanh, có được mô hình kinh doanh chuẩn, có sự đam mê cộng với đầu tư về mặt tài chính nữa thì sẽ rất nhanh lớn.

Trải qua đại dịch tôi càng thấm thía một điều, rằng với người làm kinh doanh luôn luôn phải xác định doanh nhân là một nghề tương đối cô độc. Nhiều khi doanh nghiệp do mình đẻ ra gặp khó khăn không ai cứu được mình, cũng không nên quá trông chờ vào các hỗ trợ của nhà nước hay gia đình vì nguồn lực nào cũng có hạn. Khi đó, bản thân phải phát huy tinh thần doanh nhân vượt khó, vượt khổ, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, đặc biệt trong thời VUCA thì phải hết sức tỉnh táo, linh hoạt, ứng biến, sáng tạo để có thể vượt qua thách thức và nắm bắt các cơ hội.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chat với BizLIVE