Chủ tịch của ngân hàng cổ đông lớn nhất tại Credit Suisse AG đã từ chức chưa đầy hai tuần sau khi những tuyên bố của ông tạo ra sự hoảng sợ trong nhóm các cổ đông của ngân hàng cho vay lớn tại châu Âu này. Cuối cùng, chính phủ Thụy Sỹ phải can thiệp để ngân hàng UBS AG thâu tóm Credit Suisse.
Ông Ammar al-Khudairy, chủ tịch Ngân hàng Nhà nước Saudi Arabia (SNB), được công bố sẽ rời khỏi chức vụ hiện tại vì lý do cá nhân. Giám đốc điều hành Saeed Mohammed al-Ghamdi dự kiến sẽ lên đảm nhiệm vị trí chủ tịch. Công bố từ SNB không nói rõ liệu việc từ chức của ông có liên quan đến những bình luận của ông Khudairy về khoản đầu tư của ngân hàng SNB vào Credit Suisse.
Những vấn đề tại Credit Suisse đã thu hút nhiều sự quan tâm hơn sau những bình luận của ông Khudairy. Ông Khudairy cảnh báo nhà đầu tư vào Credit Suisse về rủi ro các rắc rối lây lan sau vụ sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB).
Khi đó, trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV, ông Khudairy nói ngân hàng SNB sẽ không sẵn sàng hỗ trợ nếu Credit Suisse cần thêm vốn, tuyên bố này lập tức khiến cho cổ phiếu của ngân hàng Thụy Sỹ rơi xuống ngưỡng thấp kỷ lục. Ông Khudairy giải thích lý do nói câu đó là bởi SNB hiện đang sở hữu 9,8% cổ phần của ngân hàng Credit Suisse và hoàn toàn không hề có ý định nâng mức sở hữu cổ phần lên trên 10% bởi sẽ phải chịu ràng buộc bởi nhiều quy định pháp lý đi kèm.
24 tiếng sau đó, khi mà nhà đầu tư đã bán cổ phiếu Credit Suisse quá mạnh tay, ông Khudairy mới đưa ra lời giải thích nói trên với CNBC, rằng tuyên bố của ông chỉ nói đến việc SNB không muốn bơm thêm thanh khoản bởi lý do pháp lý chứ không phải thể hiện sự lo ngại về tình hình tại Credit Suisse.
“Tôi nghĩ thị trường có quá nhiều hoài nghi và họ cố gắng tìm kiếm những câu chuyện hoặc lời nói để lý giải cho tâm trạng lo lắng đó. Từ tháng 10/2022 cho đến nay, chưa hề có cuộc đối thoại nào về việc Credit Suisse cần thêm vốn hay cần đến sự hỗ trợ. Chúng tôi cũng chưa bao giờ được hỏi cả”, ông Khudairy chia sẻ.
SNB, ngân hàng lớn nhất tại Saudi Arabia, hiện đang đương đầu với kịch bản thua lỗ đến 80% với khoản đầu tư tại Credit Suisse. Tuy nhiên vào tuần trước SNB công bố các diễn biến mới nhất không ảnh hưởng đến kế hoạch tăng trưởng và định hướng của năm 2023.
Những rắc rối lớn tại Credit Suisse trong thời gian gần đây cũng “thổi bay” hàng tỷ USD của quỹ thịnh vượng Qatar và quỹ đầu tư Olayan tại Saudi Arabia. Chính vì vậy khu vực vùng Vịnh là một trong những khu vực chịu thiệt hại lớn nhất từ sự suy giảm tồi tệ của cổ phiếu tài chính trên thị trường chứng khoán Mỹ tính từ vụ việc hai ngân hàng sụp đổ vào đầu tháng này.
Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman vào mùa thu năm ngoái đã định hướng và quyết định việc đầu tư vào Credit Suisse bất chấp những hoài nghi từ những chuyên gia tư vấn tài chính của ông, theo những người có nguồn tin thân cận về vụ việc.
Khoản đầu tư của SNB vào Credit Suisse được coi như sự khởi đầu của vương quốc này vào ngành ngân hàng toàn cầu, củng cố cho vị thế đang lên của cường quốc dầu mỏ này trong lĩnh vực đầu tư. Quyết định đầu tư được đưa ra khi mà giá dầu ở dưới mức 100USD/thùng khi mà căng thẳng Nga – Ukraine gây xáo trộn thị trường năng lượng.