Định vị thị trường
Sắc xanh xuất hiện đồng loạt trở lại tại các thị trường chứng khoán châu Á sau khi số liệu lạm phát tại Mỹ vẫn cho thấy tín hiệu hạ nhiệt. Các chỉ số NIKKEI 225 (+1,19%), TWSE (+2,64%), KOSPI (+1,57%), SET (+1,1%) đều tăng trên 1% trong khi đó KLSE (+0,25%), NIFTY 50 (+0,49%), KLSE (+0,28%), STI (+0,86%) tăng dưới 1%.
Thị trường chứng khoán Việt Nam nằm trong nhóm tăng dưới 1% và cũng chưa có động lực để bứt phá khỏi vùng 1.260-1.270 điểm.
Chất xúc tác
Biến số tỷ giá vẫn đang là vấn đề dai dẳng của thị trường khi chỉ số DXY tiếp tục neo sát ở vùng đỉnh 2 năm. Giá bán USD trên thị trường hiện đã vươn lên mức 25.860 VND/USD và trong tuần vừa qua theo thông tin từ một số CTCK, Ngân hàng Nhà nước đã phải bán ra khoảng 2 tỷ USD dự trữ ngoại hối để bình ổn tỷ giá.
Trong khi đó, NHNN cũng đang phải can thiệp trên thị trường mở. Tuần vừa qua, cơ quan quản lý đã hút ròng 71.447,96 tỷ đồng từ thị trường. Trạng thái giao dịch có 13.999,93 tỷ đồng lưu hành trên kênh cầm cố, có 85.453 tỷ đồng tín phiếu NHNN lưu hành trên thị trường.
Dòng tiền trên thị trường chứng khoán chưa thể hiện được sự ổn định trong bối cảnh này. Thanh khoản của HOSE đã bước sang phiên thứ 2 liên tiếp ở dưới mức bình quân 20 phiên. Quy mô khớp lệnh của HOSE còn giảm 14% xuống 385,95 triệu đơn vị.
Cùng với đó, nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại bán ròng hơn 280 tỷ đồng trên HOSE. Các mã VCB (-100 tỷ đồng), FPT (-70 tỷ đồng), VTP (-48 tỷ đồng), VRE (-42 tỷ đồng), BID (-42 tỷ đồng) đứng đầu trong danh sách bán ra.
Tỷ trọng giao dịch của khối ngoại trong 2 chiều mua/bán đã được giảm về 11%.
Vận động thị trường
Hiện tượng dòng tiền tìm đến các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đã được ghi nhận khá rõ trong tuần vừa qua. Bước sang tuần mới, hành động của nhà đầu tư cũng chưa có nhiều thay đổi. Trên HOSE, các mã BMP, YEG, CSM, HTG, HTN đã tăng trần trong đó BMP đã tiếp tục phá kỷ lục giá.
Còn HAG (+4,9%), HVN (+3,92%), BFC (+3,79%), TLG (+4,26%) cũng tăng trên 3%. Ngoại trừ HVN có quy mô vốn hóa lớn, các mã còn lại đều nằm ở nhóm Midcap và Smallcap.
Trên HNX và UPCoM, NTP (+6,15%), LAS (+3,74%), HVT (+9,8%), NRC (+8,89%), VC7 (+7,19%), DGT (+5%), AAS (+14,71%), MVN (+9,26%), SBS (+11,36%), BMS (+6,73%) thậm chí còn tăng ấn tượng hơn dù trong số này nhiều mã không được các CTCK cấp hạn mức margin trong giao dịch.
Các chỉ số đại diện cho nhóm Midcap và Small của thị trường chung như VNMID (+0,59%), VNSML (+0,72%), HNX-Index (+0,64%) đều có thành tích tốt hơn so với VN30 (+0,4%) và VN-Index (+0,42%).
Các cổ phiếu lớn hầu đều có sự thể hiện khá mờ nhạt. Đặc biệt là nhóm Ngân hàng với BID (+0,5%), ACB (+0,4%), TCB (+0,4%), VPB (+0,3%), CTG (+0,3%), VCB (-0,1%), MBB (+0,2%) chủ yếu giao dịch cầm chừng.
Chỉ số VN-Index chốt phiên đã quay lại vùng đi ngang từ 1.260-1.270 điểm trong giai đoạn trước, tăng 5,26 điểm lên 1.262,76 điểm (+0,42%). Tổng giá trị giao dịch toàn sàn đạt 494,7 triệu đơn vị, tương đương 12.305 tỷ đồng.
2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index tăng lần lượt 1,44 điểm và 0,33 điểm lên 228,51 điểm và 93,72 điểm. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt gần 2.000 tỷ đồng.