Midcap và Penny vụt sáng, thị trường có sóng "ngầm"?
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa đi qua một tuần giao dịch nhiều sự kiện. Hiện tượng dòng tiền phân bổ sang các cổ phiếu Midcap và Penny đã được ghi nhận tạo ra những tín hiệu mới cần lưu ý cho nhà đầu tư.
Thị trường không xáo trộn sau một tuần có nhiều biến số gây nhiễu
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, tuần vừa qua, thị trường chứng khoán toàn cầu đã phản ứng không mấy tích cực dù FED đã có một đợt hạ lãi suất mới. Việc đưa ra lộ trình cắt giảm lãi suất chậm hơn đã khiến cho nhà đầu tư bán ra ở hàng loạt thị trường.
Ông Nguyễn Thế Minh
Với sự kiện này, đồng USD lại tăng giá, lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ lại được hâm nóng. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự vững vàng nhất định, thậm chí có nhiều cổ phiếu tăng ấn tượng. Hiện tượng đi ngược đặc biệt được ghi nhận ở các cổ phiếu Midcaps, Smallcaps và nhiều cổ phiếu trên sàn UPCoM. Dòng tiền dường như còn đang được bổ sung thêm vào thị trường.
Cần lưu ý rằng, tuần vừa qua là tuần diễn ra nhiều sự kiện như cuộc họp của FED, đáo hạn phái sinh tháng 12 và hoạt động cơ cấu của 2 quỹ ETFs có tổng tài sản gần 700 triệu USD. Theo ông Minh, dòng tiền chỉ chủ yếu né khỏi các cổ phiếu Bluechips khi thị trường có nhiều biến gây "nhiễu" và đã phân bổ một phần vào các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ trên 3 sàn.
Trong khi đó, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, CTCP Chứng khoán VNDIRECT cho biết, những yếu tố từ thế giới đã gây sức ép lên tỷ giá trong nước, khiến tỷ giá USD/VND liên ngân hàng vượt mốc “can thiệp” và buộc Ngân hàng Nhà nước phải bán ra khoảng 2 tỷ đô la dự trữ ngoại hối để bình ổn tỷ giá.
Ông Đoàn Minh Tuấn – Trưởng phòng phân tích FIDT lại cho rằng VN-Index đã chạm mức 1.257 điểm, tiếp tục dao động trong khoảng từ 1260 – 1270 điểm. Tuy nhiên, khi nhìn vào các yếu tố động lượng thị trường, xu hướng tăng ngắn hạn có dấu hiệu suy yếu nhanh chóng. Sự yếu kém trong tâm lý dòng tiền có thể là yếu tố dẫn đến điều chỉnh ngắn hạn, khiến thị trường dễ bị tác động trong thời gian tới.
Các cổ phiếu Midcap và Penny trỗi dậy
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá hiện tượng dòng tiền chuyển hướng sang các cổ phiếu Midcap và Penny vẫn đã thường xảy ra trong nhiều thời điểm quá khứ mỗi khi thị trường có nhiều sự kiện gây "nhiễu", điển hình như giai đoạn cuối năm 2023. Tuy nhiên, trong một vài tháng gần đây, vào những giai đoạn kém tích cực, dòng tiền thậm chí còn né cả nhóm Bluechips lẫn các cổ phiếu Midcaps và Smallcaps.
Ông Đinh Quang Hinh
Còn ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, CTCP Chứng khoán VNDIRECT cũng ghi nhận chỉ số VN-Index dù lùi về sát vùng hỗ trợ 1.250 điểm nhưng điểm tích cực là áp lực bán “không quá mạnh” và việc dòng tiền bắt đáy nhập cuộc đã giúp VN-Index giữ vững vùng hỗ trợ trên.
Xu hướng tăng có thể trở lại
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu và Phát triển khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, những vận động của thị trường đang khá tích cực. Dòng tiền sau khi có sự tránh né khỏi các cổ phiếu Bluechips có thể quay trở lại trong tuần tới.
Tuy nhiên, ông Minh cũng lưu ý rằng, dòng tiền sẽ chưa thể trở lại mạnh mẽ nên nhóm Bluechips sẽ chưa tăng rõ ràng và còn có sự phân hóa. Trong khi đó, các cổ phiếu Midcap và Smallcap vẫn có thể có tiếp tục có quán tính đi lên.
Bên cạnh đó, áp lực bán ròng của khối ngoại trong 2 tuần cuối cùng của năm 2024 cũng sẽ suy yếu do nhà đầu tư tại nhiều quốc gia bước vào kỳ nghỉ đông. Hoạt động chốt NAV của các quỹ nội có thể sẽ giúp tác động tích cực lên thị trường.
Tất nhiên, vẫn rất cần phải quan sát chặt vận động của tỷ giá dù Ngân hàng Nhà Nước vẫn đang làm tốt nhiệm vụ điều tiết thị trường và nguồn cung USD từ kiều hối, thanh toán đơn hàng xuất khẩu có thể được bổ sung. Dù sao, chỉ số DXY vẫn còn đang neo ở đỉnh 2 năm.
Dự báo về tuần giao dịch tới, ông Đinh Quang Hinh đưa ra quan điểm thị trường tài chính quốc tế có thể diễn biến tích cực hơn khi những thông tin tiêu cực đã được phản ánh phần lớn vào giá. Đáng chú ý, thị trường cũng đón nhận một vài thông tin tích cực hơn trong ngày cuối tuần, bao gồm việc thước đo lạm phát ưa chuộng của Fed là chỉ số PCE (chi tiêu tiêu dùng cá nhân) chỉ tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 2,4% so với cùng kỳ, đều thấp hơn 0,1 điểm % so với dự báo, cho thấy xu hướng lạm phát vẫn đang hạ nhiệt.
Đoàn Minh Tuấn
Đồng thời, việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật ngân sách mới nhằm ngăn Chính phủ Mỹ đóng cửa vào phút cuối cũng giúp giảm thiểu rủi ro bất ổn, kéo chỉ số VIX giảm mạnh trong phiên cuối tuần. Ông Hinh kỳ vọng việc thị trường tài chính toàn cầu bình ổn hơn sẽ giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư trong nước và thúc đẩy các chỉ số chứng khoán phục hồi.
Chỉ số VN-Index có thể tăng lên vùng quanh 1.270 điểm. Nhà đầu tư nên tận dụng nhịp phục hồi để tái cơ cấu danh mục đầu tư, hạ bớt tỷ trọng đòn bẩy nếu đang ở mức cao, đồng thời xây dựng danh mục đầu tư xoay quanh các nhóm ngành có thông tin hỗ trợ và triển vọng kinh doanh cải thiện, bao gồm nhóm vận tải biển, logistic, xuất nhập khẩu (dệt may, thủy sản) và ngân hàng.
Đại diện quan điểm của FIDT, ông Đoàn Minh Tuấn đưa ra kịch bản tích cực, nếu DXY cải thiện nhanh chóng nhờ yếu tố thanh khoản USD thắt chặt cuối năm chấm dứt, dòng vốn khối ngoại có khả năng đảo chiều sớm hơn dự kiến. FIDT gợi ý các đặc điểm về ngành và cổ phiếu mà Nhà đầu tư nên quan sát và lựa chọn: Triển vọng FDI – Bất động sản Khu công nghiệp & Cảng biển, Triển vọng thị trường BĐS dân sinh, ngành Chăn nuôi với Luật Chăn nuôi 2025, ngành Dệt may – Thủy sản trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.