*Giá vàng “neo” gần mức cao kỷ lục
Giá vàng châu Á “neo” gần mức cao kỷ lục trong phiên 17/9, trước thềm các sự kiện lớn như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất.
Khoảng 14 giờ 22 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay ổn định ở mức 2.584,77 USD/ounce. Vàng đã tăng lên mức cao kỷ lục là 2.589,59 USD/ounce phiên 16/9. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng tăng 0,1% lên 2.611,70 USD/ounce.
Chiến lược gia thị trường của IG, ông Yeap Jun Rong cho biết đà tăng giá của vàng đã tạm chững lại trong phiên giao dịch hôm nay. Ông nói thêm rằng sau những đợt tăng mạnh gần đây do kỳ vọng về một đợt cắt giảm lãi suất mạnh mẽ hơn, hiện có tâm lý thận trọng trên thị trường khi các nhà đầu tư chờ đợi sự rõ ràng hơn từ các nhà hoạch định chính sách.
Tất cả sự chú ý đều đổ dồn vào cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày của Fed, kết thúc ngày 18/9. Thị trường hiện đang đoán định 69% khả năng Fed cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm, so với 43% hôm 13/9.
Nhà phân tích thị trường Nicholas Frappell tại ABC Refinery cho rằng giá vàng có thể giảm tạm thời, ngay cả khi Fed cắt giảm lãi suất như dự kiến. Điều này là do khi kỳ vọng được đáp ứng, một số yếu tố hỗ trợ giá vàng có thể giảm bớt và các nhà đầu tư có thể giảm bớt việc mua vàng.
Đồng USD giảm 0,1%, khiến vàng được giao dịch bằng đồng tiền này, trở nên rẻ hơn cho những người nắm giữ các đồng tiền khác.
Các nhà đầu tư cũng đang để mắt đến dữ liệu bán lẻ tháng 8/2024 của Mỹ, dự kiến công bố lúc 19 giờ 30 phút theo giờ Việt Nam.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,2% lên 30,82 USD/ounce, giá bạch kim tăng 0,9% lên 989,50 USD/ounce. Còn giá palladium tăng 1,3% lên 1.090,49 USD/ounce, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 11/4 lúc đầu phiên.
Tại thị trường trong nước, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá bán vàng miếng SJC ở mức 80 - 82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
*Chứng khoán phần lớn tăng điểm
Thị trường chứng khoán châu Á phần lớn tăng điểm trong phiên 17/9. Tuy nhiên, sàn Tokyo giảm hơn 1% trong bối cảnh các nhà xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi đồng yen mạnh lên khi các nhà giao dịch chuẩn bị cho một đợt cắt giảm lãi suất từ Fed và cuộc họp chính sách quan trọng của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ).
Tại Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 giảm 1% xuống 36.203,22 điểm.
Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 1,3% lên 17.644,80 điểm, còn thị trường Thượng Hải đóng cửa nghỉ lễ.
Chứng khoán Sydney, Singapore, Manila, Mumbai, Bangkok và Jakarta cũng tăng điểm nhờ tâm lý lạc quan về một đợt cắt giảm lãi suất lớn từ Fed. Ngoài ra, thị trường Seoul và Đài Bắc đóng cửa nghỉ lễ.
Đồn đoán Fed cắt giảm lãi suất tới 0,5 điểm phần trăm đã tăng lên trong những ngày gần đây, khi các nhà quan sát cho rằng các quan chức muốn thực hiện những đợt cắt giảm lớn ngay từ đầu để chuẩn bị cho chuỗi cắt giảm lãi suất dự kiến trong tương lai.
Điều này đã gây sức ép lên đồng USD, vốn đã giảm xuống dưới 140 yen/USD trong ngày 16/9, ghi dấu lần đầu tiên kể từ mùa Hè năm 2023. Đồng USD cũng giảm so với các đồng tiền chủ chốt khác.
Một loạt dữ liệu trong vài tháng qua cho thấy lạm phát của Mỹ đang giảm trở lại mục tiêu 2% của Fed, trong khi thị trường lao động đang chậm lại, tạo điều kiện cho các nhà hoạch định chính sách nới lỏng chính sách tiền tệ.
Chủ tịch Fed Jerome Powell đã đánh tín hiệu rằng các quan chức sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất, nhưng cuộc tranh luận đã tập trung vào quy mô đợt cắt giảm là 0,25 điểm phần trăm hay 0,5 điểm phần trăm. Một số nhà phân tích cảnh báo, quy mổ đợt cắt giảm lãi suất lớn hơn có thể báo hiệu rằng có một số lo ngại về nền kinh tế.
Nhà phân tích tiền tệ của ACY Securities, ông Luca Santos, cho biết một đợt cắt giảm 0,5 điểm phần trăm có thể khiến đồng yen giao dịch trong phạm vi 130-140 yen/USD, đồng thời cho biết thêm rằng "sự biến động trên thị trường ngoại hối cho thấy mức độ nhạy cảm của các nhà đầu tư đối với các tín hiệu kinh tế, đặc biệt là những tín hiệu liên quan đến sự thay đổi chính sách tiền tệ”.
Việc đồng yen tăng giá, tăng khoảng 13% so với mức thấp nhất trong 40 năm đạt được vào tháng 7/2024, đã tác động đến chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo.
Với việc Fed được cho là chắc chắn sẽ cắt giảm lãi suất vào ngày 18/9 và là lần giảm đầu tiên kể từ năm 2020, các nhà đầu tư đang mong đợi quyết định chính sách của BoJ vào ngày 20/9 sau khi ngân hàng này tăng lãi suất hai lần trong năm nay.
Tại thị tường Việt Nam, chỉ số VN-Index tăng 19,69 điểm (1,59%) lên 1.258,95 điểm, chỉ số HNX-Index tăng 1,46 điểm 90,63% lên 232,30 điểm.
*Giá dầu nới rộng đà tăng
Giá dầu châu Á nới rộng đà tăng trong phiên 17/9 trong bối cảnh thị trường lo ngại tình hình sản lượng của Mỹ sau cơn bão Francine và dự đoán kho dự trữ dầu giảm.
Khoảng 13 giờ 35 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 11/2024 tăng 36 xu Mỹ (0,5%) lên 73,11 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giao tháng 10/2024 tăng 53 xu Mỹ (0,8%) lên 70,62 USD/thùng.
Hai hợp đồng dầu chủ chốt đều tăng cao trong phiên trước đó do tác động của bão Francine lên sản lượng tại vùng vịnh Mexico của Mỹ đã lấn át những lo ngại về nhu cầu của Trung Quốc trước khi Fed quyết định cắt giảm lãi suất trong tuần này.
Theo Cục An toàn và Thực thi Môi trường Mỹ (BSEE), hơn 12% sản lượng dầu thô và 16% sản lượng khí đốt tự nhiên ở Vùng Vịnh Mexico của Mỹ vẫn chưa hoạt động trở lại.
Fed dự kiến sẽ bắt đầu chu kỳ nới lỏng vào ngày 18/9 tới, trong đó thị trường hiện đoán định 69% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất khoảng 0,5 điểm phần trăm.
Các nhà phân tích của ANZ cho biết kỳ vọng ngày càng tăng về một đợt cắt giảm lãi suất mạnh đã thúc đẩy tâm lý trên thị trường hàng hóa, đồng thời cho biết gián đoạn nguồn cung cũng hỗ trợ thị trường dầu.
Lãi suất thấp hơn sẽ giảm chi phí vay và có thể nâng cao nhu cầu dầu thông qua hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Các nhà đầu tư cũng theo dõi sự sụt giảm dự kiến trong kho dự trữ dầu thô của Mỹ, có thể giảm khoảng 200.000 thùng trong tuần kết thúc ngày 13/9, dựa trên một cuộc khảo sát của Reuters.
Tuy nhiên, tăng trưởng nhu cầu thấp hơn dự kiến ở Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đã hạn chế mức tăng giá.
Dữ liệu chính phủ cho thấy sản lượng lọc dầu của Trung Quốc đã giảm trong tháng thứ năm liên tiếp tính đến tháng 8/2024 giữa bối cảnh nhu cầu nhiên liệu giảm và lợi nhuận xuất khẩu yếu.