Bài học từ chính sách chuyển đổi kinh tế "xanh" của Ai Cập

Việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh khí hậu thế giới tại Ai Cập là cơ hội tốt để đánh giá hiệu quả của các biện pháp mà chính phủ nước này thực hiện nhằm bảo vệ môi trường và xây dựng kinh tế "xanh".

Trang mạng của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (Russian Council) số ra mới đây có bài viết cho biết từ ngày 6-18/11/2022 tại thành phố Sharm el-Sheikh của Ai Cập diễn ra Hội nghị lần thứ 27 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27).

Việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh khí hậu thế giới tại Ai Cập là một sự kiện mang tính bước ngoặt trong lịch sử hiện đại của quốc gia này. Ngoài ra, đây còn là cơ hội tốt để đánh giá hiệu quả của các biện pháp mà chính phủ nước này thực hiện nhằm bảo vệ môi trường và xây dựng nền kinh tế "xanh".

Chiến lược kinh tế "xanh"

Hiện nền kinh tế Ai Cập đang phải đối mặt với một số thách thức nghiêm trọng, trong đó có vấn đề liên quan đến đặc thù của sự phát triển ngành nông nghiệp, tình hình nhân khẩu học trong nước, các mối đe dọa đối với an ninh lương thực và tham nhũng.

Thêm vào đó là các tác động khu vực và toàn cầu của đại dịch COVID-19, cuộc xung đột Nga-Ukraine và cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, bằng cách giải quyết những vấn đề này, Chính phủ Ai Cập tìm thấy cơ hội để quan tâm đến việc "xanh hóa" nền kinh tế của mình.

Vào năm 2016, Ai Cập đã thông qua Chiến lược phát triển bền vững Tầm Nhìn Ai Cập 2030 nhằm mục đích làm cho nền kinh tế thân thiện với môi trường hơn.

Về lâu dài, chiến lược này có thể đạt được một thắng lợi. Trong tương lai, chiến lược này sẽ giúp giải quyết các vấn đề do biến đổi khí hậu, khủng hoảng lương thực, khan hiếm nước và tình hình sức khỏe gây ra. Định hướng phát triển "xanh" đã giúp Ai Cập trở thành một trong những nhà lãnh đạo ở Trung Đông trong việc xây dựng nền kinh tế "xanh".

Ai Cập đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc thực hiện chiến lược kinh tế xanh quốc gia, một phần lớn là nhờ các nhà tài trợ quốc tế và các doanh nghiệp Ai Cập. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tư nhân tài trợ vốn cho các dự án "xanh".

Nằm trong chính sách đầu tư của nhà nước, vào tháng 9/202, Ai Cập là một trong những quốc gia đầu tiên ở Trung Đông và Bắc Phi phát hành trái phiếu xanh. Giá trị của chứng khoán nợ đạt 750 triệu USD, trái phiếu dành cho danh mục các dự án xanh trị giá 1,9 tỷ USD.

Đã có thông báo rằng Bộ Đầu tư và Hợp tác Quốc tế Ai Cập đã phát hành trái phiếu này để thu hút đầu tư vào "các doanh nghiệp thân thiện với môi trường". Có thể các dự án sẽ liên quan đến việc giải quyết các vấn đề do biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường gây ra.

Theo báo cáo thường niên của Bộ Đầu tư và Hợp tác Quốc tế của Ai Cập, năm 2020, các thỏa thuận trị giá 9,8 tỷ USD đã được ký kết để tài trợ cho sự phát triển bền vững của Ai Cập, trong đó, 6,7 tỷ USD dành cho phát triển khu vực công, 3,1 tỷ USD khác cho sự phát triển của khu vực tư nhân.

Dự kiến tỷ trọng đầu tư vào các dự án xanh trong nền kinh tế Ai Cập sẽ tăng lên qua các năm. Vào năm 2020, danh mục đầu tư của Bộ Đầu tư và Hợp tác Quốc tế bao gồm 372 dự án "xanh" trị giá 26,5 tỷ USD trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế.

Các dự án kinh tế xanh chiếm 15% kế hoạch đầu tư trong giai đoạn 2020-2021, trong khi Chính phủ đặt mục tiêu đạt 30% các dự án kinh tế xanh vào giai đoạn 2021-2022. Dự kiến đến năm 2023, thị phần của các dự án này sẽ đạt xấp xỉ 50%.

Việc đưa ra các giải pháp thân thiện với môi trường vào nền kinh tế Ai Cập được thể hiện trong một loạt các ngành công nghiệp. Trong số đó có ngành công nghiệp ô tô. Ai Cập đặt mục tiêu trở thành một trung tâm khu vực về xe điện ở Trung Đông và Bắc Phi.

Tính đến năm 2020, đã có hơn 60 xe buýt điện, hơn 200 xe điện và hơn 150 trạm sạc tại Ai Cập. Sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô "xanh" trong nước đang diễn ra với sự hợp tác của công ty Dongfeng của Trung Quốc, cùng với công ty El Nasr Automotive Manufacturing Company của Ai Cập, đang tiến hành sản xuất chiếc ô tô điện đầu tiên của Ai Cập mang tên Nasr E70.

Hệ thống giao thông của nước này cũng tiếp tục được đầu tư hiện đại. Ở Ai Cập, việc khôi phục giao thông xe điện ở Alexandria đang được tiến hành, tàu điện ngầm Cairo đang được tái thiết và mở rộng, đồng thời điện khí hóa đường sắt đang được thực hiện.

Việc đưa xe điện ra thực tế một cách hạn chế như vậy là một bước đi mang tính biểu tượng trong cuộc chiến giảm lượng khí thải CO2 vào khí quyển. Đồng thời, biến đổi khí hậu đối với Ai Cập là một vấn đề khá hữu hình, bởi vì, do sự nóng lên toàn cầu ở một số khu vực thuộc bờ biển phía Bắc của đất nước, đất nông nghiệp đang bị ngập lụt.

Trong điều kiện này, các dự án thương mại đang được thực hiện ở Ai Cập kết hợp hiệu quả với giải pháp cho các vấn đề môi trường, bao gồm việc giảm lượng khí thải carbon dioxide. Đáng chú ý, công ty BariQ tái chế khoảng 1,6 triệu chai nhựa mỗi năm ở Ai Cập.

Bộ Môi trường Ai Cập cũng phát động chương trình Xử lý Rác thải Điện tử An toàn. Dự án đang được thực hiện với sự hợp tác cùng Liên hợp quốc và khu vực tư nhân của Ai Cập. Chương trình nhằm khuyến khích người dân Ai Cập xử lý rác thải điện tử một cách an toàn.

Các mục tiêu chuyển đổi năng lượng

Không thể làm cho nền kinh tế trở nên "xanh" mà không chuyển đổi năng lượng. Một trong những dự án năng lượng "xanh" lớn nhất ở Ai Cập là nhà máy điện hạt nhân El Dabaa. Việc đưa vào sử dụng và tiếp tục vận hành nhà máy điện hạt nhân này sẽ nâng cao mức độ an ninh năng lượng và cũng sẽ trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế.

Điều quan trọng nữa là việc phát điện tại nhà máy điện hạt nhân El-Dabaa sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính bằng cách giảm tỷ trọng của các phương pháp sản xuất điện khác. Theo Rosatom, do việc bán điện cho thị trường trong và ngoài nước, Ai Cập sẽ thu về 4 tỷ USD mỗi năm.

Đồng thời, khoảng 590 triệu USD hàng năm sẽ được phân bổ từ ngân sách để phục vụ nhà máy điện. Việc khởi động nhà máy điện hạt nhân cũng sẽ có những kết quả kinh tế tích cực khác mà không liên quan trực tiếp đến sản xuất điện. Đặc biệt, sẽ tạo thêm khoảng 50.000 việc làm trong nước.

Việc khởi động các nguồn năng lượng tái tạo cũng có tầm quan trọng lớn đối với sự phát triển thành công của nền kinh tế "xanh" ở Ai Cập. Năm 2016, theo số liệu chính thức, chỉ có 9% lượng điện trong cả nước đến từ các nguồn năng lượng tái tạo. Hiện Ai Cập đang triển khai chương trình "Chiến lược toàn diện về năng lượng bền vững".

Mục tiêu của chiến lược là mở rộng việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng. Cho đến năm 2022, Chính phủ Ai Cập đã lên kế hoạch cung cấp 20% nhu cầu năng lượng của đất nước từ các nguồn năng lượng tái tạo, và đến năm 2035, con số này được lên kế hoạch tăng lên 42%.

Người ta cho rằng các nhà đầu tư tư nhân sẽ tham gia tích cực vào quá trình này. Theo luật khuyến khích năng lượng tái tạo, khu vực tư nhân được khuyến khích tham gia vào chiến lược chuyển đổi xanh của đất nước và sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo.

Quảng cáo

Tại Ai Cập, các trang trại điện gió, cũng như các doanh nghiệp sản xuất hydro "xanh" đang được xây dựng. Năm 2021, một chỉ thị đã được ban hành để phát triển chiến lược hydro xanh của Ai Cập.

Trong số các dự án lớn nhất, đáng chú ý là việc xây dựng một nhà máy sản xuất hydro thân thiện với môi trường ở Ain Sokhna, đang được xây dựng với sự hỗ trợ của công ty Scatec của Na Uy. Dự kiến nhà máy sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2024.

Một trong những lĩnh vực chính của năng lượng thay thế ở Ai Cập được chính phủ rất chú trọng là năng lượng Mặt Trời. Trong giai đoạn 2019-2021, Ai Cập đã xây dựng ít nhất 126 nhà máy điện Mặt Trời, một số được xây dựng với sự hợp tác của các công ty Pháp.

Các công ty năng lượng lớn của Ai Cập cũng đang hợp tác với các công ty Trung Quốc để sản xuất các tấm pin Mặt Trời. Đặc biệt, công ty Enara của Ai Cập cùng với công ty năng lượng Chint của Trung Quốc đang thực hiện một dự án nhằm sản xuất các tấm pin Mặt Trời.

Vào năm 2019, Ai Cập đã khởi động một trong những công trình lắp đặt năng lượng Mặt Trời lớn nhất thế giới, đặt tại công viên Benban. Khu phức hợp bao gồm 32 nhà máy điện Mặt Trời với tổng công suất sản xuất là 1465 MW. Có khoảng 6 triệu tấm pin Mặt Trời trong khu vực của khu phức hợp này. Chi phí của dự án khoảng 2,4 tỷ USD.

Khu phức hợp ở Benban là một ví dụ điển hình về sự hợp tác hiệu quả giữa chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức tài chính quốc tế. Dự án có sự tham gia của khoảng 40 công ty từ 12 quốc gia.

Việc xây dựng công viên năng lượng Mặt Trời Benban được Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ một phần. Hoạt động của công viên giúp ổn định giá điện, tăng cường an ninh năng lượng của Ai Cập và cũng giúp giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, công viên này còn tạo thêm việc làm, giúp giải quyết vấn đề thất nghiệp.

Những thách thức

Do vị trí địa lý, Ai Cập có tiềm năng lớn để phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, sự ra đời của năng lượng Mặt Trời đòi hỏi những khoản đầu tư đáng kể. Giá tấm pin Mặt Trời vẫn rất cao và dự kiến sẽ không giảm trong tương lai gần.

ttxvn-tam-nang-luong-mat-troi-20221107153515-993.jpg

Ai Cập có tiềm năng lớn để phát triển năng lượng tái tạo. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Mặc dù tương đối đắt tiền, công nghệ sử dụng năng lượng Mặt Trời trong một số trường hợp có thể tiết kiệm tiền và loại bỏ các vấn đề liên quan đến hỏng hóc của máy bơm tưới tiêu. Chi phí lắp đặt các tấm pin Mặt Trời là 1 lần.

Đây là một trong những lý do tại sao năng lượng Mặt Trời ở Ai Cập được sử dụng tích cực trong lĩnh vực nông nghiệp, vốn chiếm hơn 33% nền kinh tế Ai Cập. Lượng khí thải do ngành này tạo ra chiếm khoảng 13% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính hàng năm.

Do khoảng cách rất xa đến sông Nile nên một số làng đã lấy nước từ giếng trong nhiều năm bằng động cơ diesel. Việc không có sẵn nhiên liệu diesel trong 1 số trường hợp đã dẫn đến việc nông dân ngừng canh tác. Trong 5 năm qua, nhu cầu về tấm pin Mặt Trời ngày càng tăng, do giá điện và dầu diesel tăng cao.

Nhà nước cố gắng giúp đỡ nông dân và thực hiện nhiều chương trình khác nhau với các tổ chức quốc tế. Đặc biệt, cùng với Chương trình Lương thực Thế giới, một dự án đang được triển khai nhằm hỗ trợ khoảng 1 triệu nông dân Ai Cập sinh sống tại 500 ngôi làng. Chương trình thúc đẩy việc sử dụng các nhà máy điện Mặt Trời trong nông nghiệp và nâng cao hiệu quả tưới tiêu.

Tuy nhiên, sáng kiến lắp đặt các tấm pin Mặt Trời để đảm bảo hoạt động nông nghiệp không phải lúc nào cũng nhận được sự ủng hộ từ các cơ quan chức năng. Không có gì lạ khi những người nông dân tránh các chi phí liên quan đến nhiên liệu diesel đắt tiền để lắp đặt các tấm pin như vậy bằng chi phí của họ. Trong một số trường hợp, các hộ nông dân nhỏ đang góp chung với láng giềng của họ để sử dụng năng lượng Mặt Trời lấy nước để tưới thêm cho đất.

Ai Cập có khả năng phải đối mặt với các chi phí tài chính và môi trường phát sinh trong tương lai. Nguyên nhân là do sử dụng nhiều nước ngầm, hiện đại hóa hệ thống thủy lợi và đào tạo nhân viên về các phương pháp tưới tiêu mới, cũng như sử dụng công nghệ vũ trụ để xác định những vùng đất không khả thi để sử dụng nước. Tuy nhiên, việc chuyển đổi dần sang các nguồn năng lượng tái tạo góp phần giảm thiểu sử dụng nước trong lĩnh vực năng lượng. Đó là lý do tại sao việc sử dụng năng lượng "xanh" trong lĩnh vực an ninh nguồn nước sẽ ngày càng tăng.

Lĩnh vực quản lý nước đặc biệt quan trọng đối với Ai Cập. Hiện nay, tất cả các quốc gia Bắc Phi đều phải đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng về tình trạng thiếu nước và lương thực, và Chính phủ Ai Cập đang tìm cách giải quyết vấn đề này.

Hiện tại, Ai Cập đang dẫn đầu một số sáng kiến khu vực nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng thế giới tới vấn đề an ninh nguồn nước. Ai Cập đã áp dụng một chiến lược vào năm 2018 để giảm thiểu tác động của tình trạng khan hiếm nước.

Cần lưu ý rằng sự thiếu hụt của nước là do biến đổi khí hậu, cũng như mức tiêu thụ ngày càng tăng. Chiến lược sử dụng nước hiệu quả được thực hiện cùng với các đối tác châu Âu đang tham gia tài trợ cho các dự án cải thiện cấp nước và xử lý nước thải.

Ai Cập đang triển khai một số dự án lớn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước và đảm bảo an ninh nguồn nước. Một trong những dự án lớn nhất là nhà máy xử lý El-Mahsama được lắp đặt trên bán đảo Sinai. Đây là một trong những tổ hợp nhà máy xử lý nước thải nông nghiệp lớn nhất thế giới. Công ty cho phép tái chế nước và số nước này đi qua các khu vực có thể canh tác khoảng 70.000 mẫu đất.

Cam kết của Ai Cập trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh đang giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng gia tăng, cũng như đa dạng hóa sản xuất điện. Các dự án "xanh" kích thích tăng trưởng kinh tế, giúp thu hút đầu tư vào đất nước, củng cố an ninh năng lượng, lương thực và nước. Điều này đặc biệt quan trọng trong thời kỳ bùng nổ dân số. Số lượng cư dân của đất nước đang tăng khoảng 2% mỗi năm.

Theo các chuyên gia, đến năm 2030, 128 triệu người sẽ sống ở nước này. Cùng với sự gia tăng dân số cao, nhu cầu về các nguồn năng lượng cũng tăng lên. Ngoài ra, vấn đề thất nghiệp đang diễn ra gay gắt: hầu hết thanh niên dưới 30 tuổi hiện đang thất nghiệp. Việc chuyển đổi sang nền kinh tế "xanh" cũng giải quyết phần nào vấn đề thất nghiệp, vì tạo được thêm việc làm.

Một động lực bổ sung cho sự phát triển năng lượng "xanh" ở Ai Cập là cuộc đối đầu giữa Ai Cập và Ethiopia liên quan nhà máy thủy điện Hydase. Việc Ethiopia xây dựng một con đập gây ra mối đe dọa cho Ai Cập, bởi vì con đập này sẽ làm mất đi một phần đáng kể tài nguyên nước. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất của nhà máy thủy điện Aswan và làm suy yếu an ninh năng lượng của Ai Cập.

Nếu tốc độ lấp đầy hồ chứa của các nhà máy thủy điện được duy trì như hiện nay, Ai Cập sẽ buộc phải giảm sản lượng hàng tỷ USD trong tương lai. Bất chấp những yêu cầu của Cairo về việc phân phối nguồn nước công bằng hơn, có khả năng chính quyền Ethiopia sẽ không đáp ứng.

Trong điều kiện này, việc đa dạng hóa sản xuất điện có thể tăng cường an ninh năng lượng của đất nước. Đây là một trong những lý do tại sao nhà máy điện hạt nhân El Dabaa và các dự án năng lượng xanh khác là rất quan trọng.

Bất chấp các tiến bộ trong việc xanh hóa nền kinh tế, cần lưu ý rằng quá trình chuyển đổi sang phát triển bền vững ở Ai Cập có những khó khăn riêng. Để vận hành hiệu quả nền kinh tế "xanh", cần có các chuyên gia có trình độ chuyên môn có thể làm việc trong các công ty thân thiện với môi trường. Chính sách hướng tới phát triển bền vững sẽ giúp nước này đa dạng hóa nền kinh tế, giảm thiểu rủi ro về môi trường và chuẩn bị tốt hơn cho cuộc khủng hoảng toàn cầu và khu vực trong tương lai.

Theo Bnews Sao chép

Cùng chuyên mục Thế giới

Đồng euro yếu - công cụ để châu Âu ứng phó với thuế quan mới của Mỹ?

Nếu đồng euro yếu hơn, giảm xuống ngang giá với đồng USD, sẽ làm giảm bớt tác động tiêu cực từ việc Mỹ có thể áp các mức thuế mới đối với hàng hóa của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Đồng euro thắng thế trên thị trường tiền tệ toàn cầu Trung Quốc trở lại thị trường nợ với kế hoạch bán trái phiếu bằng đồng euro

Thế kẹt của kinh tế châu Âu

Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ. Nhiều người hy vọng rằng những nỗ lực mới đây của Trung Quốc trong việc tăng chi tiêu công có thể phục hồi tăng trưởng.

Thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ giảm điểm trong phiên 23/10 14 triệu lao động, 7% GDP và toàn ngành ô tô Châu Âu đang lao đao trước cơn bão xe điện Trung Quốc

Số liệu lạm phát sẽ tác động tới quyết định lãi suất của Fed

Cuộc họp sắp tới của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào ngày 17-18/12 tới đang thu hút rất nhiều sự chú ý khi thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất lần thứ ba trong năm nay.

Fed cảnh báo về những thách thức đối với khối doanh nghiệp nhỏ Fed dự kiến giảm dần lãi suất nếu lạm phát tiếp tục hạ nhiệt