Tham vọng xuất khẩu khí đốt của Ai Cập giữa khủng hoảng năng lượng

Tuần báo Al-Ahram Weekly của Ai Cập mới đây đăng bài viết đánh giá về việc Ai Cập quyết định giảm sử dụng khí đốt tự nhiên trong sản xuất điện để xuất khẩu khí đốt.

Tuần báo Al-Ahram Weekly của Ai Cập mới đây đăng bài viết đánh giá về việc Ai Cập ưu tiên phát triển kinh tế hơn là bảo vệ môi trường khi nước này quyết định giảm sử dụng khí đốt tự nhiên trong sản xuất điện để xuất khẩu khí đốt. Dưới đây là nội dung bài viết:

Các kế hoạch xuất khẩu nhiều khí đốt tự nhiên hơn của Ai Cập phản ánh khát vọng của nước này trở thành một trung tâm năng lượng toàn cầu. Ngày 10/8, Thủ tướng Ai Cập Mustafa Madbouli công bố kế hoạch giảm tiêu thụ điện của nước này thông qua một số biện pháp “thắt lưng buộc bụng”, bao gồm không sử dụng đèn điện trong các tòa nhà chính phủ sau giờ làm việc, giảm đèn chiếu sáng trên đường phố và không cho phép các trung tâm mua sắm bật điều hòa không khí ở nhiệt độ dưới 25 độ C.

Chính phủ Ai Cập lập luận rằng các biện pháp như vậy sẽ giúp quốc gia Bắc Phi tiết kiệm được 15% lượng khí đốt tự nhiên được sử dụng để sản xuất điện. Thay vào đó, lượng khí đốt này sẽ được xuất khẩu, qua đó có thể giúp kim ngạch xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Ai Cập tăng thêm khoảng 450 triệu USD mỗi tháng.

Quyết định trên được đưa ra giữa lúc Ai Cập đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức trong bối cảnh giá năng lượng ngày càng tăng trên thị trường toàn cầu. Cairo hy vọng có thể gặt hái được nhiều thành quả từ các giải pháp mới này.

Lục địa châu Âu, khu vực láng giềng của Ai Cập ở bờ Bắc Địa Trung Hải, đang đối mặt với tình trạng thiếu năng lượng do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine. Sự thiếu hụt thậm chí còn trầm trọng hơn do nhu cầu năng lượng ngày càng cao khi các nền kinh tế châu Âu bước vào giai đoạn phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Khi cuộc xung đột Nga-Ukraine bùng phát và phương Tây phản ứng bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, Moskva đã đáp trả bằng cách giảm nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho cái mà Nga gọi là "các nước không thân thiện", điều mà một số nhà ngoại giao châu Âu gọi là "cuộc chiến khí đốt".

Châu Âu phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga. Năm 2021, Nga cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên cho Liên minh châu Âu (EU), chủ yếu thông qua đường ống, đạt khoảng 155 tỷ mét khối. Trong năm ngoái, EU cũng đã nhập khẩu 27% lượng dầu mỏ và 46% lượng than đá từ Nga. Tình trạng thiếu hụt năng lượng do các hạn chế được áp đặt đối với năng lượng xuất khẩu của Nga đã khiến giá năng lượng leo thang và đẩy chi phí sinh hoạt ở châu Âu tăng lên.

Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã tăng 127,6% kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Tại Đức, giá năng lượng hiện cao hơn 35% so với cùng kỳ năm 2021. Ở Anh, giá năng lượng đã đạt mức kỷ lục và tình hình ngày càng trở nên khó khăn khi một số người đã phải lựa chọn giữa việc "ăn uống hoặc sưởi ấm".

Châu Âu đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm nguồn cung thay thế cho khí đốt tự nhiên của Nga. Hồi tháng 3/2022, EU đã công bố một chiến lược có tên là "REPowerEU", nhằm giảm 2/3 sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt tự nhiên của Nga trong vòng một năm và không còn phụ thuộc vào các nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2030.

Châu Âu cũng đã áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng để cắt giảm tiêu thụ năng lượng và giảm sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga. Vào tháng 7/2022, các nước thành viên EU đã đạt được thỏa thuận tự nguyện giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt tự nhiên trong khoảng thời gian từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023, mặc dù các nước có thể nộp đơn xin miễn trừ theo một số điều kiện nhất định. Các nước EU cũng tuyên bố sẽ tạm thời ngừng sử dụng khí đốt tự nhiên trong sản xuất điện sang sử dụng than đá, nhằm giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga.

Quảng cáo

Trong khi đó, Nga đang sử dụng khí đốt để trả đũa các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây. Nga đã lập ra một danh sách các "quốc gia không thân thiện", bao gồm những nước từ chối thanh toán tiền mua khí đốt Nga bằng đồng ruble. Nga cũng đang cắt nguồn cung cấp khí đốt cho các nước châu Âu. Chẳng hạn, Nga đã từ chối vận hành hết công suất đường ống "Dòng chảy phương Bắc 1" (Nord Stream 1).

Đường ống này vận chuyển khí đốt tự nhiên của Nga từ thành phố cảng Vyborg qua Biển Baltic đến thành phố Greifswald ở Đức. Đường ống đã bị khóa lại trong vài ngày hồi tháng 7/2022 để phục vụ công tác bảo trì định kỳ. Nga cũng từ chối tiếp nhận một tuabin cần thiết cho hoạt động của "Dòng chảy phương Bắc 1". Tuabin được gửi từ Đức đến Canada để bảo trì, nhưng sau đó có thông tin cho rằng việc cho phép tuabin quay trở lại Nga sẽ đi ngược lại các lệnh trừng phạt của châu Âu đối với các lô hàng công nghệ đến Nga.

Nga đã thông báo sẽ cắt giảm 40% lượng khí đốt tự nhiên cung cấp cho Đức, từ 160 triệu m3/ngày xuống còn 100 triệu m3/ngày. Đức là đối tác của Nga trong đường ống "Dòng chảy phương Bắc 1" và là một cường quốc công nghiệp của EU. Moskva cũng đã cắt giảm một nửa lượng khí đốt cung cấp cho Italy. Nga đã cắt hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt cho Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan, Hà Lan và Đan Mạch, đồng thời giảm đáng kể nguồn cung cho các nước châu Âu khác như Pháp, Đức, Áo, Cộng hòa Czech và Slovakia.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nói rằng Nga đang sử dụng khí đốt làm vũ khí. Bà cho rằng tình huống xấu nhất là "Nga cắt toàn bộ nguồn khí đốt châu Âu" có thể xảy ra, song tuyên bố châu Âu sẽ không chịu đầu hàng trước áp lực của Nga.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng năng lượng giữa châu Âu và Nga là cơ hội cho các nhà xuất khẩu khí đốt khác trên thế giới. Ủy viên phụ trách năng lượng của EU Kadri Simson đã công bố kế hoạch để thay thế khí đốt tự nhiên Nga bằng các nguồn cung từ các nhà xuất khẩu thay thế như Azerbaijan, Mỹ, Canada, Na Uy, Israel và Ai Cập. Trong nhiều năm qua, Ai Cập đã hướng tới mục tiêu trở thành một trung tâm năng lượng toàn cầu, có thể xuất khẩu năng lượng cho các nhà nhập khẩu trong khu vực.

Cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu có thể là cơ hội để Ai Cập tiến thêm một bước theo hướng này. Ai Cập hiện sản xuất khoảng 66 tỷ m3 khí đốt tự nhiên mỗi năm. Trước khi Chính phủ Ai Cập đưa ra quyết định “thắt lưng buộc bụng” về năng lượng vào tháng 8/2022, nước này đã tiêu thụ 62 tỷ m3 khí tự nhiên/năm. Và với việc tiết kiệm 15% lượng khí đốt, Ai cập có thể thu về ít nhất 4 tỷ USD mỗi năm từ việc xuất khẩu khí đốt.

Các nước Tây Âu hiện đang thiếu hụt năng lượng do nguồn cung khí đốt từ Nga bị cắt. Giá một triệu đơn vị nhiệt Anh (MBTU) đã tăng lên 30 USD, và sự gia tăng này cũng là một cơ hội cho Ai Cập. Xuất khẩu khí đốt tự nhiên, thay vì tiêu thụ trong nước, sẽ làm gia tăng nguồn thu của chính phủ. Tại Ai Cập, khí đốt tự nhiên được Bộ Dầu khí và Tài nguyên Khoáng sản bán cho Bộ Điện lực với mục đích tiêu dùng trong nước với giá chỉ 3 bảng Ai Cập/MBTU (tương đương 0,15 USD/MBTU). Nếu được xuất khẩu, khí đốt tự nhiên có thể được bán với giá 30 USD/MBTU tại thị trường châu Âu.

Trước khi các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” về năng lượng được áp dụng vào tháng Tám vừa qua, 60% lượng khí đốt tự nhiên tiêu thụ ở Ai Cập được sử dụng để sản xuất điện. Nếu các biện pháp này được thực hiện triệt để và một phần khí đốt tự nhiên được chuyển sang xuất khẩu, Ai Cập có thể chuyển khoảng 174 triệu m3/ngày từ tiêu thụ nội địa sang xuất khẩu. Con số này chiếm 1/3 năng lực xuất khẩu khí đốt của Ai Cập.

Theo Chính phủ Ai cập, sản lượng điện của nước này sẽ không bị ảnh hưởng do việc cắt giảm sử dụng khí đốt tự nhiên trong sản xuất điện. Cairo sẽ thay thế khí đốt tự nhiên bằng một loại nhiên liệu khác - dầu mazut trong sản xuất điện. Tuy nhiên, Ai Cập vẫn chưa hoàn toàn ngừng sử dụng khí đốt tự nhiên trong sản xuất điện, mà chỉ giảm tỷ trọng khí tự nhiên và nâng tỷ trọng dầu mazut.

Dầu mazut có lợi thế là giá rẻ hơn khí đốt tự nhiên. Mỗi MBTU dầu mazut chỉ có giá 14 USD, trong khi khí đốt tự nhiên có thể được xuất khẩu với giá 30 USD/MBTU. Tuy vậy, dầu mazut có nhược điểm khá lớn là gây nhiều tác hại đến môi trường hơn. Dầu mazut thải ra lượng khí carbon nhiều gấp đôi so với khí đốt tự nhiên. Đây là một ví dụ kinh điển về sự đánh đổi giữa bảo vệ môi trường và hiệu quả kinh tế.

Dường như Chính phủ Ai Cập đã quyết định rằng hiệu quả kinh tế quan trọng hơn bảo vệ môi trường trong thời kỳ kinh tế khó khăn hiện nay. Quyết định mới nhất của Ai Cập được đưa ra giữa lúc dự trữ ngoại hối nước này ngày càng giảm mạnh theo từng tháng, từ 33,38 tỷ USD ghi nhận tháng 6/2022 sụt xuống còn 33,1 tỷ USD vào tháng 7/2022.

Theo Bnews Sao chép

Cùng chuyên mục Thế giới

WB dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2025

Ngày 16/1, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ duy trì ổn định trong năm 2025 và 2026, nhưng ở mức thấp kỷ lục trong những năm gần đây, đặc biệt là các nước đang phát triển.

Thông tin từ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đè nặng lên chứng khoán châu Á Sự kiện kinh tế thế giới nổi bật tuần qua

Các nền kinh tế châu Á sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu

Ấn Độ được dự báo sẽ thay thế Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2025 với GDP vượt mốc 5.000 tỷ USD và sẽ vượt Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2029.

Đồng NDT và các đồng tiền châu Á khác đối mặt nhiều áp lực trong năm 2025 Những yếu tố sẽ chi phối chứng khoán châu Á trong năm 2025

Sự kiện kinh tế thế giới nổi bật tuần qua

Số vụ phá sản doanh nghiệp tại Đức và Pháp đều tăng kỷ lục, dự trữ khí đốt của châu Âu giảm với tốc độ nhanh nhất trong vòng 5 năm qua... là một số sự kiện kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Điểm lại sự kiện kinh tế thế giới nổi bật tuần qua Sự kiện “Thiên Nga đen” có thể là rủi ro lớn nhất đối với thị trường chứng khoán năm 2025

Sự sụp đổ của các cửa hàng miễn thuế Hàn Quốc: Nguyên nhân và ảnh hưởng

Cửa hàng miễn thuế Shinsegae Duty Free tại Busan đóng cửa, đánh dấu sự bắt đầu của cuộc suy giảm trong ngành công nghiệp này. Nguyên nhân do dịch COVID-19, tỷ giá hối đoái cao và thay đổi nhu cầu mua sắm của khách du lịch

Chứng khoán Hàn Quốc giảm mạnh do bất ổn chính trị Đồng won Hàn Quốc chạm “đáy” 15 năm

Fed vẫn thận trọng trước rủi ro lạm phát

Ngày 9/1, Thống đốc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Michelle Bowman cho biết, bà vẫn thấy những rủi ro lạm phát kéo dài và các nhà hoạch định chính sách cần thận trọng khi tiếp tục cắt giảm lãi suất.

Lạm phát tiếp tục vượt mục tiêu của Ngân hàng trung ương Nhật Bản Số liệu lạm phát giúp chứng khoán Mỹ thu hẹp đà giảm trong tuần

Goldman Sachs: Mỹ có thể sẽ chỉ áp thuế 20% đối với hầu hết hàng nhập khẩu từ Trung Quốc

Nhà kinh tế trưởng Jan Hatzius của Goldman Sachs cho rằng Tổng thống Donald Trump có thể sẽ tìm cách áp mức thuế trung bình 20% đối với hầu hết các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Goldman Sachs: Đề xuất thuế của ông Donald Trump có thể làm đồng euro giảm 10% Goldman Sachs dự đoán giá vàng đạt đỉnh 3.000 USD/ounce trong năm 2025

Trung Quốc giảm thuế nhập khẩu

Thuế nhập khẩu tạm thời của Trung Quốc, thấp hơn mức thuế suất tối huệ quốc, sẽ được áp dụng cho 935 mặt hàng, trong khuôn khổ kế hoạch điều chỉnh thuế quan hằng năm.

Lần đầu tiên trong lịch sử, doanh số bán xe điện sắp vượt xe xăng, Trung Quốc trở thành thị trường nóng nhất Trung Quốc gia hạn thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với Nigeria