Xuất khẩu hạt điều đã bước qua giai đoạn tăng trưởng thấp?

Sau gần hai năm trầm lắng, tháng 5/2023, xuất khẩu hạt điều tăng 11,7% về lượng và tăng 11,4% về trị giá, đạt mức cao nhất kể từ tháng 7/2021. Song, tháng 6/2023, xuất khẩu hạt điều chỉ tăng nhẹ về lượng 2,9%, giảm 0,4% về trị giá. Vậy xuất khẩu hạt điều

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Xuất khẩu hạt điều khởi sắc tại các thị trường chủ lực và tiềm năng

Dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, Cục Xuất nhập khẩu (XNK) - Bộ Công Thương cho biết, tháng 6/2023, xuất khẩu hạt điều đạt 59,12 nghìn tấn, trị giá trên 339 triệu USD, tăng 2,9% về lượng, nhưng giảm 0,4% về trị giá so với tháng trước đó, so với tháng 6/2022 tăng 27,2% về lượng và tăng 19% về trị giá. Tháng 6/2023, giá xuất khẩu bình quân hạt điều đạt mức 5.735 USD/tấn, giảm 3,3% so với tháng 5/2023 và giảm 6,5% so với tháng 6/2022.

Mặc dù, khối lượng và kim ngạch xuất khẩu hạt điều trong tháng không thật sự khả quan nhưng tính chung nửa đầu năm nay, xuất khẩu hạt điều đạt gần 279,43 nghìn tấn, trị giá 1,63 tỷ USD, tăng 11,9% về lượng và tăng 8,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Thời gian này, giá xuất khẩu bình quân hạt điều đạt mức 5.853 USD/tấn, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Cục XNK cho biết, tháng 6/2023, xuất khẩu hạt điều sang nhiều thị trường chủ lực và tiềm năng tăng so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, xuất khẩu hạt điều sang một số thị trường ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao, gồm: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống Nhất, Ả rập Xê út, Úc, Canada, Nhật Bản … Tuy nhiên, khi tính chung nửa đầu năm 2023, xuất khẩu hạt điều sang các thị trường Hoa Kỳ, Hà Lan, Đức, Úc… giảm, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc, Anh, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống, Ả rập Xê út, Canada, Nhật Bản tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, tháng 6/2023, xuất khẩu hạt điều sang thị trường chủ lực Hoa Kỳ đạt 16.387 tấn, trị giá gần 94 triệu USD, so với tháng 6/2022 tăng 38,72% về lượng và tăng 31,58% về kim ngạch. Tính chung nửa đầu năm nay, xuất khẩu hạt điều sang thị trường Hoa Kỳ đạt 74.449 tấn, với kim ngạch 432,194 triệu USD, so với nửa đầu năm ngoái giảm 2,32% về lượng và giảm gần 2% về trị giá.

Từ khi Trung Quốc mở cửa trở lại, xuất khẩu hạt điều vào thị trường xuất khẩu lớn thứ hai này đã thật sự khởi sắc. Theo đó, tháng 6/2023, hạt điều xuất khẩu vào Trung Quốc đạt 10.079 tấn, trị giá hơn 60,481 triệu USD, so với tháng 6/2022, tăng 23,1% về lượng và tăng 24,41% về kim ngạch. Tính chung nửa đầu năm nay, xuất khẩu hạt điều vào Trung Quốc đạt 40.196 tấn, trị giá 259 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 41,09% về lượng và tăng 43,17% về kim ngạch.

Ông Tạ Quang Huyên, Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), Giám đốc Công ty Hoàng Sơn 1 cho biết, lo sợ dịch bệnh Việt Nam không xuất khẩu được hạt điều sẽ không có hàng bán nên trong năm 2021, các nhà nhập khẩu mua hàng nhiều hơn lúc bình thường dẫn đến tồn kho lớn. Qua năm 2022, nhà nhập khẩu giảm nhập vì chờ tiêu thụ hết lượng hàng dự trữ trong kho, tình trạng này kéo dài đến nay khi hàng tồn kho đã cạn họ bắt đầu tăng mua hàng trở lại.

Quảng cáo

Việt Nam vẫn là thị trường số 1 cung cấp hạt điều vào Hoa Kỳ

Từ đầu năm tới nay thị trường Trung Quốc vẫn tiêu thụ tốt hạt điều Việt Nam, còn thị trường Hoa Kỳ, nửa đầu năm nay số liệu hải quan cho thấy họ giảm nhập nhưng thật tế không giảm. Bởi nhiều năm trước, Việt Nam xuất khẩu hạt điều trắng sang Hoa Kỳ đạt 12.000 tấn/tháng, nhưng nay chỉ riêng Công ty Olam xuất sang thị trường này gần 3 ngàn tấn/tháng, và trước đây họ xuất hạt điều trắng, nay lại xuất hạt điều rang, trong khi mã số điều rang không có thống kê. Do vậy, lượng xuất điều sang Hoa Kỳ tăng nhưng không thể hiện trên số liệu báo cáo. Mặt khác, Công ty Olam xuất khẩu điều sang Hoa Kỳ đôi khi đứng tên Olam Việt Nam, khi thì Olam Singapore, việc này cũng làm giảm số liệu thống kê.

Dự báo, diễn biến thị trường điều nửa cuối năm 2023, ông Huyên cho rằng, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước ở châu Âu, … sẽ tăng mua trở lại, tăng cỡ nào chưa thể đoán được, nhưng chắc chắn sẽ tăng hơn 2 quý đầu năm.

Và có 2 yếu tố cho thấy nhu cầu hạt điều trong hai quý cuối năm tăng, đặc biệt là quý 4, do lượng điều dự trữ ở các nước đã cạn nên họ cần mua mới để tiêu thụ, đây là yếu tố chủ yếu. Mặt khác, trong quý 4 có nhiều lễ hội và Tết, nhu cầu tiêu thụ điều tăng mạnh, nhà nhập khẩu sẽ tăng mua để bán ra.

Chia sẻ quan điểm với Phó chủ tịch Vinacas, một doanh nghiệp xuất khẩu điều cho rằng, trong tháng 6/2023, tuy cả hai thị trường lớn là Hoa Kỳ và Trung Quốc tăng trưởng mạnh về lượng và kim ngạch, nhưng khi cộng dồn nửa đầu năm thì Hoa Kỳ giảm nhẹ về lượng và kim ngạch, chỉ có thị trường Trung Quốc vẫn giữ được đà tăng trưởng tốt. Dự báo, khi vào mùa lễ, Tết cuối năm xuất khẩu hạt điều sẽ tăng trưởng tốt ở cả 2 thị trường này.

Dẫn số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), Cục XNK cho biết, Hoa Kỳ nhập khẩu hạt điều từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các nguồn cung chủ yếu hạt điều cho Hoa Kỳ gồm: Việt Nam, Bờ Biển Ngà, Brazil …

Trong 4 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu hạt điều của Hoa Kỳ đạt 40,29 nghìn tấn, trị giá 240,98 triệu USD, giảm 18,6% về lượng và giảm 29,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong thời gian này, Việt Nam là nguồn cung hạt điều lớn nhất cho Hoa Kỳ với 34,73 nghìn tấn, trị giá 205,9 triệu USD, giảm 20,8% về lượng và giảm 31,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

“Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ giảm từ 88,58% trong 4 tháng đầu năm 2022 xuống còn 86,22% trong 4 tháng đầu năm 2023. Ngược lại, Hoa Kỳ tăng nhập khẩu hạt điều từ các thị trường Bờ Biển Ngà, Brazil… Như vậy có thể thấy, nguồn cung hạt điều cho Hoa Kỳ có sự chuyển dịch từ Việt Nam sang các thị trường khu vực Nam Phi. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn là nguồn cung hạt điều quan trọng nhất cho Hoa Kỳ”, đại diện Cục XNK nhận định.

Theo Thời Đai Sao chép

Cùng chuyên mục Hàng hóa - Nguyên liệu

Giá dầu giằng co giữa các yếu tố căng thẳng địa chính trị và nguồn cung

Phiên 19/11, giá dầu ít biến động, khi dấu hiệu leo thang căng thẳng Nga-Ukraine làm dấy lên nguy cơ gián đoạn nguồn cung, nhưng việc mỏ Johan Sverdrup nối lại sản xuất đã hạn chế đà tăng của dầu.

Giá dầu thế giới phục hồi từ mức thấp nhất trong gần hai tuần Giá dầu thế giới tăng nhẹ trong phiên giao dịch biến động