Trong thư gửi nhà đầu tư mới đây của VinaCapital, VinaCapital cho biết, kinh tế Việt Nam tăng 6,9% trong quý II và 6,4% trong nửa đầu năm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra kịch bản tăng trưởng GDP cho cả năm khoảng 6,5-7%, cao hơn so với mục tiêu 6-6,5% hồi đầu năm. Việt Nam đang có nhiều dư địa để thúc đẩy tăng trưởng đầu tư công và đây là một trong những yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm.
Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh quý II của các công ty niêm yết vừa được công bố được xem như bằng chứng cho việc hồi phục kinh tế. Đơn vị này thống kê lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết đã tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số vượt kỳ vọng của nhà quản lý quỹ.
Với đà tăng trưởng trên, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết được dự báo có thể tăng trên 20% trong cả năm. Mặc dù có thể xảy ra những thời điểm biến động, họ kỳ vọng xu hướng chung của thị trường chứng khoán vẫn sẽ tích cực trong thời gian tới.
Ngoài ra, VinaCapital cho rằng nếu được nâng hạng lên thị trường mới nổi (EM) vào năm 2025 như mục tiêu, chứng khoán sẽ thu hút được dòng tiền từ các quỹ đầu tư.
Vinacapital tin tưởng vào tiềm năng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam, và những biến động hiện tại không ảnh hưởng lâu dài đến tình hình hoạt động của các công ty mà quỹ đang đầu tư.
"Những cơ hội tốt nhất để đầu tư dài hạn thường đến vào những thời điểm thị trường biến động mạnh. Vì vậy, chúng tôi đang tận dụng cơ hội để mua vào cổ phiếu tốt. Khi thị trường biến động ngắn hạn, thay vì bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông, nhà đầu tư nên thật bình tĩnh và coi đó là một cơ hội tiềm năng để đầu tư thêm với giá rẻ hơn", VinaCapital cho biết.
Theo VinaCapital, định giá thị trường cũng đang ở mức hấp dẫn cho đầu tư dài hạn. Do đó, nhà đầu tư nên kiên định với chiến lược nắm giữ lâu dài, rót tiền định kỳ để có được kết quả tích cực trong tương lai.
Thư gửi nhà đầu tư của VinaCapital cũng đề cập đến phiên giảm điểm gần 4% của VN-Index (5/8) vừa qua và cho biết, biến động có khả năng là một chủ đề còn tái diễn trong các tháng cuối năm 2024 khi các điều kiện vĩ mô, địa chính trị và dịch chuyển dòng vốn toàn cầu đều có thể là tác nhân.
Rất khó để đánh giá ảnh hưởng của các yếu tố này đến thị trường tài chính toàn cầu, cụ thể là Việt Nam vì có rất nhiều nguyên nhân ảnh hưởng và các yếu tố này thay đổi liên tục. Tuy nhiên, nguy cơ rơi vào suy thoái của Mỹ sẽ gây áp lực thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất nhanh hơn. Fed đã giữ nguyên lãi suất chính sách của Mỹ vào tuần trước, nhưng đã định hướng thị trường cho một đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Điều này sẽ làm giảm áp lực về tỷ giá cho đồng VND khi USD yếu hơn và giảm áp lực tăng lãi suất của Việt Nam.
"Tại Nhật, chúng tôi nhận thấy rằng các vị thế bán khống đồng Yên từ giới đầu tư tài chính có thể đã trung lập. Mỹ và Ấn Độ là hai thị trường lớn nhất thu hút đầu tư từ Nhật nên Việt Nam gần như không chịu ảnh hưởng tiêu cực về việc rút vốn này", báo cáo của VinaCapital nêu.