Ứng dụng của trí tuệ nhân tạo và vũ trụ ảo trong ngành ngân hàng toàn cầu

Trong bối cảnh công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) hay vũ trụ ảo (Metaverse) ngày càng tiến bộ và được phổ biến rộng rãi, ngành ngân hàng cũng không đứng ngoài cuộc chơi và đã đầu tư không ít để bắt kịp xu hướng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong xu thế này, mới đây, ông Phillip L. Wright - COO của ngân hàng HSBC Việt Nam đã đưa ra những phân tích và nhận định về diễn biến mới này.

Ngày 14/3, có hai sự kiện gây chú ý với cộng đồng mạng, đặc biệt là những ai thường xuyên quan tâm đến các xu hướng công nghê mới. Thứ nhất, ChatGPT-4 - thế hệ tiếp nối của chatbot từng làm mưa làm gió trên cộng đồng mạng ChatGPT – chính thức được tung ra. Phiên bản này được đánh giá là "ChatGPT đã trở lại và lợi hại hơn xưa", mang lại cảm giác "đã" hơn, "thỏa mãn" hơn rất nhiều so với phiên bản trước vì khả năng suy luận tốt hơn, biết đùa và quan tâm đến cảm xúc của người hỏi hơn, thay vì chỉ biết xin lỗi và ít cảm xúc trong câu trả lời. Ngoài ra, ChatGPT-4 được nâng cấp khả năng xử lý nội dung dài tới 25.000 từ (gấp 8 lần phiên bản cũ), nhận diện được hình ảnh, đọc hiểu các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh tốt hơn hẳn và biết khéo léo né tránh các chủ đề nhạy cảm hơn.

Chưa hết, chỉ ít ngày sau đó, cuộc chơi công nghệ trên thế giới đã trở nên sôi động hơn bao giờ hết khi các ông lớn như Google hay Microsoft công bố kế hoạch tích hợp công cụ AI vào các nền tảng tỷ người dùng như bộ ứng dụng Workspace (Docs, Sheets, Slides, Meet và Chat) và bộ ứng dụng 365 (Word, Excel, PowerPoint, Outlook và Teams). Không ai muốn bỏ lỡ trào lưu đang rất "hot" này.

Sự lên ngôi của generative AI

Nếu như trước đây, các mô hình máy học dự đoán (predictive machine learning) là trung tâm của các cuộc bàn tán thì giờ đây các mô hình AI tự tạo nội dung mới (generative AI) đang lên ngôi. Sau sự đột phá của DALL-E – công cụ tạo hình ảnh từ văn bản và chatbot thông minh ChatGPT đều là sản phẩm của nhà OpenAI, các công ty công nghệ lớn nhỏ đứng ngồi không yên, họ đã và đang nhanh chóng nhập cuộc để xây dựng các mô hình generative AI của riêng mình.

Có lẽ, sự chuyển biến lớn tạo ra ồn ào trong những tháng gần đây không hẳn do sự xuất hiện của một công nghệ mới mà phần nhiều bắt nguồn từ việc các công nghệ mới được phổ biến như thế nào. Cụ thể, giờ đây, người dùng là dân ngoại đạo chứ không nhất thiết phải thuộc giới am hiểu công nghệ (ví dụ như lập trình viên) cũng có thể tự mình trải nghiệm công nghệ mới. Chỉ cần bạn biết dùng trình duyệt web là có thể đàm đạo với ChatGPT về hầu hết mọi chuyện.

Với sự phổ biến này, rất nhiều cơ hội mở ra cho việc ứng dụng công nghệ mới như AI vào các ngành: giáo dục, ý tế, chăm sóc sức khỏe, bán lẻ… và giải trí như trường hợp ca sĩ ảo Ann nêu trên. Trong bối cảnh đó, các banker cũng tự đặt câu hỏi generative AI có thể dùng trong ngành của mình không. Với một ngành được coi là "bảo thủ" với những quy định chặt chẽ như ngân hàng thì sự ứng dụng của một công nghệ mang tính sáng tạo sẽ diễn ra như thế nào?

Trong mảng bán lẻ, ứng dụng phổ biến nhất là dùng generative AI tạo dữ liệu giả lập để huấn luyện cho các thuật toán máy học trong quy trình định danh khách hàng (Know Your Customer – KYC), giúp quy trình này hiệu quả hơn. Công nghệ này cũng có thể hỗ trợ cải thiện chất lượng ngôn ngữ giao tiếp cho trợ lý ảo (voicebot hoặc chatbot), từ đó nâng cao trải nghiệm của khách hàng.

Trong mảng dịch vụ khách hàng doanh nghiệp, generative AI có thể thúc đẩy hiệu suất nhóm tác vụ back-office, ví dụ như đánh giá nhanh về tình hình tài chính của khách hàng theo thời gian thực. Bên cạnh đó, công nghệ này cũng giúp huấn luyện các thuật toán dự báo kết quả kinh doanh trong các điều kiện kinh tế nhất định.

Không chỉ dùng trong kinh doanh, generative AI cũng được ứng dụng hiệu quả trong hoạt động phòng chống lừa đảo, giúp phát hiện các giao dịch bất thường, có dấu hiệu lừa đảo. Nổi tiếng nhất phải kể đến ứng dụng mô hình Generative Adversarial Network (GAN) dựa trên thuật toán máy học chuyên sâu.

Là thuật toán từng gây tiếng vang khi tạo ra bức tranh Edmond de Bellamy được bán với giá 432.500 USD năm 2018, sở trường của thuật toán này là tạo ra dữ liệu nhân tạo giống như thật.

Ông Phillip L. Wright - COO của ngân hàng HSBC Việt Nam
Ông Phillip L. Wright - COO của ngân hàng HSBC Việt Nam

Xu hướng metaverse chưa hạ nhiệt

Chỉ khoảng một năm trước khi ChatGPT làm mưa làm gió trên mạng, báo chí cũng tốn không ít giấy mực để viết về sự kiện Facebook đổi tên thành Meta nhằm thể hiện tham vọng theo đuổi ý tưởng xây dựng một vũ trụ ảo trên mạng – metaverse. Được dự báo là tương lai của internet, metaverse vẫn còn đang trong giai đoạn sơ khai nhưng tiềm năng mở ra là vô cùng to lớn.

Công ty nghiên cứu và tư vấn Gartner dự báo đến năm 2026, một phần tư dân số thế giới sẽ dành ít nhất một tiếng mỗi ngày trên vũ trụ ảo để làm việc, mua sắm, học tập, tham gia mạng xã hội và/hoặc giải trí. Còn theo khảo sát của JLL trên hơn 1.000 người nắm quyền quyết định trong các doanh nghiệp trên toàn thế giới, 73% công ty có kế hoạch giới thiệu hình thức họp ứng dụng thực tế ảo (VR) trong vòng ba năm tới.

Xu hướng metaverse đang lan vào từng ngóc ngách đời sống khắp nơi trên thế giới và tất nhiên không bỏ qua ngành ngân hàng. Cũng như các ngành nghề khác, mảng quảng bá thương hiệu là dễ ứng dụng nhất để thu hút tương tác với khách hàng.

Không chỉ vậy, các ngân hàng cũng đang nghiên cứu cách đưa các hoạt động kinh doanh hiện tại lên thế giới ảo. Ví dụ, tháng 2/2022, JP Morgan mua "đất" trên vũ trụ ảo Decentraland và xây dựng Onyx Lounge nơi họ vận hành như một nhà băng thực thụ trên không gian metaverse, cung cấp sàn giao dịch ngoại tệ, thanh toán quốc tế, hỗ thương mại… Họ hướng tới giải quyết các vấn đề trực tuyến như xác thực tài khoản, theo dõi tình trạng giao dịch, phòng chống lừa đảo không khác gì ngoài đời thực.

Cuối cùng, khi vũ trụ ảo bắt đầu thu hút thêm nhiều người dùng, nhu cầu cần có một mạng lưới thanh toán đáng tin cậy trong metaverse cũng sẽ phát triển theo. Đây cũng là mảnh đất màu mỡ để ngân hàng và giới Fintech khai phá trong tương lai.

Một số vấn đề cần lưu ý

Đi kèm với những cơ hội khổng lồ là những trở ngại không nhỏ khi đón đầu những xu hướng công nghệ này. Với generative AI, điều đáng ngại nhất là mức độ đáng tin và sự chính xác của thông tin. Google đã có bài học lớn khi chatbot mới ra mắt của hãng với tên gọi Bard mắc một lỗi sai "chí mạng".

Còn với việc ứng dụng vũ trụ ảo, vẫn còn nhiều câu hỏi bỏ ngỏ như làm thế nào để xác thực khách hàng (KYC – Know Your Customer) trên metaverse và ngược lại chính khách hàng cũng không biết dựa trên cơ sở nào để khẳng định mình đang giao dịch với một tổ chức tài chính hợp pháp. Bên cạnh đó, quy trình bán hàng và phát triển sản phẩm được quản lý chặt chẽ tại mỗi thị trường. Làm thế nào để đảm bảo được điều đó trên không gian ảo? Ví dụ, một giao dịch viên hoặc chuyên viên tư vấn tài chính ở Pháp có thể bán một sản phẩm tài chính của Anh cho một khách hàng ở Ý trên metaverse. Đây sẽ là một tình huống gây đau đầu cho các cơ quan quản lý nếu không muốn bỏ lỡ những cơ hội từ vũ trụ ảo.

Theo Thời Đại

Đọc tiếp

Nhịp cầu doanh nghiệp

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

Khi OPEC công bố duy trì cắt giảm sản lượng nhưng giá dầu vẫn giảm, các nhà phân tích cho rằng động thái của họ không có hiệu quả. Tuy nhiên, thị trường đang xoay chiều.

Chat với BizLIVE