Theo kênh truyền hình RT, tại Diễn đàn Năng lượng Baku, Thứ trưởng Năng lượng và Tài nguyên thiên nhiên Thổ Nhĩ Kỳ Alparslan Bayraktar ngày 2/6 nói: “Thổ Nhĩ Kỳ muốn sử dụng toàn bộ cơ sở hạ tầng sản xuất trong nước cho việc tiêu thụ trong nước và vận chuyển khí đốt từ những nhà cung cấp Azerbaijan, Nga và Iran ra thị trường nước ngoài, bao gồm châu Âu.
Theo nhà chức trách, Ankara cũng có thể giúp trung chuyển tài nguyên từ Turkmenistan, Iraq, và Địa Trung Hải.
Nga là một trong những nhà cung cấp khí đốt lớn cho Thổ Nhĩ Kỳ, chiếm khoảng một nửa lượng nhập khẩu của cả nước. Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga cung cấp nhiên liệu thông qua các đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ và Dòng chảy Xanh.
Đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ chính thức đi vào hoạt động từ năm 2020. Nó được xây dựng như một giải pháp thay thế cho đường ống Dòng chảy phía Nam và có tổng công suất 31,5 tỷ mét khối. Một trong hai đường ống cung cấp khí đốt của Nga cho Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi đường ống còn lại dẫn khí đốt tới các quốc gia phía nam và đông nam châu Âu.
Trước đó, trong ngày 31/5, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã hạ thấp triển vọng đạt được lệnh cấm vận khí đốt của Nga trong đợt trừng phạt tiếp theo, sau khi tốn khá nhiều công sức để đảm bảo một lệnh cấm vận đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Moskva.
Thủ tướng Áo Karl Nehammer cho rằng vấn đề liên quan tới khí đốt hoàn toàn khác so với dầu mỏ, do vậy lệnh cấm vận khí đốt sẽ không nằm trong gói trừng phạt tiếp theo.
Về phần mình, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo nêu rõ: "Đối với khí đốt, vấn đề cũng phức tạp hơn nhiều". Do vậy, ông cho rằng EU nên dừng lại để cân nhắc về tác động của lệnh cấm này.
Còn Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Ursula von der Leyen cho rằng EU đã "đi đủ xa trong việc đánh vào nhiên liệu hóa thạch của Nga" và đã đến lúc tập trung nhiều hơn vào "lĩnh vực tài chính và kinh tế".