Thị trường trầm lắng kéo giá gạo xuất khẩu xuống thấp hơn giá Lộc Trời bỏ thầu Bulog

Với giá gạo xuống thấp như hiện nay, so với giá mà Lộc Trời đấu thầu Bulog hồi tháng 5 là đã có lời.

Thị trường trầm lắng kéo giá gạo xuất khẩu xuống thấp hơn giá Lộc Trời bỏ thầu Bulog
Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành 4 cho biết, tình hình mưa bão năm nào cũng diễn biến khó đoán trước, ảnh hưởng đến thu hoạch lúa Hè Thu. 

Năm nay, khu vực đồng bằng sông Cửu Long mưa nhiều và mưa liên tục trong suốt gần 10 ngày qua, gây khó khăn cho việc thu hoạch lúa của bà con, và kéo dài thêm thời gian thu hoạch khiến cho bông lúa chín bị mọng nước nên khi sấy bị hao hụt rất nhiều, ảnh hưởng lớn đến chất lượng lúa gạo.

“Lâu nay vụ Hè Thu thường gặp bất lợi trong thu hoạch, vì mưa gió kéo dài không chỉ làm tổn thất đến sản lượng lúa ở ngoài đồng, mà còn làm cho hạt gạo bị kém chất lượng.

Thu hoạch lúa mà gặp đợt mưa, nếu lúa tươi thì không ảnh hưởng nhiều nhưng với lúa khô sẽ làm cho hạt lúa bị mọng nước, xay xát bị tổn thất lớn dẫn đến hao hụt nhiều nên giá bán thấp, nông dân có nguy cơ lỗ nhiều hơn lãi.

Thu hoạch gặp lúc nắng tốt thì giá lúa sẽ tương đối nhưng cũng không bằng vụ Đông Xuân. So với vụ Đông Xuân và Thu Đông thì vụ Hè Thu thường không thuận lợi do thu hoạch thường rơi vào những lúc mưa bão”, ông Thành nói.

Hiện giá lúa tươi OM5451 đang được thu mua từ 7.200 - 7.500 đồng/kg; lúa OM18 và DT8 dao động từ 7.400 – 7.800 đồng/kg.

"Năng suất chế biến gạo vụ Hè Thu thấp, mua vào với mức giá này khi gặp mưa nhiều, hoặc lúc không nắng thì doanh nghiệp vẫn có thể bị lỗ chứ không riêng gì nông dân, vì gạo sản xuất ra có giá thành cao", ông Thành cho biết thêm.

Theo ông Thành, hiện nay thị trường gạo xuất khẩu cũng có khó khăn, do khách hàng ở các thị trường truyền thống đang thu mua cầm chừng, vì họ e ngại chất lượng gạo vụ Hè Thu.

Quảng cáo

Doanh nghiệp nào yếu về năng lực cạnh tranh sẽ phải chấp nhận bị đào thải

Thị trường trầm lắng khiến giá gạo xuất khẩu đang giảm từ 20 - 30 USD/tấn so với tháng 6. Đối với các loại gạo thơm nhẹ, doanh nghiệp đang bán ra từ 600 - 602 USD/tấn, trước đó giá bán là 640 USD/tấn. Đối với gạo 5% tấm thường (loại hàng giao đi Indonesia) có giá khoảng 560 USD/tấn, giá cung ứng 540 USD/tấn.

Với giá gạo như hiện nay, so với giá mà Lộc Trời đấu thầu Bulog thì đã có lời, như vậy giá bỏ thầu Bulog của Lộc Trời thật sự không có gì lớn. Việt Nam đang kinh doanh theo cơ chế thị trường và còn phải tùy thuộc vào tình hình cung cầu, cũng như cân đối tài chính của doanh nghiệp, như hiện nay rất khó có doanh nghiệp nào bán được gạo giá cao.

“Kinh doanh là thuận mua, vừa bán chứ mình muốn bán cao mà bên mua không muốn thì cũng khó, nên vấn đề của Lộc Trời cũng không phải lớn lắm, vì giá bỏ thầu của họ không chênh lệch nhiều. Trong kinh doanh, doanh nghiệp bắt buộc phải cân đối giữa nguồn thu nhập với nguồn tài chính để ra quyết định kinh doanh của đơn vị.

Nói một câu công bằng với Lộc Trời, lâu nay họ kinh doanh có thể không có lãi nhưng việc họ đã bao tiêu hàng hóa cho nông dân với khối lượng rất lớn. Việc họ đã làm tốt được chuyện bao tiêu thì mình cũng phải nhìn nhận”, ông Thành nhìn nhận.

Theo ông Thành, nếu vụ Hè Thu này Lộc Trời không có 100.000 tấn gạo đi Indonesia thì lượng lúa bao tiêu của họ sẽ đi về đâu? Khi đó tồn kho tăng tạo thêm gánh nặng tài chính cho họ.

“Trong khi các doanh nghiệp khác không bán được gạo thì Lộc Trời lại có đầu ra tốt nhờ có 100.000 tấn gạo đi Indonesia. Hợp đồng này không chỉ giúp Lộc Trời giảm được tồn kho còn tăng mua lúa Hè Thu cho nông dân, góp phần điều tiết thị trường lúa gạo trong nước. Xét cho cùng họ có công chứ không có tội, nhưng không nghe ai nhắc đến vấn đề này”, Giám đốc Công ty Phước Thành 4 nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với ông Thành, ông Nguyễn Văn Nhựt, Tổng giám đốc Công ty CP Hoàng Minh Nhựt cho rằng, ngành gạo nên có định hướng làm sao cho các doanh nghiệp tham gia các gói thầu với số lượng lớn có mức giá phù hợp, để không ảnh hưởng đến cả ngành hàng lúa gạo.

Khi có chiến lược về giá các doanh nghiệp sẽ chủ động điều chỉnh tăng hoặc giảm giá bán theo nhu cầu thực tế của thị trường, việc này sẽ đảm bảo tính minh bạch giá bán, không tác động tiêu cực tới người nông dân và doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty Lương thực Phương Đông (ORICO) cho rằng, nông dân bán lúa hay xuất khẩu gạo cũng là kinh doanh, mà đã kinh doanh thì phải tuân theo quy luật kinh tế thị trường. Khi đó doanh nghiệp sẽ tự vận hành và doanh nghiệp nào mạnh thật sự thì sẽ tồn tại, còn người nào yếu về năng lực cạnh tranh sẽ phải chấp nhận bị đào thải.

Cùng chuyên mục Hàng hóa - Nguyên liệu

Giá dầu giảm do lo ngại về tăng trưởng nhu cầu năm 2025

Giá dầu tại thị trường châu Á đi xuống trong phiên giao dịch sáng ngày 23/12, do lo ngại về tăng trưởng nhu cầu năm 2025, đặc biệt tại Trung Quốc – nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Giá dầu thế giới giảm trở lại trước cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Quyết định của Fed kiềm chế đà tăng của giá dầu

Giá dầu châu Á giảm nhẹ khi nhà đầu tư chốt lời

Nhà phân tích Tony Sycamore cho biết sau đợt tăng giá 6% vào tuần trước và với việc giá dầu thô đang giao dịch gần mức đỉnh gần đây, thị trường đang chứng kiến một số hoạt động chốt lời nhẹ.

Giá dầu thế giới giằng co trước dự đoán Fed hạ lãi suất Giá dầu hướng tới tuần tăng đầu tiên kể từ cuối tháng 11/2024

Giá dầu hướng tới tuần tăng đầu tiên kể từ cuối tháng 11/2024

Giá dầu tăng nhẹ phiên chiều 13/12, hướng đến mức tăng hàng tuần đầu tiên kể từ cuối tháng 11/2024 khi các lệnh trừng phạt bổ sung đối với Iran và Nga khiến thị trường càng thêm lo ngại về nguồn cung.

Giá dầu thế giới tăng hơn 1% do bất ổn địa chính trị gia tăng Giá dầu tăng do kỳ vọng nhu cầu cải thiện tại Trung Quốc