Thị trường thép thế giới rung chuyển

“Giá thép đã giảm ngang giá bắp cải”. Đây là lời than thở được truyền thông địa phương Trung Quốc đưa ra khi giá thép cây tại thị trường này gần đây đã giảm xuống còn tương đương 421,38 USD/tấn.

121054-hai-nha-sa-n-xua-t-the-p-trung-quo-c-sa-p-nha-p-de-vuon-ta-m-the-gio-i.jpg
Thép cuộn tại nhà máy của Ben Gang Group Corporation ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, ngày 18/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tình trạng dư cung của Trung Quốc đang ảnh hưởng đến thị trường thép thế giới. Nhiều nhà máy thép ở Nam Mỹ đã buộc phải ngừng hoạt động trước làn sóng thép xuất khẩu giá rẻ từ quốc gia châu Á này. Thậm chí, thị trường nguyên liệu thô thế giới cũng rung chuyển do giá quặng sắt giảm mạnh.

Theo báo Donga Ilbo ngày 12/9, có những dấu hiệu cho thấy “cú sốc thép Trung Quốc” giai đoạn năm 2015-2016 sẽ tái diễn và trong bối cảnh thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn đang khủng hoảng, rất khó tìm ra giải pháp cho vấn đề này trong ngắn hạn.

* Giá thép Trung Quốc ở mức thấp nhất trong 7 năm

“Giá thép đã giảm ngang giá bắp cải”. Đây là lời than thở được truyền thông địa phương Trung Quốc đưa ra khi giá thép cây tại thị trường này gần đây đã giảm xuống còn 3.000 nhân dân tệ/tấn (421,38 USD/tấn). Nó có nghĩa giá thép đang tương đương với giá bán buôn của bắp cải (khoảng 3 nhân dân tệ/kg).

Giới phân tích cho biết giá thép thành phẩm của Trung Quốc đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2017. So với thời điểm cao nhất hồi tháng 5/2021, giá của kim loại quan trọng này đã giảm một nửa. Riêng trong năm 2024, giá thép đã giảm 25%. Một cuộc khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Trung Quốc MySteel hồi đầu tháng 9/2024 cho biết 99% công ty thép Trung Quốc không có lãi.

Ngành thép tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã suy thoái trong ba năm qua và nguyên nhân là do sự sụp đổ của thị trường bất động sản, bắt đầu từ việc nhà phát triển bất động sản Hengda tuyên bố vỡ nợ vào cuối năm 2021. Nhu cầu về thép thường chỉ phát sinh khi các tòa nhà mới được xây dựng. Giới phân tích dự đoán rằng phải mất vài năm nữa, Trung Quốc mới giải quyết được lượng hàng tồn kho thép khổng lồ hiện nay. Năm 2023, số lượng công trình xây dựng mới khởi công ở Trung Quốc đã giảm một nửa so với năm 2021 và giảm thêm 24% trong nửa đầu năm 2024.

Trong lịch sử, một trong những biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng dư cung trong ngành thép ở Trung Quốc đã được thực hiện và ghi nhận hiệu quả là chính sách kích thích phát triển bất động sản quy mô lớn. Tuy nhiên, hiện nay thị trường bất động sản vẫn nằm ở tâm điểm khủng hoảng, nên trong tương lai gần có thể thấy chưa có giải pháp phù hợp nào để tăng nhu cầu thép tại Trung Quốc.

Quảng cáo

Nhu cầu thép giảm thì nguồn cung sẽ phải giảm nhưng các công ty thép Trung Quốc lại bị động trong việc giảm sản lượng. Sản lượng thép thô của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2024 là 530 triệu tấn, chỉ giảm 1,1% so với cùng kỳ năm 2023. Điều này là do có nhiều nhà máy mới, đã xây dựng từ các năm trước, bắt đầu hoạt động gần đây và dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ, các doanh nghiệp tin rằng tốt nhất nên cố cầm cự cho đến khi đối thủ cạnh tranh đóng cửa.

Thị trường trong nước không thuận lợi khiến các sản phẩm thép tồn kho tích lũy của Trung Quốc đã “vượt đại dương”. Số liệu thống kê cho biết trong thời gian từ tháng 1- 8/2024, Trung Quốc đã xuất khẩu 70,86 triệu tấn thép thành phẩm, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2023. Dự kiến tổng lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc sẽ vượt 100 triệu tấn vào cuối năm nay, lập lại kỷ lục xuất khẩu thép vượt mốc 100 triệu tấn của năm 2016.

Khi thép giá rẻ Trung Quốc được xuất khẩu ra nước ngoài, các quốc gia cảm thấy bị đe dọa đang tích cực thiết lập các hàng rào thuế quan. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng ngay cả biện pháp áp thuế quan mạnh mẽ cũng không đủ để ngăn chặn làn sóng thép giá rẻ Trung Quốc tràn vào thị trường các nước.

* Triển vọng mờ mịt

Giá thép giảm khiến giá quặng sắt cũng giảm bất thường. Giá quặng sắt niêm yết tại Sở giao dịch hàng hóa Singapore ngày 10/9 là 90,62 USD/tấn, giảm hơn 30% tính từ đầu năm nay và là mức thấp nhất trong 22 tháng qua.

Vì sao giá quặng sắt trên các thị trường trong nửa đầu năm nay không thể hiện rõ xu hướng giảm như giá thép? Theo lý giải của các nhà phân tích, điều này là do các khách hàng Trung Quốc trong nỗ lực duy trì hoạt động nhà máy đã tăng đơn đặt hàng quặng sắt. Tuy nhiên, do các nhà máy thép Trung Quốc đã rơi vào tình trạng thua lỗ, lượng quặng sắt tồn kho chất đống tại các cảng ngày càng tăng mạnh.

Chuyên gia Zhang Xiaoda, nhà phân tích tại China Futures Co., Ltd., dự đoán nhu cầu thép toàn cầu không có dấu hiệu cải thiện, nên giá quặng sắt sẽ tiếp tục giảm và ước tính sẽ về ngưỡng 600 nhân dân tệ (khoảng 84 USD)/tấn.

Australia, nước xuất khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới, cũng đang gặp khủng hoảng. Tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Jim Chalmers cho biết giá quặng sắt có thể giảm xuống còn 60 USD/tấn trong dài hạn và điều này gây thiệt hại khoảng 3 tỷ AUD cho ngân sách quốc gia.

Nhận định của ông Hu Wangming, Chủ tịch Tập đoàn Baou - công ty thép lớn nhất thế giới, cũng làm tăng thêm sức nặng cho triển vọng bi quan của thị trường. Ông Hu Wangming cảnh báo “mùa Đông khắc nghiệt” có thể kéo dài hơn, lạnh hơn và khó khăn hơn những gì đang suy đoán.

Theo bnews.vn Sao chép

Cùng chuyên mục Hàng hóa - Nguyên liệu

Giá dầu châu Á giảm nhẹ khi nhà đầu tư chốt lời

Nhà phân tích Tony Sycamore cho biết sau đợt tăng giá 6% vào tuần trước và với việc giá dầu thô đang giao dịch gần mức đỉnh gần đây, thị trường đang chứng kiến một số hoạt động chốt lời nhẹ.

Giá dầu thế giới giằng co trước dự đoán Fed hạ lãi suất Giá dầu hướng tới tuần tăng đầu tiên kể từ cuối tháng 11/2024

Giá dầu hướng tới tuần tăng đầu tiên kể từ cuối tháng 11/2024

Giá dầu tăng nhẹ phiên chiều 13/12, hướng đến mức tăng hàng tuần đầu tiên kể từ cuối tháng 11/2024 khi các lệnh trừng phạt bổ sung đối với Iran và Nga khiến thị trường càng thêm lo ngại về nguồn cung.

Giá dầu thế giới tăng hơn 1% do bất ổn địa chính trị gia tăng Giá dầu tăng do kỳ vọng nhu cầu cải thiện tại Trung Quốc