Thị trường đã có thể an tâm hướng về phía trước?
Tuần tăng điểm vừa qua đã giúp tâm lý nhà đầu tư có sự khởi sắc trên thị trường chứng khoán. Các chuyên gia đã đưa ra những quan điểm đánh giá về triển vọng thị trường sau khi FED có hành động cắt giảm lãi suất mạnh tay.
Thị trường cần giai đoạn tích lũy
Ông Trần Trương Mạnh Hiếu
Dù thị trường có sự tăng trưởng trở lại với 4 phiên tăng liên tiếp, nhưng tín hiệu xác nhận cho sự trở lại của xu hướng tăng vẫn chưa rõ ràng khi khối lượng không có sự gia tăng tương ứng. Bên cạnh đó, khối lượng lại gia tăng trong phiên ngày thứ 6 khi hiện tượng chốt lời xuất hiện. Điều này hàm ý rằng xu hướng hiện tại vẫn khá khó đoán. Để có thể tăng trưởng, thị trường sẽ cần nhịp tích lũy quanh vùng này. Vì thế, tôi tin rằng thị trường sẽ bước vào một giai đoạn tích lũy trước khi có thể tiếp tục đi tiếp trong trung và dài hạn.
Trong tuần qua, sự kiện Fed giảm 0,5% lãi suất trong cuộc họp vừa qua cho thấy nhiều điều. Đầu tiên là việc Fed đã thay đổi chính sách tiền tệ từ thắt chặt sang nới lỏng, điều này hàm ý sắp tới Fed sẽ tiếp tục thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo để hỗ trợ nền kinh tế. Thứ hai, Fed đang “mạnh tay” trong việc hỗ trợ nền kinh tế khi giảm 0,5% lãi suất thay vì 0,25%.
Tác động của chính sách này sẽ theo nhiều hướng, đầu tiên sẽ làm tỷ giá VND/USD hạ nhiệt trong thời gian tới, qua đó làm giảm áp lực lên dòng vốn ngoài ở Việt Nam. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng sẽ có nhiều công cụ hơn để hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam. Điều này sẽ hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt Nam trong dài hạn.
Về nhóm ngành, Ngân hàng và Chứng khoán đang tạo ra những hiệu ứng tích cực. Theo tôi, câu chuyện để 2 nhóm này có thể tạo động lực đi tiếp trong thời gian tới vẫn còn.
Với ngành ngân hàng là việc nền kinh tế trong xu hướng phục hồi nên hoạt động của ngành sẽ trở nên tốt hơn trong thời gian tới. Bên cạnh đó, việc Fed giảm lãi suất làm giảm áp lực lên tỷ giá, qua đó giúp Ngân hàng Nhà nước có nhiều không gian hơn để thực hiện chính sách và hỗ trợ hệ thống ngân hàng hiện tại.
Với ngành chứng khoán là câu chuyện nâng hạng lên thị trường mới nổi loại hai theo FTSE sau khi có thông tin dự thảo giải quyết vấn đề pre-funding đã được ký. Điều này sẽ thúc đẩy thị trường tăng trưởng và dòng vốn ngoại vào Việt Nam.
Xu hướng giảm lãi suất của Fed sẽ có tác động tích cực
Ông Đinh Quang Hinh
Việc Fed cắt giảm 0,5 điểm % lãi suất điều hành giống như “một sự can thiệp trước” của Fed hơn là “một hành động chữa cháy” khi mọi thứ đã quá muộn màng. Cùng với động thái hạ lãi suất, Fed cũng đưa ra những thay đổi khá nhất quan như hạ dự báo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng - về mức 2,3% vào cuối năm nay, từ dự báo 2,6% trước đó, và tiếp tục giảm về 2,1% vào cuối năm 2025.
Về tỷ lệ thất nghiệp, Fed dự báo con số 4,4% vào cuối năm nay, từ dự báo trước đó là 4,0% và cho rằng mức này sẽ duy trì cho tới hết năm 2025. Về tăng trưởng kinh tế, Fed dự báo mức tăng 2,1% trong năm nay và 2% vào năm tới, không thay đổi so với dự báo đưa ra hồi tháng 6. Phản ứng tích cực của thị trường chứng khoán Mỹ sau động thái của Fed cũng củng cố cho kịch bản “hạ cánh mềm” của nền kinh tế Mỹ.
Trong nước, xu hướng giảm lãi suất của Fed sẽ có tác động tích cực tới nền kinh tế và thị trường tài chính-tiền tệ. Việc Fed giảm lãi suất sẽ hỗ trợ nền kinh tế Mỹ và thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, qua đó tác động tích cực tới triển vọng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.
Cần nhấn mạnh rằng Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 30% tổng giá trị nhập khẩu của nước ta. Việc Fed giảm lãi suất cũng khiến DXY suy yếu, giúp hạ nhiệt áp lực tỷ giá và lạm phát, qua đó tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước linh hoạt hơn trong điều hành chính sách tiền tệ, chuyển hướng ưu tiên sang hỗ trợ thanh khoản hệ thống và duy trì môi trường lãi suất thấp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. OMO và mua vào dự trữ ngoại hối để cung tiền đồng ra thị trường nhằm cải thiện tăng trưởng cung tiền, vốn rất chậm kể từ đầu năm nay.
Với những kỳ vọng trên, tôi duy trì quan điểm tích cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung hạn từ nay tới cuối năm. Do đó, tôi duy trì quan điểm tích cực đối với triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn cuối năm và kịch bản VN-Index vượt mốc 1.300 điểm trong năm nay hoàn toàn khả thi nhờ (1) chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng hơn, (2) kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục cải thiện và (3) tiến triển mới trong câu chuyện nâng hạng thị trường.
Do đó những nhịp điều chỉnh nếu có của thị trường trong thời gian tới sẽ là cơ hội tốt để các nhà đầu tư với tầm nhìn dài hạn tích lũy thêm cổ phiếu, ưu tiên những nhóm ngành có câu chuyện tăng trưởng tích cực cuối năm như Ngân hàng, Chứng khoán, Xuất nhập khẩu (dệt may, thủy sản, đồ gỗ) và Bất động sản khu công nghiệp.
Kỳ vọng vốn ngoại bắt đầu quay trở lại
Ông Vũ Duy Khánh
Cá nhân tôi không bất bất ngờ với giao dịch thị trường trong tuần qua vì một số lý do sau.
Thứ nhất, thị trường khi giảm về vùng hỗ trợ quanh 1.240 điểm đã liên tiếp lập kỷ lục thanh khoản thấp trong vòng 1 năm trở lại và các thống kê cho thấy thường sau đó thị trường thường tăng tích cực. Hiệu suất tích cực từ thống kê quá khứ khiến nhà đầu tư tự tin hơn.
Thứ hai, Fed giảm lãi suất không phải là tin bất ngờ nhưng mức giảm 50 điểm cơ bản là đi ngược với nhận định của phần đông giới đầu tư. Mức giảm này đẩy lãi suất FED về mức dưới 5% và theo thống kê quá khứ cũng thường là mức lãi suất có hiệu ứng tốt cho TTCK mới nổi và cận biên trong việc thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp. Tuần rồi khối ngoại mua ròng là tác nhân chính giúp chỉ số tăng điểm tốt.
Thị trường ở bất kỳ vùng giá nào cũng luôn tồn tại hai yếu tố rủi ro và lợi nhuận. Do vậy, tuỳ khẩu vị đầu tư hay đầu cơ và phong cách giao dịch của mình nhà đầu tư thực hiện mua bán và quản trị rủi ro danh mục.
Yếu tố cần chú ý trong ngắn hạn là dấu hiệu suy yếu của thị trường lao động Mỹ hay nhu cầu tiêu dùng của Mỹ suy giảm bất thường trong giai đoạn tới hay không. Những nhân tố ngoại lai này có thể ảnh hưởng tới xuất khẩu của Việt Nam qua đó khiến tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp Việt Nam có thể chậm lại.
Trong trung hạn, rủi ro chính nằm ở việc nền kinh tế Việt Nam có quay trở lại đà tăng trưởng cao với sự phục hồi của đầu tư tư nhân vốn đã suy giảm trong giai đoạn vừa qua hay không ( Đầu tư công và phục hồi xuất khẩu trên 2 con số là động lực giữ đà tăng trưởng của Việt Nam trong 2 năm vừa qua).
Tôi kỳ vọng sau 5 tuần chảy vào thị trường Đông Nam Á dòng vốn ngoại sẽ bắt đầu quay trở lại thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuần giao dịch mới là vùng trũng thông tin vĩ mô ở Việt Nam và cũng không phải là chu kỳ công bố kinh doanh. Do vậy có lẽ các tin tức bên ngoài có chút ảnh hưởng nhẹ tới diễn biến thị trường như PCE của Mỹ...