Định vị thị trường
Các điều kiện tích cực đang hội tụ lại trong những ngày cuối tháng 9. Sự thuận lợi từ khu vực tiếp tục được thể hiện thông qua sắc xanh tại các thị trường lớn nhất châu Á. Thị trường Trung Quốc lại có một phiên tăng điểm mạnh với SZI tăng tới 6,71% trong khi SHMCP tăng gần 3% còn HSI tăng 3,22%. Thị trường Nhật Bản cũng tăng 2,32%.
VN-Index cuối cùng cũng đã có nhịp thử sức thực sự với mốc 1.300 điểm. Chỉ số đã vươn lên mốc này ngay trong phiên sáng 27/9 và dần hạ nhiệt trong phiên chiều để hấp thụ lực bán chốt lời. Dù vậy, đây cũng là lần đầu tiền kể từ tháng 6 năm nay, VN-Index có cơ hội chạm tới mốc 1.300 điểm.
Chất xúc tác
Hoạt động chốt lời dù tiếp tục đan xen trên thị trường do thói quen của nhà đầu tư trước các kháng cự mạnh. Tuy nhiên, thanh khoản là điều có thể tạo ra sự yên tâm khi khớp lệnh của HOSE có phiên thứ 3 liên tiếp ở trên mức bình quân 20 phiên. So với phiên hôm qua, khớp lệnh tiếp tục giảm gần 2%.
Nhà đầu tư nước ngoài sau phiên mua ròng khoảng 1.000 tỷ đồng trên HOSE vẫn tiếp tục giải ngân gần 250 tỷ đồng. Các mã FPT (+103 tỷ đồng), TPB (+96,13 tỷ đồng), VNM (+78 tỷ đồng), SSI (+61 tỷ đồng), CTG (+43,5 tỷ đồng) được mua vào tốt nhất trong khi VPB (-160 tỷ đồng), HPG (-72,5 tỷ đồng), MWG (-68,3 tỷ đồng) là những đối trọng ở chiều ngược lại.
Tỷ trọng giao dịch của khối ngoại chỉ chiếm dưới 9% trong giao dịch 2 chiều cho thấy sự sôi động của thị trường vẫn có đóng góp lớn từ nhà đầu tư nội.
Với việc lãi suất liên ngân hàng được hâm nóng hơn, Ngân hàng Nhà nước đã thường xuyên có những phiên bơm ròng. Phiên hôm qua đã bơm 7.960,2 tỷ đồng ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố là 47.981,58 tỷ đồng, không có tín phiếu lưu hành trên thị trường.
Vận động thị trường
Khẩu vị của dòng tiền có chiều hướng co cụm hơn so với phiên trước. Nhóm Ngân hàng đã xuất hiện 2 cổ phiếu được giao dịch trên 1.000 tỷ đồng là VPB (1.247 tỷ đồng), TPB (1.017 tỷ đồng). Ngoài ra, còn có 4 cổ phiếu Ngân hàng khác là STB (+2,6%), CTG (+1,65%), SHB (+2,33%), MBB (0%) cũng nằm trong Top 10 thanh khoản của sàn.
Tuy nhiên, Ngân hàng vẫn chưa thực sự quyết liệt trong vận động giá. Việc các cổ phiếu Ngân hàng tăng tốt trong phiên sáng đã giúp cho VN-Index chạm ngay mốc 1.300 điểm. Tuy nhiên, khi Ngân hàng hạ nhiệt, chỉ số cũng không thể giữ lại thành quả tăng.
Các mã cổ phiếu lớn khác như VRE (+1%), SAB (+0,7%), SSI (+0,4%), VNM (+0,4%) cũng chưa thực sự sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm thay cho Ngân hàng trong khi VHM (-2,3%), PLX (-1,4%) còn gặp áp lực chốt lời. Do đó, VN-Index đã đảo chiều giảm 0,57 điểm xuống 1.290,02 điểm (-0,04%). Tổng giá trị giao dịch toàn sàn đạt 21.562 tỷ đồng, tương đương 950,8 triệu đơn vị.
Sức hút của Ngân hàng còn khiến cho các cổ phiếu khác trên thị trường khó để bứt phá. Các mã tăng tốt nhất chỉ có thể hài lòng với mức tăng 1-2% như VND (+1%), VTP (+1,55%), KSB (+2,65%), HDC (+1,52%), DPG (+1,06%)…
Số lượng các cổ phiếu giảm giá nhỉnh hơn với 48,41% mã đỏ trong khi có 31,42% mã tăng giá.
Điều này cũng khiến cho HNX và UPCoM chưa có nhiều điểm nhấn ngoại trừ một số mã như MBS (+1,6%), TIG (+3%), HLD (+1,5%), HNG (+6,7%), ABB (+3,8%).
2 chỉ số đóng cửa trái chiều: HNX-Index giảm 0,09% còn UPCoM-Index tăng 0,42%. Tổng giá trị giao dịch của 2 sàn đạt hơn 2.500 tỷ đồng.