Động thái này diễn ra sau khi nước này công bố một loạt các biện pháp nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang gặp khó khăn.
Chốt phiên, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo (Nhật Bản) giảm 0,2% xuống 37.870,26 điểm, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 0,8% lên 19.156,03 điểm và chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 1,2% lên 2.896,31 điểm.
Thị trường chứng khoán Đài Bắc (Trung Quốc) và Bangkok cũng tăng điểm, nhưng các thị trường Sydney, Seoul, Singapore, Wellington, Manila, Mumbai và Jakarta đều giảm.
Việc Trung Quốc chuyển hướng hỗ trợ nền kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nợ kéo dài trong lĩnh vực bất động sản và chi tiêu tiêu dùng yếu đã góp phần tạo nên tâm lý lạc quan trong giới giao dịch sau đợt cắt giảm lãi suất đáng kể của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào tuần trước.
Ngày 25/9 Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương) thông báo ngân hàng đã giảm lãi suất từ 2,3% xuống 2% đối với các khoản vay trung hạn (MLF) kỳ hạn một năm trị giá 300 tỷ NDT (42,66 tỷ USD) cho một số tổ chức tài chính. Trong một thông báo trực tuyến, PBoC cho biết tổng dư nợ các khoản vay MLF hiện là 6.878 tỷ NDT. Trong tháng này đã có một số khoản vay với tổng trị giá 591 tỷ NDT đáo hạn.
Chuyên gia chiến lược thị trường toàn cầu Chaoping Zhu tại JP Morgan Asset Management, cho biết: "Chúng tôi tin rằng những bước đi này đang đúng hướng. Sự cấp bách có thể thuyết phục các nhà đầu tư rằng sẽ có thêm nhiều chính sách hỗ trợ".
Các nhà giao dịch cũng đang chờ đợi Mỹ công bố chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân - thước đo lạm phát ưa thích của Fed - vào thứ Sáu (27/9) với hy vọng có được ý tưởng về động thái lãi suất tiếp theo của ngân hàng.
Tại Việt Nam, đóng cửa phiên 25/9, VN-Index tăng 10,49 điểm (+0,82%), lên 1.287,48 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 992,8 triệu đơn vị, giá trị 22.791,5 tỷ đồng, tăng 21,44% về khối lượng và 27,2% về giá trị so với phiên hôm qua. Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index tăng 1,52 điểm, tương đương mức tăng 0,65%, lên 235,84 điểm.