Định vị thị trường
Sau quyết định tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, các thị trường chứng khoán châu Á hầu hết đều tăng điểm tích cực. NIKKEI 225 (+1,49%), KOSPI (+1,19%), SHCMP (+2,06%) đều tăng trên 1%.
VN-Index nhờ đó cũng được khích lệ để tăng điểm trở lại sau khi đã chịu thử thách ở phiên hôm qua. Chỉ số đã có lúc tăng được hơn 10 điểm trong phiên giao dịch. Tuy nhiên, do vẫn còn những yếu tố tâm lý trái chiều ở các cổ phiếu Thép, Chứng khoán khiến cho chỉ số chưa thể bung hết sức.
Chất xúc tác
Chuỗi phiên mở rộng thanh khoản của HOSE bước sang phiên thứ 4 liên tiếp, đang dần củng cố thêm niềm tin cho nhà đầu tư trên thị trường. So với phiên hôm qua, khớp lệnh của sàn đã tăng thêm 13,8% lên 685 triệu đơn vị và đồng thời trở lại trên mức bình quân 20 phiên.
Nhóm nhà đầu tư nước ngoài có sự đẩy mạnh giao dịch với tỷ trọng trong giao dịch 2 chiều chiếm gần 13%. Nếu như không có các giao dịch thỏa thuận đột biến tại VIC (-906 tỷ đồng), cán cân giao dịch có thể được ngả sang chiều tích cực. Nguyên nhân là bởi nhiều mã Bluechips như VNM (+369 tỷ đồng), MWG (+100,57 tỷ đồng), FPT (+86 tỷ đồng), VPB (+50,37 tỷ đồng), HDB (+36,3 tỷ đồng) đã được giải ngân khá mạnh tay.
Hiện lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn 1 tháng trở lại đang có sự hạ nhiệt sau đợt tăng lên mức 5%. Tại kỳ hạn qua đêm, lãi suất đã giảm xuống 4,47%. Điều này cũng đang thúc đẩy Ngân hàng nhà nước (NHNN) có các phiên hút trở lại. Trong ngày hôm qua, NHNN đã hút ròng 20.249,66 tỷ đồng từ thị trường qua nghiệp vụ thị trường mở. Khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường ở mức 80.050 tỷ đồng, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố ở mức 42.917,91 tỷ.
Vận động thị trường
Việc xuất hiện giao dịch đột biến của khối ngoại tại VIC không làm ảnh hưởng vận động giá của cổ phiếu này khi vẫn tăng 0,2%. Trong khi đó, các cổ phiếu VNM (+5,76%), MWG (+1,27%), FPT (+0,47%), VPB (+2,43%), HDB (+3,95%) lại có sự hưởng lợi từ tiền ngoại
Đáng chú ý nhất là VNM đã chính thức trở lại xu hướng tăng dài hạn và vươn lên vùng đỉnh 9 tháng. Ngoài việc được khối ngoại mua ròng phiên thứ 8 liên tiếp, VNM cũng vừa công bố doanh thu lập kỷ lục trong quý II/2024.
Nhờ đó, VN-Index đã có thời điểm tăng hơn 10 điểm trong phiên giao dịch. Nếu không bị một số cổ phiếu triệt tiêu đà tăng như PLX (-2,5%), HPG (-2,5%), MBB (-0,4%), SSI (-0,5%), thành quả điểm số đã không bị thu hẹp lại.
Với MBB, cổ phiếu cần có thời gian hấp thụ lại lượng cổ phiếu bị "kẹp" ở vùng đỉnh thời đại. Còn HPG vừa nhận thông tin Ủy ban châu Âu điều tra kiện chống bán phá giá với sản phẩm thép cuộn cán nóng không hợp kim hoặc hợp kim nhập khẩu từ Việt Nam.
Các mã cổ phiếu khác trong ngành Thép phản ứng mạnh hơn HPG như SMC (-6,8%), TLH (-6,9%) giảm sàn còn NKG (-3,8%), HSG (-4,8%), VGS (-6%) giảm trên 3%.
Với nhóm Chứng khoán, bất chấp kết quả kinh doanh tích cực, nhiều mã vẫn đang có diễn biến khá xấu. SSI sau đợt bị "đạp thủng" đường xu hướng dài hạn đã mất hết thành quả tăng giá từ đầu năm. Cho đến thời điểm hiện tại, SSI đã giảm hơn 3% so với đầu năm.
Các mã như VIX (+6,6%), VND (+0,3%), ORS (+2,4%) dù có một phiên tăng giá nhưng xét từ đầu năm cũng đang tạo ra những khoản lỗ cho nhiều nhà đầu tư. Tính từ đầu năm VIX đã giảm 17,8%, ORS giảm 0,21% còn VND giảm 20,4%.
Thị trường do đó vẫn còn dang dở trong việc lấy lại niềm tin của nhà đầu tư. Chốt phiên, VN-Index tăng 6,45 điểm lên 1.251,51 điểm (+0,52%). Thanh khoản sàn đạt 748,85 triệu đơn vị, tương đương 17.570 tỷ đồng.
Chỉ số HNX-Index giảm 0,22% xuống 235,36 điểm, khối lượng giao dịch đạt 52,94 triệu đơn vị, tương đương 1.081,7 tỷ đồng.
Chỉ số UPCoM-Index giảm 0,18% xuống 95,07 điểm. Thanh khoản sàn đạt 46,7 triệu đơn vị, tương đương 978,61 tỷ đồng.