Mạng tin Startmag của Italy mới đây đã đăng bài phân tích của ông Paul Doyle, Trưởng bộ phận Vốn hóa lớn châu Âu tại Columbia Threadneedle Investments, đánh giá những thách thức kinh tế của châu Âu, khi Mỹ duy trì đà tăng trưởng kinh tế dù có những rào cản và Trung Quốc nỗ lực kích thích tăng trưởng.
* Kinh tế Mỹ cũng đối mặt với những thách thức
Nhu cầu lao động tại Mỹ tiếp tục chậm lại, với tốc độ tăng trưởng lực lượng lao động giảm xuống 0,4% trong tháng 8/2024 từ mức 1,9% một năm trước đó. Những người mới gia nhập và tái gia nhập thị trường lao động chiếm 40% mức tăng số lao động thất nghiệp. Tỷ lệ tuyển dụng đã giảm xuống 4,6%, từ mức cao nhất vào năm 2022 là 7,4%. Số người làm việc bán thời gian có xu hướng gia tăng.
Khoảng cách thị trường lao động (chênh lệch giữa tỷ lệ việc làm dễ tìm và việc làm khó tìm) ngày càng nới rộng. Khi có ít cơ hội việc làm hơn, các gia đình đã cắt giảm chi tiêu, điều gây tổn hại đến đầu tư và tuyển dụng. Tuy nhiên, khảo sát của Merrill Lynch đối với các nhà đầu tư cho thấy 85% số nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào khả năng "hạ cánh mềm" của nền kinh tế.
Trong khi đó, tình trạng dư thừa tiền tiết kiệm liên quan đến đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy mức tiêu dùng tại Mỹ, nhưng nguồn dự trữ này đã cạn kiệt. Người tiêu dùng Mỹ khó có thể tăng vay mượn vì tỷ lệ quá hạn trả nợ thẻ tín dụng và các khoản vay mua ô tô đã trở lại mức của năm 2010, khi tỷ lệ thất nghiệp gần 10%. Các ngân hàng đã thắt chặt tiêu chuẩn cho vay và giá nhà tăng 22% so với trước đại dịch COVID-19. Số đơn đăng ký vay thế chấp đang ở mức thấp chưa từng có.
Các ngân hàng đã trở nên chọn lọc hơn trong việc cho vay. Khảo sát của Conference Board cho thấy điều này đang ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng. Lãi suất vay thế chấp kỳ hạn 30 năm của Mỹ cao hơn mức trung bình, khi hơn 30% các khoản vay thế chấp tại Mỹ đã được tái cấp vốn với lãi suất thấp vào năm 2020. Với kỳ hạn của các khoản thế chấp này, lãi suất tại Mỹ sẽ phải giảm đáng kể để có thể có thể trở thành một biện pháp kích thích.
Số lượng nhà ở mới xây dựng giảm 1,9% trong tháng qua và giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mối lo ngại của người lao động trong ngành xây dựng. Triển vọng của ngành xây dựng đang bấp bênh, với giá nhà giảm 8,9% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Trong khi đó, chi tiêu của chính phủ tăng 14,4% trong năm 2024, sau khi tăng 7,2% trong năm 2023 và dự kiến sẽ giảm 6,2% vào năm 2025. Thâm hụt ngân sách của chính phủ liên bang là 7% GDP.
Đối với thị trường chứng khoán, kỳ vọng tăng trưởng thu nhập trên cổ phiếu của các công ty trong chỉ số S&P 500 trong 12 tháng tới là gần 14%, cao hơn so với tỷ suất lợi nhuận vào thời kỳ đỉnh cao vào năm 2000.
* Kinh tế Trung Quốc cần tăng cường kích thích
Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ. Nhiều người hy vọng rằng những nỗ lực mới đây của Trung Quốc trong việc tăng chi tiêu công có thể phục hồi tăng trưởng.
Đợt tăng chi tiêu năm 2015 đã chứng kiến thị trường chứng khoán Trung Quốc tăng gấp đôi giá trị trong 6 tháng. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, mức tăng phát hành tín dụng của Trung Quốc đạt đỉnh 13.500 tỷ nhân dân tệ (NDT), tương đương 15% GDP. Do GDP danh nghĩa của Trung Quốc đã tăng gấp đôi, nước này sẽ cần 27.000 tỷ NDT để theo kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhưng đợt thúc đẩy tín dụng mới nhất thậm chí không đến 5.000 tỷ NDT.
Các biện pháp kích thích trở nên ngày càng nhỏ so với quy mô nền kinh tế Trung Quốc. Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, quy mô tín dụng của Trung Quốc đã đạt đỉnh 25% GDP, sau đó giảm xuống 15% vào năm 2015, ổn định ở mức 10% trong thời kỳ đại dịch COVID-19 và hiện ở mức 3%. Khi đà tăng trưởng tín dụng yếu đi, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cũng yếu dần.
Giải pháp để Trung Quốc khắc phục tình trạng giảm phát hiện nay có thể là khuyến khích người dân giảm tiết kiệm và chi tiêu nhiều hơn, khi tỷ lệ tiết kiệm của nước này cao nhất trong số các nền kinh tế lớn. Việc tiết kiệm và không chi tiêu gây ra giảm phát và tăng thặng dư thương mại khi Trung Quốc chuyển hàng hóa sản xuất sang phần còn lại của thế giới.
* Kinh tế châu Âu cần cải cách
PMI tổng hợp nhanh của Khu vực sử dụng đồng euro đã giảm xuống 48,9 trong tháng 9/2024, thấp hơn 1,7 điểm so với dự kiến. Lĩnh vực dịch vụ vẫn nằm trong phạm vi tăng trưởng, nhưng PMI chỉ ở mức 50,5, mức thấp nhất trong 7 tháng. PMI trong lĩnh vực sản xuất giảm xuống 44,8, trong khi ở Đức chỉ số này là 40,3. Mô hình của Đức là bán tư liệu sản xuất cho Trung Quốc, sử dụng năng lượng giá rẻ từ Nga không còn hiệu quả. Do tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong Liên minh châu Âu, tiền lương tại Đức ngày càng kém cạnh tranh.
Chỉ số việc làm trong PMI của lĩnh vực dịch vụ giảm, điều không có lợi cho tiêu dùng khi doanh số bán lẻ đang chậm lại và niềm tin của người tiêu dùng đang giảm sút. Khi số việc làm tiếp tục giảm, tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên, khiến chi tiêu bị thu hẹp hơn nữa.
Trong khi đó, lạm phát ở châu Âu lần đầu tiên ở dưới mức mục tiêu trong 3 năm, với lạm phát cơ bản giảm xuống 2,7%. Vì vậy, ngay cả khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cắt giảm lãi suất như mong đợi, điều này có thể không đủ để ngăn chặn suy thoái kinh tế.
Khi kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng tốt so với châu Âu và phần còn lại của thế giới, châu Âu nhạy cảm với Trung Quốc hơn là với Mỹ. Nếu Trung Quốc có thể kích hoạt lạm phát, lợi suất trái phiếu của Trung Quốc và hiệu suất vốn cổ phần của châu Âu so với Mỹ sẽ mạnh hơn, và đồng euro cũng vậy.
Về lâu dài, những thách thức như được nêu rõ trong báo cáo của cựu Thủ tướng Italy Mario Draghi về khả năng cạnh tranh của khu vực vẫn tồn tại ở châu Âu. Những khuyến nghị của ông dành cho châu Âu như ít quy định hơn, thị trường hội nhập hơn, chính sách công nghiệp gắn kết, liên minh ngân hàng và thị trường vốn, và chi tiêu cho giáo dục là hoàn toàn có giá trị, nhưng không dễ thực hiện.
Việc thiếu liên minh ngân hàng có nghĩa là chỉ có Đức mới có thể vay bằng các công cụ không rủi ro, khi tất cả các quốc gia khác đều phải trả phí. Châu Âu sẽ phải mất một thời gian trước khi những trở ngại này có thể được khắc phục thông qua cải cách hệ thống. Do đó, châu Âu phải đối mặt với những khó khăn, nhưng không phải là không thể vượt qua trong tương lai.