Theo tờ SCMP, dù Tết Nguyên Đán đã kết thúc từ lâu nhưng các tài xế lái xe tải chở hàng tại Thâm Quyến vẫn chưa có việc làm trở lại. Trên quãng đường cao tốc đến Cảng quốc tế Yantian International Container Terminal, rất nhiều xe tải không có container nằm chờ bên vệ đường vì không có việc. Dòng xe xếp hàng chờ này kéo dài đến cả cây số.
“Đây mới chỉ là một phần nhỏ của cánh xe tải chở hàng thôi, số còn lại phải qua đỗ ở Dongguan hết rồi”, tài xế tên Huang nói về việc các đồng nghiệp đã phải lái xe về Dongguan-tỉnh Guangdong cách 1 tiếng lái xe để đỗ.
Trả lời SCMP, tài xế Huang cho biết mình là người may mắn khi mới dỡ container tại cảng vào cuối tuần trước, nghĩa là ít nhất còn có việc làm. Theo Huang, cảng Yantian có hơn 15.000 tài xế lái xe tải nhưng hiện nay chỉ có khoảng 2.000 người là có việc để làm.
“Thị trường xuất khẩu năm nay là tệ nhất từ trước đến nay. Rất nhiều chủ nhà máy nói rằng thiết bị điện tử, sản phẩm của họ không thể xuất khẩu được do không có đơn hàng từ nước ngoài, trong khi nhiều nhà máy đang dịch chuyển sang Đông Nam Á”, anh Huang ngậm ngùi.
Xe tải chở container xếp hàng dài chờ đợi vì không có đơn hàng
Với việc Trung Quốc đang cố gắng hồi phục lại nền kinh tế sau 3 năm liên tiếp cách ly vì dịch COVID-19 là một tin tốt với ngành xuất khẩu. Thế nhưng nhu cầu giảm, xung đột thương mại đã khiến chuỗi cung ứng của ngành này tại Trung Quốc vấp phải khó khăn.
Đối với các tài xế lái xe tải ở Yantian, tình hình hiện nay hoàn toàn trái ngược với 2 năm trước. Vào năm 2021, việc một container trống là điều rất hiếm khi xảy ra do giao thương đông đúc và luôn có các đơn hàng cần xuất khẩu. Thế nhưng giờ đây các tài xế chỉ đơn giản ngồi tụ tập với nhau tại cảng để trò chuyện giết thời gian.
“Những năm trước thì việc tìm một container trống là điều rất khó, nhưng giờ đây số container trống đã xếp thành dãy cao 7 tầng. Chúng được tích lại tại đây kể từ nửa cuối năm 2022. Thậm chí giờ đây không còn chỗ cho container trống nữa vì 7 tầng đã là giới hạn của cảng”, một tài xế tên Xu nói với SCMP.
Vào tháng 11/2022, các quan chức của cảng Yantian cho biết lượng container trống của họ đã lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2020 và chẳng mấy chốc sẽ đạt mức kỷ lục trong suốt 29 năm hoạt động của cảng này.
Không có việc làm
Nhiều container trống có nghĩa là không có hàng xuất khẩu và cũng chẳng có việc cho cánh tài xế hay chuỗi cung ứng tại cảng Yantian.
“Chúng tôi chẳng có việc làm. Một số bãi chứa container thậm chí đã phải đóng cửa”, một quản lý xin được giấu tên của một bãi chứa container gần cảng Yantian thừa nhận.
CEO Christian Roeloffs của Container xChange, nền tảng trực tuyến hàng đầu về logistic container nhận định số container trống là thước đo quan trọng với tình hình kinh tế thương mại và rõ ràng thế giới đang ở giai đoạn không được sáng sủa cho lắm.
“Việc số container trống ngày càng tăng, giá thuê container liên tục giảm ở nhiều nơi trên thế giới cho thấy nhu cầu nhập khẩu giảm, tăng trưởng kinh tế giảm tốc”, ông Roeloffs nhận định.
Hiện giá thuê container tại hàng loạt các cảng biển Châu Á như Ningbo, Shanghai hay Singapore đã giảm mạnh trong năm vừa qua khiến nhiều chuyên gia lo lắng cho tương lai.
Báo cáo của hãng tư vấn Drewry cho thấy giá một container 12m vào tháng 12/2022 thấp hơn tới 45% so với cùng kỳ năm 2021. Ước tính cho thấy mức giá này sẽ còn tiếp tục đi xuống trong 6-9 tháng đầu năm 2023 trước khi có thể hồi phục.
Chồng container rỗng xếp thành núi tại cảng Yantian
Trong khi đó, chỉ số Freightos Baltic Index thì cho thấy mức giá vận tải một container 12m từ Châu Á đến bờ Tây Mỹ vào tuần qua là khoảng 1.295 USD, thấp hơn 92% so với cùng kỳ năm trước. Nếu vận tải container này qua bờ đông nước Mỹ thì giá cũng giảm 86% so với cùng kỳ năm trước, còn đến Bắc Âu thì giảm 80%.
Báo cáo mới nhất của Hiệp hội bán lẻ liên bang Mỹ (NRF) ước tính nhập khẩu bằng đường biển của nền kinh tế này trong tháng 2/2023 sẽ giảm 12% so với tháng 1 và thấp hơn 26% so với cùng kỳ năm trước.
“Việc vẫn còn nhiều hàng tồn kho, lạm phát chưa thực sự giảm hoàn toàn, tâm lý tích trữ của người dân vẫn còn cao đều đang ảnh hưởng đến thị trường xuất nhập khẩu”, báo cáo của Freightos nêu rõ.
Tháng 12/2022, Trung Quốc ghi nhận mức xuất khẩu giảm mạnh nhất, 9,9% so với cùng kỳ năm trước, kể từ khi đại dịch bùng phát tại Vũ Hán vào năm 2020. Đồng thời đây cũng là tháng suy giảm xuất khẩu thứ 3 liên tiếp.