Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước đã tăng thêm gần 81.000 tài khoản trong tháng 1/2025, giảm mạnh so với tháng cuối năm ngoái. Số lượng tài khoản chứng khoán tăng thêm ghi nhận mức thấp nhất kể từ tháng 12/2023 chủ yếu do ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài.
Tài khoản mở mới trong tháng đầu năm chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân, trong khi tổ chức chỉ có thêm 52 tài khoản. Tính đến cuối tháng 1, nhà đầu tư cá nhân trong nước có tổng cộng hơn 9,3 triệu tài khoản, tương đương khoảng 9% dân số, hoàn thành mục tiêu trước thời hạn 2025 và đang hướng đến 11 triệu tài khoản vào năm 2030.
Tuy nhiên, con số này chưa thực sự phản ánh chính xác tỷ lệ người dân tham gia vào chứng khoán, bởi một nhà đầu tư có thể có nhiều tài khoản tại nhiều công ty chứng khoán.
Tài khoản chứng khoán giảm mạnh trong bối cảnh thanh khoản thị trường ảm đạm. Giá trị khớp lệnh trên HoSE trong tháng 1 chỉ đạt xấp xỉ 9.500 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 22 tháng, kể từ tháng 3/2023. Thanh khoản ảm đạm, VN-Index gần như đi ngang và kết thúc tháng 1 ở mức 1.265 điểm.
Trong khi dòng tiền nội suy yếu, khối ngoại vẫn duy trì hoạt động bán ròng trên HoSE với tổng giá trị tính đến hiện tại lên đến hơn 10.000 tỷ đồng. Trước đó, khối ngoại bán ròng kỷ lục hơn 90.000 tỷ đồng trên HoSE trong năm 2024.
Dù bán ròng nhưng số lượng tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vẫn tiếp tục tăng qua từng tháng.
Cụ thể, số lượng tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài đã tăng 160 tài khoản trong tháng 1, thấp hơn so với tháng trước. Cá nhân tăng 110 tài khoản, trong khi tổ chức tăng 50 tài khoản. Điểm tích cực là số lượng tài khoản của tổ chức đang có dấu hiệu tăng nhanh hơn so với giai đoạn trước. Tính đến cuối tháng 1, tổng số tài khoản nhà đầu tư nước ngoài hiện đạt 47.940 tài khoản.
Trong bối cảnh VN-Index giao dịch quanh mốc 1.200 điểm, trả lời câu hỏi liệu thị trường đã tạo đáy hay chưa, ông Đào Hồng Dương, Giám đốc phân tích Ngành và cổ phiếu, Công ty CP Chứng khoán VPBank (VPBankS) từng cho biết, nếu nhìn về yếu tố vĩ mô và cơ bản, chúng ta không phải đối mặt với nhiều lo ngại.
Từ lâu, VN-Index đã dao động trong khoảng 1.220 điểm đến 1.300 điểm, với đáy sau cao hơn một chút so với đáy trước. “Nếu thấy rằng thanh khoản có thể thấp ở cuối kênh dao động của VN-Index và không có thông tin mang tính chất tiêu cực, đáng lo ngại thì về mặt logic, nhà đầu tư có thể giải ngân một phần ở vùng giá chạm đáy kênh dưới. Hiện tại, biến động VN-Index có tăng nhẹ, nhưng vẫn đang sát đáy kênh dưới, chưa thể chạm lên vùng giữa kênh”, ông Dương nói.
“Chúng tôi dự báo một số ngành nghề sẽ dẫn dắt sự phục hồi của VN-Index, trong đó phải kể đến ngân hàng, tài nguyên cơ bản, thực phẩm đồ uống, bán lẻ, hàng cá nhân và gia dụng, hóa chất…”, ông Dương nói thêm.
Nhận định về thị trường chứng khoán năm 2025, một số công ty chứng khoán cũng đưa ra dự báo tương đối lạc quan.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo VN-Index có thể kết thúc năm 2025 ở mức 1.486 điểm trong kịch bản cơ sở với P/E mục tiêu 13,8 lần. Điều này diễn ra trong bối cảnh lãi suất toàn cầu được kỳ vọng tiếp tục giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn ngoại quay trở lại thị trường cận biên và mới nổi. Triển vọng nâng hạng thị trường theo FTSE và cải cách theo MSCI cũng giúp tăng sức hấp dẫn với nhà đầu tư quốc tế.
Bên cạnh đó, VDSC cho rằng doanh thu và lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục tăng, EPS VN-Index dự báo tăng 12,2% và việc dòng tiền nội địa tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt với tỷ trọng giao dịch duy trì trên 90% sẽ là những yếu tố hỗ trợ cho thị trường chứng khoán trong năm 2025.
Tương tự, Chứng khoán VCBS nhận định, nhờ xu hướng nới lỏng tiền tệ thế giới, dư địa nới lỏng tài khoá trong nước tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng và động thái quyết liệt từ Chính phủ trong việc cải cách khuôn khổ pháp lý sẽ tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư.
Thêm vào đó, vĩ mô Việt Nam đã và đang dần cho thấy bước chuyển mình mạnh mẽ trong nỗ lực tăng trưởng kinh tế khi GDP năm 2024 đứng đầu khu vực ASEAN, đem đến kỳ vọng lớn cho năm 2025. Cùng với đó là triển vọng nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi khi Việt Nam đã hoàn thành 7/9 tiêu chí nâng hạng của FTSE.
VCBS dự báo lợi nhuận toàn thị trường tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025, ở mức 12%, với động lực từ ngân hàng và bất động sản. Với kịch bản cơ sở, chỉ số VN-Index được dự báo có thể đạt 1.555 điểm với P/E của VN-Index đạt 14,6x và EPS thị trường +12%. Với kịch bản khả quan, chỉ số có thể đạt 1.663 điểm với kỳ vọng nâng hạng thị trường.