Tiền tệ cũng có thể mang tới những bất ngờ. Do giá trị đồng yen liên tục giảm sút, nền kinh tế Nhật Bản (tính theo đồng USD) trở nên suy yếu, trong khi nền kinh tế Đức (cũng tính theo đồng USD) cũng ở mức trì trệ.
Nhưng chính đồng yen là nhân tố đưa Đức trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới dưới sự lãnh đạo của liên minh gồm đảng Dân chủ xã hội SPD, đảng Xanh và đảng Dân chủ tự do FDP. Điều này không phải do sức mạnh lãnh đạo của liên minh chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz, mà là do sự yếu kém của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trước đó là Nhật Bản.
Người Nhật đã nhận thức được việc đồng nội tệ bị mất giá là điều không thể xem nhẹ. Quốc đảo này phải nhập khẩu nhiều hàng hóa và nguyên liệu thô, trong đó hầu hết được định giá bằng đồng USD, khiến nhiều mặt hàng trong nước trở nên đắt đỏ hơn. Với các nhà đầu tư, sự trượt giá của đồng yen đã trở thành vấn đề.
Kể từ đầu năm ngoái, đồng tiền này đã mất gần 1/5 giá trị so với đồng USD và trong tuần này, gần 160 yen mới đổi được một "đồng bạc xanh" trên thị trường ngoại hối. Trong khi ba năm trước đó, con số này là 110 yen/USD. Nhiều nhà quan sát cho rằng đây là "ngưỡng đau đớn" của đồng tiền Nhật Bản.
Trên thị trường vốn, Nhật Bản thực sự được coi là quốc gia được yêu thích nhất trong năm. Quốc đảo này được hưởng lợi lớn từ sự cạnh tranh gay gắt giữa Trung Quốc và phương Tây. Trong thời đại trí tuệ nhân tạo (AI), sự yêu thích công nghệ của người Nhật cũng sẽ mang lại lợi ích lớn cho Sở giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE). Nhưng các sàn giao dịch chứng khoán Nhật Bản mới chỉ giành được một phần lợi ích này.
Chỉ số chứng khoán chủ chốt của Nhật Bản, chỉ số Nikkei-225, hiện cao hơn khoảng 16% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, các nhà đầu tư Nhật Bản đang thấy lợi nhuận của họ giảm đáng kể, do hiệu ứng của sự giảm giá của đồng yen. Các cổ phiếu tiêu chuẩn của Nhật Bản tạo ra ít lợi nhuận hơn so với các cổ phiếu “blue-chip” của Đức.
Sự yếu kém của đồng tiền Nhật Bản không phải không mang tới rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu. Trong quá khứ, sự sụt giảm mạnh của đồng yen thường kéo theo những phản ứng mạnh mẽ, khiến hệ thống toàn cầu rơi vào tình trạng căng thẳng. Rất nhiều điều phụ thuộc vào diễn biến lãi suất ở Mỹ và Nhật Bản. Hiện tại, đồng yen đang bị ảnh hưởng chủ yếu do lãi suất trên thị trường vốn Nhật Bản rất thấp.
Giáo sư kinh tế Gunther Schnabl tại Đại học Leipzig (Đức), cho biết, từ năm 2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất nhiều lần, trong khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) lựa chọn giữ nguyên lãi suất âm kéo dài hơn hai thập kỷ và chỉ mới nâng lên mức 0-0,1% trong những tháng gần đây. Để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn, các nhà đầu tư sẽ đổi đồng yen lấy đồng USD và các loại tiền tệ khác có lợi suất cao hơn. Áp lực bán ra làm tỷ giá đồng yen giảm mạnh.
Theo Giáo sư Schnabl, các "giao dịch trao đổi tiền tệ" này gần đây đã tăng trở lại do Fed đã hạ thấp kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất. Đồng thời, Ngân hàng trung ương Nhật Bản dường như ngày càng không có khả năng hành động.
Khoảng cách lãi suất giữa Mỹ và Nhật Bản vẫn còn rất lớn. Trong khi trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm hiện thu hút nhiều nhà đầu tư với lợi suất 4,3% mỗi năm, thì trái phiếu Nhật Bản chỉ có lợi suất dưới 1%. Hơn thế, trong nhiều năm, Nhật Bản duy trì mức lãi suất dưới 0. Giáo sư Schnabl cho biết mức lãi suất thấp có thể được giải thích là do động lực tăng trưởng yếu kéo dài.
Theo cách này, đồng tiền nội tệ yếu có thể là do nền kinh tế yếu. Khi dân số của đất nước ngày càng già đi, tiềm năng lực lượng lao động của Nhật Bản suy giảm nhanh chóng. Dân số trong độ tuổi lao động hiện đã giảm xuống bằng mức năm 1973.
Nhưng dù BoJ đang cố gắng chống lại tốc độ phá giá mạnh của đồng tiền nội tệ, họ vẫn giữ mục tiêu dài hạn là thúc đẩy xuất khẩu thông qua tỷ giá đồng yen thuận lợi và qua đó hỗ trợ nền kinh tế trong nước.
Thực tế cho thấy chiến lược này không phải là hoàn toàn thất bại. Sau nhiều thập kỷ khó khăn, các công ty Nhật Bản đã trở nên năng động hơn nhiều so với những năm 1990 hoặc những năm đầu của cuộc khủng hoảng tài chính. Chuyên gia Mirko Hajek từ công ty quản lý Rheinische Portfolio Management, cho biết nhiều doanh nghiệp Nhật Bản ngày nay có bảng cân đối kế toán mạnh, lợi nhuận kỳ vọng và lợi nhuận thực tế đều tăng lên đáng kể so với giai đoạn trước.
Việc đưa Nhật Bản vào danh mục đầu tư chắc chắn là hợp lý. Chuyên gia đầu tư Mỹ Warren Buffett cũng có quan điểm tương tự. Những năm qua vị tỷ phú này đã thực hiện nhiều vụ mua bán lớn tại Nhật Bản.