Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP quý 2 của Việt Nam sẽ chậm lại, tăng 1,5% so với cùng kỳ (so với mức 3,3% trong quý 1).
Kết quả này có thể sẽ ảnh hưởng tới dự báo tăng trưởng 6,5% cho năm 2023 được ngân hàng đưa trước đó; tuy nhiên tăng trưởng GDP được dự báo sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay.
Theo Standard Chartered, dữ liệu vĩ mô tháng 6/2023 có thể sẽ tiếp tục cải thiện nhẹ so với tháng 5/2023 nhưng vẫn tương đối yếu do hoạt động thương mại tiếp tục suy giảm dẫn đến hoạt động sản xuất và kinh tế chậm lại. Vấn đề mất điện gần đây đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế. Xuất khẩu được dự đoán sẽ giảm 5,2% so với cùng kỳ trong tháng 6, nhập khẩu giảm 17,0% và tăng trưởng sản xuất công nghiệp tăng lên 1,2%.
Thặng dư thương mại có khả năng tăng lên 4,1 tỷ USD từ 2,2 tỷ USD trong tháng Năm. Lạm phát có thể tiếp tục giảm xuống 2,2% so với cùng kỳ; Ngân hàng nhận thấy doanh số bán lẻ vẫn tăng trưởng mạnh ở mức 12,2% so với cùng kỳ. Vốn FDI giải ngân trong 5 tháng đầu năm 2023 giảm 0,8% so với cùng kỳ xuống 7,6 tỷ đô la Mỹ; Vốn FDI cam kết giảm 7,3% xuống 10,9 tỷ USD.
Ngân hàng Standard Chartered dự báo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ cắt giảm lãi suất tái cấp vốn chuẩn thêm 50 điểm cơ bản xuống còn 4,0% trong quý 3/2023 (bằng mức lãi suất trong những năm xảy ra đại dịch) và sẽ giữ nguyên cho đến cuối năm 2025. Vào ngày 16/6/2023, NHNN đã cắt giảm lãi suất từ 5,0% xuống 4,5% sau hai lần cắt giảm 50 điểm cơ bản trước đó, vào tháng 3 và tháng 5/2023.
Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế tại Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered chia sẻ: “Chúng tôi cho rằng NHNN hiện đang tập trung nhiều hơn vào tăng trưởng khi áp lực giá cả trong nền kinh tế giảm bớt. Mặc dù NHNN đang đảo ngược chính sách thắt chặt tiền tệ được thực hiện vào năm ngoái, những đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo sẽ không vượt quá 50 điểm cơ bản do những lo ngại về rủi ro lạm phát và bất ổn tài chính vẫn còn hiện hữu”.
Mới đây, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cũng đưa ra những quan điểm riêng về lạm phát và lãi suất cơ bản tiền đồng tại Việt Nam. Theo Fitch Ratings, nếu nhìn vào các con số lạm phát, có thể thấy lạm phát tại Việt Nam đã bắt đầu giảm từ mức đỉnh. Các con số lạm phát công bố đang cho thấy xu thế sụt giảm. Chính vì vậy, Fitch Ratings tin rằng Việt Nam đã vượt qua giai đoạn lạm phát cao. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế cũng sẽ chững lại khi Fitch Ratings tính toán về những dự báo tăng trưởng.
Tính toán về tăng trưởng kinh tế toàn cầu của Fitch Ratings được dựa trên dự báo giá hàng hóa toàn cầu sụt giảm. Xét đến tất cả những yếu tố này, chúng tôi tin lạm phát tại Việt Nam sẽ giảm dần trong giai đoạn còn lại của năm và nhiều khả năng sẽ dưới ngưỡng mục tiêu 4,5% của chính phủ trong năm 2023. Nhìn chung, lạm phát trong khoảng thời gian còn lại của năm sẽ không thách thức như thời điểm đầu năm.
Fitch Ratings tin rằng SBV sẽ vẫn tiếp tục quan điểm chính sách tiền tệ mềm mỏng. Mục tiêu chính của SBV là hỗ trợ cho nền kinh tế và cân nhắc đến việc lạm phát đã giảm, Việt Nam còn dư địa điều chỉnh chính sách tiền tệ.
Fitch Ratings tin SBV sẽ vẫn ưu tiên hỗ trợ cho nền kinh tế và duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Quan điểm này sẽ không ảnh hưởng đến xếp hạng tín nhiệm mà Fitch Ratings dành cho Việt Nam và Fitch Ratings vẫn duy trì quan điểm triển vọng tích cực với xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam.
Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 6/2023, World Bank cho biết bất chấp những đợt cắt giảm lãi suất của NHNN, tăng trưởng tín dụng vẫn tiếp tục giảm từ 9,2% (so cùng kỳ) trong tháng 4 năm 2023 xuống 9% (so với cùng kỳ) trong tháng 5, mức thấp nhất trong những năm gần đây. Điều này phản ánh nhu cầu tín dụng yếu do các hoạt động sản xuất và xuất khẩu tiếp tục suy yếu và nhu cầu vốn giảm từ thị trường bất động sản và chứng khoán.
Theo World Bank tăng trưởng yếu hơn trong gia nhập kinh doanh ròng (giảm 9,5% so với cùng kỳ) cũng như vốn bình quân trên mỗi công ty mới thành lập thấp hơn (giảm 8,6% so với cùng kỳ) cũng có thể là nguyên nhân khiến nhu cầu tín dụng yếu đi.
Trong khi tiêu dùng trong nước (thể hiện qua doanh thu bán lẻ) vẫn khá vững và có thể so sánh với mức tăng trước đại dịch, tăng trưởng tín dụng tiếp tục chậm lại, phản ánh nhu cầu tín dụng yếu.
Trường hợp điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn, nhu cầu bên ngoài có thể suy yếu hơn nữa. Miền Bắc Việt Nam bắt đầu bị thiếu điện tiêu dùng và sản xuất vào cuối tháng 5, nếu không được giải quyết kịp thời có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Báo cáo của World Bank cũng nêu, khi lạm phát có dấu hiệu giảm dần, NHNN đã nới lỏng các chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, World Bank khuyến nghị cơ quan điều hành chính sách tiền tệ sẽ cần theo dõi chặt chẽ sự khác biệt trong xu hướng điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam so với các nước khác, điều mà có thể tạo ra áp lực lên dòng vốn và tỷ giá.