Đóng cửa phiên giao dịch, giá vàng giao ngay hạ 0,6% xuống 2.009,07USD/ounce, trong khi đó giá vàng giao hợp đồng tương lai tháng 6/2023 trên thị trường Mỹ hạ 0,5% xuống 2.026,40USD/ounce.
Giá vàng đã tăng hơn 2% trong tuần này, vượt ngưỡng 2.000USD/ounce khi mà giá dầu tăng sau cú sốc giảm sản lượng của nhóm các nước xuất khẩu dầu mỏ và liên minh (OPEC+), cùng lúc đó, số liệu cho thấy ngành dịch vụ tại Mỹ tăng trưởng kém hơn kỳ vọng cũng như số lượng việc làm mới giảm đi.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hiện đang gặp khó về điều hành chính sách tiền tệ bởi nếu lãi suất cao hơn sẽ có thể khiến cho kinh tế Mỹ suy thoái, tuy nhiên việc hãm đà điều chỉnh của chính sách tiền tệ sẽ có thể đẩy cao lạm phát, tuy nhiên dù kịch bản nào cũng đều tích cực cho giá vàng, theo nhận định của trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại Sprott – ông Paul Wong.
Yếu tố khác hỗ trợ cho giá vàng trong tuần này chính là việc đồng USD giảm giá, chỉ số đồng USD giao dịch ở ngưỡng thấp nhất trong 2 tháng, cùng lúc đó lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ lên ngưỡng cao nhất trong 7 tháng.
Vàng vốn được coi như công cụ ngừa lạm phát, lãi suất thấp làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng.
Chủ tịch Fed tại St. Louis, ông James Bullard, khẳng định Fed cần duy trì việc nâng lãi suất để kiềm chế lạm phát trong khi thị trường lao động vẫn đang vững vàng.
Tuy nhiên, trưởng bộ phận phân tích thị trường tại OANDA, ông Craig Erlam, khẳng định việc có thêm dữ liệu cho thấy việc cần thiết phải hạ lãi suất có thể giúp vàng duy trì trên ngưỡng 2.000USD/ounce.
Nhà đầu tư hiện đang chờ đợi báo cáo thị trường việc làm Mỹ dự kiến công bố ngày thứ Sáu tuần này để có thể dự báo được hướng điều chỉnh lãi suất trong thời gian tới.
Cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng tồi tệ nhất tính từ năm 2008 đã khiến cho nhu cầu đối với tài sản an toàn như vàng tăng lên, ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá vàng sẽ ở trên ngưỡng 2.000USD/ounce trong vòng 12 tháng tới.
Trong nghiên cứu mới nhất về vàng, chuyên gia phân tích thị trường hàng hóa tại Goldman Sachs đã nâng dự báo giá vàng thời hạn sau 12 tháng lên ngưỡng 2.050USD/ounce, cao hơn so với ngưỡng mục tiêu 1 năm trước đây được họ tính toán ở mức 1.950USD/ounce. Cùng lúc đó ngân hàng đầu tư này cũng tái khẳng định dự báo lạc quan với lĩnh vực hàng hóa, Goldman Sachs tin giá hàng hóa nhìn chung có thể tăng đến 28%.
Dự báo lạc quan về giá vàng của Goldman Sachs được đưa ra khi mà thị trường vàng đang chứng kiến làn sóng chốt lời mạnh dần sau khi giá vàng chạm ngưỡng 2.000USD/ounce. Giá vàng giao hợp đồng tương lai tháng 4/2023 giao dịch gần nhất ở ngưỡng 1.980,2USD/ounce, gần như không thay đổi so với tuần liền trước.
Nếu không tính đến hoạt động bán kỹ thuật trong thời gian gần đây, các chuyên gia phân tích nhấn mạnh vàng vẫn là tài sản an toàn nhất để phòng ngừa các rủi ro tài chính. Đồng thời họ cũng khẳng định việc Fed kết thúc chu kỳ siết chặt chính sách tiền tệ dẫn đến đồng USD yếu sẽ vẫn tạo ra những yếu tố hỗ trợ cho giá vàng.
Goldman Sachs nhận định nhà đầu tư sẽ lại rót tiền vào các sản phẩm quỹ hoán đổi danh mục (ETF) đảm bảo bằng vàng trong thời gian tới.
“Chúng tôi tin rằng thị trường sẽ vẫn được hỗ trợ tốt không phải chỉ bởi dòng tiền vào các quỹ ETF mà một khi lãi suất của Fed lập đỉnh mà còn bởi hiệu ứng tài sản từ nhiều nhà đầu tư châu Á”, chuyên gia ngân hàng Goldman Sachs khẳng định.
Tính từ khi cuộc khủng hoảng ngân hàng bắt đầu từ hai tuần trước đây với vụ sụp đổ của hai ngân hàng khu vực lớn tại Mỹ, ước tính khoảng 24 tấn vàng đã vào các quỹ ETF, SPDR Gold Shares.
Còn theo dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các quỹ ETFs vàng toàn cầu đã đón nhận hơn 18 tấn vàng chỉ trong vài ngày khi cuộc khủng hoảng ngân hàng bắt đầu. Xu thế này đã đảo ngược làn sóng rút vàng khỏi quỹ ETF kéo dài suốt 10 tuần trước đó.