Sản xuất tại các nhà máy của Mỹ tăng trưởng trong năm ngoái, thế nhưng hoạt động xây dựng các nhà máy tăng trưởng nhanh hơn tất cả các lĩnh vực khác, theo nội dung bài báo mới được New York Times đăng tải.
Chi tiêu xây dựng liên quan đến hoạt động sản xuất là 108 tỷ USD trong năm 2022, số liệu của Cục Thống kê Quốc gia cho hay. Đây là ngưỡng cao nhất trong lịch sử, mức chi tiêu xây dựng các nhà máy sản xuất như vậy còn cao hơn so với trường học, trung tâm y tế và các tòa nhà văn phòng.
Số lượng các nhà máy mới đang tăng như vũ bão tại các khu vực đô thị và nông thôn, thậm chí cả các khu vực sa mạc và thị trấn. Phần lớn tăng trưởng đến từ hoạt động sản xuất công nghệ cao ví như sản xuất xe điện và các sản phẩm bán dẫn, nhóm sản phẩm vốn được chính phủ Mỹ ưu tiên và dành hàng tỷ USD hỗ trợ. Nhiều doanh nghiệp khác từng phụ thuộc vào các nước có chi phí thấp để sản xuất kính mắt và xe đẹp cũng như thực phẩm bổ sung có đủ lý do để đưa sản xuất về Mỹ.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất như FutureStitch tập trung vào sản phẩm tất vốn đang có nhà máy tại Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đã về Mỹ mở nhà máy tại California vào mùa hè vừa rồi, đây là nhà máy đầu tiên của hãng tại Mỹ.
CEO của hãng, ông Taylor Shupe, cho biết các doanh nghiệp bán lẻ không muốn có tồn kho quá nhiều trong các gian hàng của mình, chính vì vậy nhà máy tại Mỹ cho phép doanh nghiệp có thể nhanh chóng bù đắp hàng khi cần thiết. Ngoài ra, với trường hợp khi nhu cầu tăng đột biến trong các giải thi đấu đặc biệt, doanh nghiệp có thể nhanh chóng tăng sản xuất.
Ông cho biết công ty vẫn duy trì nhà máy ở nước ngoài tuy nhiên đang có thêm nhà máy ở Mỹ, và nhiều khả năng có thể sẽ xây thêm nhà máy để sản xuất các dòng sản phẩm mới.
Sản xuất vẫn luôn giữ vai trò rất quan trọng trong cuộc sống tại Mỹ. Theo những tư liệu lịch sử, sức mạnh công nghiệp giữ vai trò vô cùng quan trọng trong kinh tế Mỹ, trong nhiều thời gian trước đây, gần nửa người lao động trong lĩnh vực tư nhân làm việc trong các nhà máy.
Tỷ lệ này giảm dần trong những thập niên gần đây nhờ vào hoạt động tự động hóa tăng cao và nhiều doanh nghiệp Mỹ cố gắng giảm chi phí bằng cách sản xuất hàng hóa ở nước ngoài. Năng lực sản xuất của Mỹ, sau khi tăng trưởng khoảng 4%/năm trong suốt nhiều thập kỷ qau, đã đi ngang kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Trong năm ngoái, năng lực sản xuất của Mỹ tăng trưởng mạnh nhất tính từ năm 2015 sau khi tình trạng thiếu hụt do đại dịch COVID-19 khiến cho nhiều doanh nghiệp sản xuất buộc phải cân nhắc lại về chuỗi cung ứng của họ, theo chuyên gia phân tích về các ngành công nghiệp tại ngân hàng UBS – ông Chris Snyder.
“Đại dịch COVID-19 đã khiến cho mọi người chợt nhận ra rằng họ đương đầu với nhiều rủi ro như thế nào khi quá tập trung vào một địa điểm sản xuất”, ông Snyder nói.
Giờ đây, việc làm trong ngành sản xuất Mỹ chiếm khoảng 10% tổng số lượng việc làm trong lĩnh vực tư nhân của Mỹ. Trong ngành này vào 2 năm gần nhất đã có thêm ước tính khoảng 800.000 việc làm trong khi tổng lực lượng lao động Mỹ ước tính khoảng 13 triệu người, không thay đổi theo báo cáo của BLS.
Ngành sản xuất thực tế đang rất cần người, ước tính trong những năm tới cần thêm khoảng 800.000 nhân lực nữa, theo Hiệp hội Sản xuất Mỹ. Chính vì vậy không ít người lo ngại về khả năng tình trạng thiếu lao động và nhiều điểm nghẽn khác có thể gây ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng của ngành.
Chủ tịch quỹ Reshoring Initiative, ông Harry Moser, cho biết: “Doanh nghiệp của tôi có thể đưa toàn bộ hoạt động sản xuất về Mỹ, thế nhưng vấn đề là không có người làm”. Ông Moser vốn là người ủng hộ việc đưa ngành sản xuất về lại Mỹ.
Các chương trình hỗ trợ của chính phủ đang tạo ra làn sóng xây dựng. Chính quyền Biden không ngừng tung ra các biện pháp hỗ trợ sản xuất các thiết bị điện và sản phẩm bán dẫn nhằm đảm bảo an ninh quốc gia. Chính quyền đồng thời bơm hàng tỷ USD nhằm giúp cho những ngành này phát triển tại Mỹ.