Cổ phiếu công nghệ Mỹ đặc biệt giảm sâu khi Mỹ ra quy định mới liên quan đến xuất khẩu chip sang Trung Quốc.
Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên ngày thứ Hai, chuỗi ngày biến động trên thị trường tiếp diễn khi mà những nỗi lo về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) siết chặt chính sách tiền tệ tiếp diễn, căng thẳng Nga – Ukraine leo thang và chính sách thương mại của Trung Quốc.
Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số S&P 500 giảm điểm sau khi tăng điểm nhẹ trước đó. Chỉ số S&P 500 hạ 27,27 điểm tương đương 0,7% xuống 3.612,39 điểm; chỉ số Dow Jones giảm 93,91 điểm tương đương 0,3% xuống 29.202,88 điểm; chỉ số Nasdaq giảm 110,3 điểm tương đương 1% xuống 10.542,1 điểm.
Đây là ngưỡng đóng cửa thấp nhất của chỉ số Nasdaq tính từ tháng 7/2020, theo Dow Jones Market Data.
Cổ phiếu các doanh nghiệp sản xuất chip sụt giảm sau khi chính quyền Joe Biden áp dụng các biện pháp hạn chế mới với việc xuất khẩu các sản phẩm bán dẫn nhằm kiềm chế bớt sức mạnh của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ. Chỉ số cổ phiếu ngành bán dẫn PHLX Semiconductor Sector trong ngày thứ Hai giảm 3,5% và đóng cửa ở mức thấp nhất tính từ tháng 11/2020. Không chỉ cổ phiếu của các doanh nghiệp sản xuất chip mà cổ phiếu của các doanh nghiệp sử dụng chip cũng sụt giảm mạnh.
“Các biện pháp hạn chế mới áp dụng với các sản phẩm bán dẫn bán sang Trung Quốc là lý do quan trọng lý giải cho xu thế suy giảm của cổ phiếu”, giám đốc điều hành bộ phận môi giới và phái sinh tại trung tâm nghiên cứu tài chính Schwab – ông Randy Frederick phân tích.
Cổ phiếu công nghệ chiếm khoảng 1/5 tỷ trọng trong S&P 500, theo tính toán của ông Frederick. Cổ phiếu hãng sản xuất chip Qualcomm hạ 5,2% xuống còn 114,6USD/cổ phiếu trong phiên còn cổ phiếu Broadcom giảm 22,78USD/cổ phiếu tức khoảng 5% xuống 437,7USD/cổ phiếu. Cổ phiếu công nghệ sụt giảm đến 1,6% và như vậy ghi nhận mức giảm sâu nhất trong nhóm cổ phiếu ngành thuộc S&P 500.
Kỳ vọng thay đổi về khả năng có thêm các đợt nâng lãi suất của Fed là yếu tố chính ảnh hưởng đến thị trường hiện nay. Báo cáo việc làm mới nhất của Fed cho thấy rằng thị trường lao động hiện vẫn thiếu cung, tỷ lệ thất nghiệp rơi xuống mức thấp nhất trong nửa thế kỷ, điều này làm giấy lên nhiều lo lắng về khả năng Fed sẽ vẫn siết chặt chính sách tiền tệ.
Những kỳ vọng về khả năng Fed chuyển hướng, trong đó Fed sẽ hãm tốc độ nâng lãi suất và cổ phiếu lên điểm đã thay đổi đáng kể. Giờ đây các nhà đầu tư kỳ vọng lãi suất đồng USD sẽ chạm mức 4,7% vào quý 2/2023, theo nhận định của FactSet, mạnh tay hơn chính dự báo của Fed.
“Lạm phát hiện vẫn đang ở mức cao và thị trường lao động tăng trưởng nóng, chính vì vậy không có lý do gì để nói Fed sẽ thay đổi quan điểm chính sách tiền tệ trong vòng ít nhất vài tháng nữa”, chiến lược gia thị trường tại Baird – ông Michael Antonelli phân tích.
Nhà đầu tư hiện đang chờ đợi số liệu về lạm phát Mỹ dự kiến công bố ngày thứ Năm để có thể biết chính sách tiền tệ trong thời gian tới sẽ diễn biến như thế nào.
Trưởng bộ phận đầu tư tại quỹ Kleinwort Hambros, ông Fahad Kamal, nhận xét: “Hiện vẫn còn nhiều yếu tố gián đoạn trên thị trường. Thị trường lao động Mỹ vẫn tăng trưởng tốt, Fed hiện chỉ tập trung vào một mục tiêu duy nhất: lạm phát. Số liệu quan trọng nhất trên thế giới chính là con số về lạm phát”.