Những thông tin cho thấy lạm phát tăng nóng trong tháng vừa qua đã đẩy chi phí lãi vay của Mỹ lên ngưỡng cao nhất trong một thập kỷ rưỡi, nó đẩy cao lên cuộc tranh luận liên quan đến việc lãi suất cần tăng mạnh đến đâu để kiềm chế chi phí tiêu dùng tăng quá cao, theo nội dung bài báo mới được Financial Times đăng tải.
Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ thời hạn 2 năm chạm mức 4,94% trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, ngưỡng từng chạm vào năm 2007 trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ thời hạn 10 năm và 30 năm trong tuần này chạm ngưỡng cao trên 4% lần đầu tiên tính từ tháng 11/2022.
Diễn biến trên xảy ra sau khi nhiều tuần liên tiếp, những dữ liệu công bố cho thấy lạm phát tại Mỹ tăng cao hơn so với kỳ vọng của các chuyên gia, chính vì vậy nó gây áp lực lên Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên quan đến việc tăng cường những nỗ lực để hãm đà tăng trưởng kinh tế bằng việc nâng lãi suất.
“Tôi không nhớ gần đây có đợt đảo chiều các đánh giá về kinh tế nhanh chóng đến như vậy, ngoại trừ những khi có cú sốc kiểu như đại dịch COVID-19 hay sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers. Tôi cũng không bao giờ nghĩ các chuyên gia lại đánh giá lạm phát sẽ tăng mạnh đến như vậy”, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại quỹ BlackRock – ông Rick Rieder.
Những số liệu liên quan đến lạm phát tăng nóng được công bố vào ngày thứ Năm cho thấy chi phí lao động trung bình, chi phí lao động mỗi đơn vị sản phẩm, tăng 3,2% trong quý vừa qua, cao hơn so với ngưỡng tăng 1,1% trước đó.
Trong tuần trước, chỉ số lạm phát ưa thích của Fed tăng mạnh đến 0,6% trong tháng 1/2023 từ mức 0,2% của tháng 12/2022. Vào đầu tháng 2/2022, Mỹ công bố chỉ số giá cả trung bình của tháng 1/2023 hạ nhiệt nhiều hơn so với công bố của các chuyên gia kinh tế.
Yếu tố quan trọng gây ra đợt bán mạnh trái phiếu chính là báo cáo thị trường việc làm Mỹ công bố ngày 3/2, theo đó hơn nửa triệu người lao động Mỹ đã được tuyển dụng trong tháng 1/2023, cao gần gấp 3 lần so với tính toán của các chuyên gia kinh tế. Tính chung, dữ liệu kinh tế đã làm giảm hy vọng vào khả năng Fed sẽ sớm hãm tốc độ nâng lãi suất.
Triển vọng chi phí lãi vay sẽ được quan tâm trong tuần này khi mà chủ tịch Fed Jerome Powell điều trần trước Quốc hội Mỹ chỉ vài ngày trước khi báo cáo việc làm tháng 2/2023 được công bố. Bộ Lao động Mỹ dự kiến thông báo ước tính 215.000 việc làm đã được bổ sung trong tháng 2/2023.
Vào ngày thứ Năm vừa rồi, thống đốc tại Fed – ông Christopher Waller nói rằng nếu lạm phát và số liệu việc làm cho thấy sự hạ nhiệt, ông sẽ ủng hộ việc lãi suất lập đỉnh trong khoảng từ 5,1% đến 5,4%, cao hơn so với ngưỡng hiện tại là từ 4,5% đến 4,75%. Tuy nhiên nếu dữ liệu tiếp tục cho thấy lạm phát tăng nóng, lãi suất chính sách mục tiêu cuối cùng có thể sẽ phải nâng lên cao hơn nữa.
Thông tin từ thị trường tương lai cho thấy nhà đầu tư hiện đang kỳ vọng vào khả năng lãi suất chính sách quan trọng của Fed sẽ lập đỉnh 5,4% trong tháng 9/2023 sau đó hạ nhẹ xuống 5,33% vào thời điểm cuối năm nay, cao hơn so với dự báo 5,1% của Fed. Ở thời điểm đầu tháng 2/2023, thị trường đã dự báo về khả năng lãi suất lập đỉnh trong quý 2/2023 ở ngưỡng dưới 5%, nhiều khả năng sẽ có hai đợt hạ lãi suất trước thời điểm cuối năm 2023.
“Thị trường đã mắc kẹt với số liệu và Fed. Người ta có thể thấy rõ điều này trong diễn biến trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ”, đồng trưởng bộ phận thu nhập cố định tại quỹ Harris Associates – ông Adam Abbas phân tích.
Có thêm bằng chứng cho thấy kinh tế Mỹ tăng trưởng vững vàng chính là vào ngày thứ Năm, số lượng người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm. Số lượng người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã không ngừng ở ngưỡng dưới 200.000 tính từ đầu tháng 1/2023 sau khi trong phần lớn năm ngoái vẫn ở ngưỡng này. Số liệu việc làm tích cực không khỏi tạo ra áp lực đẩy lương tăng cao, đây là một yếu tố quan trọng khiến lạm phát tăng.