Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao CTCK KIS Việt Nam đưa ra nhận định như vậy khi trao đổi với chúng tôi xoay quanh diễn biến trên thị trường gần đây, trong bối cảnh các yếu tố lo ngại từ bên ngoài lẫn trong nước lắng xuống, đồng thời nhiều thông tin tích cực xuất hiện.
Ngân hàng nhà nước (NHNN) hạ lãi suất điều hành lần thứ 2 trong nửa tháng, theo ông tác động đến thị trường như thế nào?
NHNN tiếp tục hạ lãi suất điều hành tạo ra cơ chế để ngân hàng thương mại hạ lãi suất trong tương lai. Việc hạ lãi suất có lợi cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có khả năng hồi phục nhiều hơn, tạo ra biên lợi nhuận tốt hơn do chi phí tài chính thấp hơn.
Tôi không bất ngờ về động thái của NHNN. Tôi đã thấy những tín hiệu cho thấy từ phát ngôn của lãnh đạo NHNN, tín hiệu từ chỉ đạo của Chính phủ. Thủ tướng hay đăng đàn chỉ đạo các sở ngành tìm giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cho nền kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản. Rõ ràng với NHNN công cụ mạnh nhất là công cụ tiền tệ, yếu tố liên quan là lãi suất.
Thứ hai vấn đề lạm phát trong thời gian qua đề cập nhiều, là lý do chính khiến NHNN để lãi suất neo cao. Hiện áp lực lạm phát đã hạ nhiệt, theo đó cơ quan điều hành có động thái giảm lãi suất là hợp lý để đỡ gánh nặng cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp mạnh dạn tái vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh.
Trước đó có ý kiến cho rằng NHNN có thể hạ lãi suất vào khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6. Việc hạ lãi suất sớm hơn so với một số nhận định, theo ông đến từ các cơ sở nào?
Theo tôi, NHNN cũng căn cứ theo tình hình dòng tiền đang ở trên thị trường, cung cầu giữa các ngân hàng và các nhà đầu tư đang diễn biến như thế nào để kết hợp với mục tiêu về kinh tế thông qua công cụ tiền tệ do NHNN điều tiết. Nền kinh tế việt Nam tương đối ổn định. Trong khi giai đoạn vừa qua, nhiều quốc gia như Mỹ, châu Âu vướng vào lạm phát cao, nhưng tại Việt Nam tốc độ tăng lạm phát không nhiều, CPI không tăng quá cao. Đó là một lợi thế, là khoảng trống giúp cho NHNN hạ lãi suất.
Thứ hai, GDP Việt Nam tăng trưởng quý 1 không cao, dưới 4%, trong khi mục tiêu năm 2023 dự kiến quanh 6%. Dù mới quý 1 chưa nói lên điều gì nhưng bước khởi đầu chưa được tốt như kỳ vọng, theo đó, NHNN cần có động thái sớm để hỗ trợ nền kinh tế, các doanh nghiệp.
Thứ ba, nếu lãi suất hạ như vậy các doanh nghiệp mới có điều kiện vay vốn với chi phí thấp hơn, các doanh nghiệp có khả năng vay vốn chi phí thấp mới tái đầu tư sản xuất kinh doanh nhanh chóng hơn. Nếu để trễ quá, việc tiếp cận vốn với thời gian trễ khiến họ thận trọng hơn, doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp khó khăn. NHNN càng có động thái sớm thì doanh nghiệp hưởng lợi nhiều và dài hơn. Đây là động thái đáng ghi nhận của NHNN.
Với việc hạ lãi suất, thị trường có thêm yếu tố hỗ trợ, nhưng câu chuyện về trái phiếu doanh nghiệp được nhận định vẫn là áp lực với thị trường. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Câu chuyện trái phiếu của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản bắt đầu đến hồi kết. Lúc trước chúng ta quan ngại nhiều, lo lắng doanh nghiệp có xử lý được, doanh nghiệp có vỡ nợ, khi thống kê giá trị đáo hạn cao.
Nhưng thực tế, những nỗ lực quyết liệt, kịp thời từ Chính phủ, cùng tìm giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp sử dụng công cụ trái phiếu nổi bật là bất động sản. Chính phủ đã lập tổ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản.
Với giải pháp đó cộng nỗ lực doanh nghiệp, khi vào thế khó khăn họ đã tìm mọi cách như chấp nhận bán sản phẩm với giá rẻ hơn, giảm giá cho khách hàng, tạo được nguồn thu để trả nợ đáo hạn trái phiếu, thậm chí trả nợ trước hạn. Thêm vào đó có cơ chế mới từ Chính phủ là Nghị định 08 thay thế cho Nghị định 65, có thêm hướng mở, để giải quyết những ách tắc khó khăn đến từ Nghị định 65.
Với quy định mới, cơ chế mới cũng mở ra cho các doanh nghiệp hướng mới như giãn thời gian đáo hạn, bản thân doanh nghiệp có điều kiện thương lượng với trái chủ dùng sản phẩm cấn trừ thanh toán các khoản tiền đến hạn, mở rộng đối tượng trái chủ tạm thời không xét yếu tố nhà đầu tư chuyên nghiệp… Đây là những gói giải pháp mang tính đồng bộ cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu, số đông là doanh nghiệp bất động sản, giúp doanh nghiệp bước qua khó khăn.
Có thể nói vấn đề trái phiếu doanh nghiệp không còn “nóng sốt”, không còn là vấn đề quá quan ngại như lúc trước. Nói ngắn gọn thì vấn đề này đã có lối thoát.
Nhiều ý kiến cho rằng chứng khoán sẽ duy trì được xu hướng tích cực trong thời gian tới. Nhận định của ông ra sao về xu hướng thị trường?
Tôi cũng nằm trong nhóm lạc quan, dự báo VN-Idnex sẽ tăng trong thời gian tới. Tôi nghĩ thị trường sẽ tiếp tục tăng zích zắc theo hướng đi lên. Dòng tiền sẽ luân chuyển dần qua các ngành.
Khuynh hướng tăng của VN-Index sẽ duy trì ít nhất 1 tháng. Khi hầu hết doanh nghiệp họp đại hội đồng cổ đông xong, báo cáo kết quả kinh doanh quý 1 được công bố, các chiến lược phát triển kinh doanh mới, thông tin chia cổ tức, cổ phiếu thưởng ra đầy đủ thì thị trường không còn nhiều tin tích cực mới chững lại.
Cảm ơn ông chia sẻ!