Theo Nikkei, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) không ngừng nâng lãi suất trong năm nay đã ảnh hưởng đến phần lớn các ngân hàng trung ương tại châu Á, ngoại trừ Trung Quốc và Nhật, dù rằng sự thay đổi chính sách mới đây của Ngân hàng Trung ương Nhật dường như phát đi thông điệp rằng khả năng sẽ có những sự siết chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới. Kết quả các ngân hàng cho vay tại 2 nền kinh tế lớn nhất khu vực dường như không được hưởng lợi chút nào từ chênh lệch lãi vay tại các nơi khác.
“Hiện đang có những yếu tố trái chiều về chính sách trong khu vực. Trung Quốc có thể chịu ảnh hưởng do sự đi xuống của thị trường. Tăng trưởng của Nhật có thể đi xuống khi mà lãi suất duy trì ở ngưỡng thấp trong thời gian dài hơn, gây tổn hại đến lợi nhuận các ngân hàng”, chuyên gia tư vấn tại McKinsey and Co – ông Attila Kincses phân tích.
Tình hình tại Nhật và Trung Quốc đi ngược với xu thế toàn cầu. Trên toàn thế giới, lợi nhuận của các ngân hàng cho vay đạt mức cao nhất trong 14 năm, theo xếp hạng ngân hàng thường niên của McKinsey. Lợi nhuận các ngân hàng đạt 6,5 nghìn tỷ USD bởi lãi suất cao không khỏi mang đến cú huých quan trọng cho biên lợi nhuận ròng lãi suất (NIM), đó là chênh lệch giữa cái mà ngân hàng kiếm được từ các khoản vay với cái mà họ có để trả tiền cho người gửi tiền. NIM được sử dụng như cách để tính toán về lợi nhuận ngân hàng.
Một kịch bản mà McKinsey đưa ra trong ngắn hạn chính là tăng trưởng lạm phát, trong đó các ngân hàng trung ương sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của bất kỳ loại chi phí nào tiếp tục tăng trong năm tới. Thông tin này có thể coi như tin tốt cho các bên cho vay, bởi lãi suất tăng cao cũng làm tăng lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực như tài chính tiêu dùng.
Tuy nhiên trong khi phần lớn các Ngân hàng Trung ương tại châu Á đã tiếp bước Fed, Ngân hàng Trung ương Mỹ vào tuần trước đã nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản (0,5%) sau khi ngân hàng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản 4 lần. Ngược lại, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hạ lãi suất 3 lần trong những tháng gần đây, nó phản ánh cho những lo lắng về khả năng kinh tế suy giảm và lĩnh vực bất động sản còn nhiều khó khăn.
Lĩnh vực bất động sản tại nền kinh tế lớn nhất châu Á chịu ảnh hưởng bởi làn sóng vỡ nợ của các doanh nghiệp bất động sản, hàng trăm dự án bất động sản vì vậy không thể được hoàn thành. Trên khắp Trung Quốc bùng nổ các vụ biểu tình yêu cầu các doanh nghiệp bất động sản phải hoàn thành dự án, nó tạo ra cuộc khủng hoảng niềm tin trên thị trường bất động sản, ngành nghề đóng góp đến 25% GDP Trung Quốc.
Lãi suất cho vay thời hạn 5 năm, chỉ báo dùng để tính toán lãi suất cho vay thế chấp, đứng ở mức 4,3%, giảm 35 điểm cơ bản (0,35%) tính từ đầu năm nay. Việc giới chức Trung Quốc hạ lãi suất làm giảm gánh nặng nợ nần cho các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà, đồng thời làm giảm rủi ro nợ xấu của các ngân hàng.
Tuy nhiên điều này cũng đồng nghĩa lợi nhuận các ngân hàng giảm. Trong trường hợp các ngân hàng tại Trung Quốc đại lục, NIM cho toàn ngành trong 9 tháng đầu năm chỉ là 1,94%, giảm 13 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc.
Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), ngân hàng cho vay lớn nhất Trung Quốc tính theo tài sản, có tỷ lệ NIM 1,98%, tỷ lệ như vậy giảm chung trong bối cảnh toàn ngành.
Các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước Trung Quốc lớn nhất đã ghi nhận tăng trưởng chỉ 1 con số trong quý 3/2022, trong khi đó lợi nhuận của nhóm ngân hàng thương mại tầm trung giảm, theo số liệu của S&P Global Market Intelligence. Ngân hàng Minsheng của Trung Quốc công bố lợi nhuận tín dụng giảm đến 7,65% trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến hết tháng 9/2022.
Các ngân hàng cho vay tại Nhật chịu ảnh hưởng nặng nề vì một lý do khác. Việc Fed nâng lãi suất đã khiến cho giá trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ giảm, kết quả các ngân hàng Nhật chịu thiệt hại tài chính về trái phiếu. Trong nhiều năm qua, các ngân hàng Nhật đã tăng cường cho vay ở nước ngoài cũng như đầu tư trái phiếu để bù cho việc biên lãi suất cho vay tại thị trường nội địa thấp.
Trong báo cáo công bố vào tháng 12/2022, CreditSights cảnh báo rằng lãi suất cao và việc hoạt động kinh doanh chững lại cuối cùng sẽ gây tổn hại đến khả năng của các bên vay tiền trong việc chi trả các khoản nợ. Tóm lại, các ngân hàng sẽ hưởng lợi, tuy nhiên người tiêu dùng chịu thiệt.
“Lãi suất tại Mỹ sẽ duy trì ở ngưỡng cao trong thời gian dài, ít nhất là cho đến năm 2024, kết quả các ngân hàng trung ương trong nhóm APAC, không tính Nhật và Trung Quốc, chắc chắn cũng sẽ phải duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn. Chất lượng khoản vay thấp hoặc các doanh nghiệp nợ nần nhiều sẽ có thể gặp khó trong việc tái cấp vốn các khoản vay trên thị trường trái phiếu hoặc thị trường tín dụng”, báo cáo nhấn mạnh.