Sáng ngày 3/7, Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức Hội thảo diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2024. Hội thảo nhằm lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để tìm giải pháp quản lý, điều hành giá theo mục tiêu đề ra.
6 tháng đầu năm: Lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp
Chủ trì Hội thảo, PGS,TS. Nguyễn Mạnh Thiều, Phó Giám đốc Học viện Tài chính dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 đã đạt được những kết quả quan trọng, giúp Việt Nam tiếp tục là điểm sáng về kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
Cụ thể: GDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,42% (chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của cùng kỳ năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024); CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,08% so với cùng kỳ năm 2023, đây là mức tăng cao hơn của bình quân các năm 2015, 2016, 2018, 2019, 2021, 2022, 2023 và gần cao bằng mức tăng CPI bình quân của năm 2017, 2020 trong giai đoạn 10 năm qua (2015 – 2024); Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 2,75% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung khá nhiều...
Đánh giá về CPI 6 tháng đầu năm, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện kinh tế - Tài chính cho rằng, thoạt nhìn con số CPI bình quân 6 tháng đầu năm có một số lo ngại về khả năng kiểm soát lạm phát trong cả năm 2024. Tuy nhiên, trên thực tế, áp lực lạm phát trong năm nay không quá lớn.
“Việc lạm phát so với cùng kỳ và lạm phát trung bình ở mức cao như hiện nay chủ yếu là do tác động từ các cuộc điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục trong quý III/2023. Bởi vậy, trong quý III/2024, khi hiệu ứng từ các cuộc điều chỉnh giá này giảm dần, lạm phát so với cùng kỳ sẽ giảm mạnh và lạm phát trung bình cũng sẽ giảm theo, nếu không có các cuộc điều chỉnh giá quy mô lớn đối với các mặt hàng được Nhà nước quản lý...”, chuyên gia nhận định.
Hơn nữa, theo TS. Nguyễn Đức Độ, nếu nhìn vào tốc độ tăng CPI trong 6 tháng đầu năm 2024, có thể thấy áp lực lạm phát đang ở mức vừa phải. Cụ thể, so với cuối năm 2023, CPI mới chỉ tăng 1,40%, tương đương trung bình khoảng 0,23%/tháng. Nếu xét riêng trong quý II/2024, CPI chỉ tăng trung bình 0,1%/tháng. “Đây đều là các mức vừa phải trong 5 năm gần đây!”, chuyên gia khẳng định.
“Có thể thấy rằng, trong bối cảnh chịu sức ép tăng giá từ các yếu tố nội tại và các yếu tố bên ngoài, lạm phát Việt Nam thời gian qua vẫn được kiểm soát trong tầm mục tiêu. Nghị quyết 103/2023/QH15 của Quốc hội đã thông qua mục tiêu lạm phát năm 2024 ở mức từ 4 - 4,5%. Sau 6 tháng đầu năm thì lạm phát vẫn đang nằm trong vùng mục tiêu mà Quốc hội đề ra. Đây là mức lạm phát phù hợp để hỗ trợ cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Dư địa điều hành lạm phát cả năm so với mục tiêu quốc hội đề ra không hề hẹp, và đây cũng là cơ hội để điều hành giá các hàng hoá, dịch vụ do nhà nước quản lý trong 6 tháng còn lại”, PGS,TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế nhận định.
6 tháng cuối năm: Tác động đến lạm phát không quá lớn
Theo PGS,TS. Ngô Trí Long, dù 6 tháng đầu năm nay lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng không thể chủ quan do vẫn còn nhiều biến số khó lường gây áp lực lên lạm phát.
“Lạm phát có thể tiếp tục tăng do biến động nguồn cung, giá cả thế giới; do dự kiến điều chỉnh giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế, thực hiện chính sách cải cách tiền lương… Chưa kể, còn do nhu cầu sử dụng điện, vận tải hành khách… trong nước tăng khi vào mùa cao điểm nắng nóng và du lịch hè, mà hiện đang là mùa cao điểm…”, PGS,TS Ngô Trí Long cảnh báo.
TS. Nguyễn Đức Độ nhận định, trong 6 tháng cuối năm 2024, áp lực lạm phát được dự báo cũng sẽ không lớn.
Nguyên nhân đầu tiên là mặc dù nền kinh tế đang phục hồi với tốc độ tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt mức 6,42% và dự báo cả năm có thể đạt mức 6,5%, nhưng xét cả giai đoạn 2020-2024, GDP chỉ tăng trung bình khoảng 5%/năm, thấp hơn mức trung bình 6,1% của giai đoạn 2014-2024, tức là nền kinh tế trong năm 2024 vẫn đang hoạt động ở dưới mức tiềm năng.
Thứ hai, tốc độ tăng trưởng tiêu dùng trong giai đoạn 2020-2024 luôn ở mức thấp hơn khá nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP, khoảng 3,9%/năm. Nói cách khác, cầu tiêu dùng vẫn còn yếu. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp sẽ sẽ quan tâm đến việc tiêu thụ hàng hóa hơn là tăng giá.
Thứ ba, mặc dù tỷ giá tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm (tăng 4,17% so với tháng 12/2023; tăng 7,66% so với cùng kỳ; bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 5,64%), nhưng lạm phát hàng tháng trong 6 tháng đầu năm 2024 không cao. Hơn nữa, đà tăng của tỷ giá đã chững lại trong tháng 5-6/2024, và được dự báo sẽ ổn định, thậm chí giảm, trong 6 tháng cuối năm, khi FED hạ lãi suất 1-2 lần và đồng USD có thể giảm giá trên thị trường quốc tế .
Thứ tư, giá dầu tương đối ổn định trong thời gian qua khi dao động xung quanh mức 80 USD/thùng và khó tăng mạnh trong 6 tháng cuối năm do nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ vẫn hiện hữu khi FED duy trì lãi suất ở mức cao.
Thứ năm, lãi suất, mặc dù thấp, nhưng vẫn được duy trì ở mức thực dương và giúp kiềm chế lạm phát, còn cung tiền và tín dụng tăng trưởng ở mức thấp trong 6 tháng đầu năm 2024. Cụ thể, tính đến thời điểm 24/6/2024 tăng trưởng huy động vốn và tín dụng của các tổ chức tín dụng mới đạt tương ứng 1,50% và 4,45%.
Thứ sáu, mặc dù lương cơ sở được tăng từ ngày 1/7/2024, nhưng việc điều chỉnh lương chủ yếu diễn ra trong khu vực công có quy mô không lớn trong nền kinh tế (chưa đến 8%). Bởi vậy, các tác động từ việc tăng lương tới lạm phát thời gian tới sẽ không quá lớn.
CPI trong tầm kiểm soát
“Các phân tích ở trên cho thấy không có nhiều yếu tố gây tăng giá đột biến trong 6 tháng cuối năm 2024 (ngoại trừ việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý chưa được công bố về quy mô và thời điểm). Vì vậy, có thể kỳ vọng tốc độ tăng giá trong 6 tháng cuối năm sẽ ở mức tương đương so với trong 6 tháng đầu năm 2024 (nếu không có các đợt điều chỉnh giá dịch vụ quy mô lớn)…”, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính Nguyễn Đức Độ nhận định.
Đồng thời, chuyên gia này đưa ra 3 kịch bản CPI trong năm 2024:
Trong kịch bản cao, giá dầu tăng nhẹ, tỷ giá ổn định, CPI tăng trung bình 0,23%/tháng trong 6 tháng cuối năm 2024 (tương đương mức tăng trong 6 tháng đầu năm 2024). Lúc đó, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12/2024 sẽ ở mức 2,8% và lạm phát trung bình cả năm 2024 sẽ ở mức 3,6%.
Trong kịch bản trung bình, giá dầu và tỷ giá đều ổn định, CPI tăng trung bình 0,1%/tháng trong 6 tháng cuối năm 2024 (như trong quý 2/2024). Lúc đó, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12/2024 sẽ giảm về mức 2% và lạm phát trung bình cả năm ở sẽ mức 3,4%.
Trong kịch bản thấp, kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái cuối năm 2024, giá dầu và tỷ giá giảm, CPI tăng trung bình 0%/tháng, thậm chí có thể giảm, trong 6 tháng cuối năm 2024. Lúc đó, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12/2024 sẽ giảm về mức 1,4% và lạm phát trung bình cả năm 2024 sẽ ở mức 3,2%.
“Như vậy, về tổng thể, nếu không có các cuộc điều chỉnh giá dịch vụ quy mô lớn, lạm phát trung bình cả năm 2024 được dự báo sẽ xoay quanh mức 3,4% (+/- 0,2%), tức là rơi vào kịch bản cao trong dự báo từ đầu năm 2024 là 3,0% (+/-0,5%).”, TS Nguyễn Đức Độ nhận định,
Trong khi đó, PGS,TS. Vũ Duy Nguyên, Viện trưởng Viện Kinh tế -Tài chính, dự báo CPI bình quân năm 2024 so với năm 2023 sẽ tăng ở mức 3,7%-4,2%.
Lý do chính là bởi: Tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều thuận lợi; cầu tiêu dùng trong nước vẫn còn thấp, chưa thực sự được phục hồi trong khi năng lực sản xuất để cung hàng hóa trong nước và hàng nhập khẩu tiếp tục được cải thiện; chính sách kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì theo hướng chính sách tài khóa lỏng, kết hợp chính sách tiền tệ lỏng; việc triển khai phương án cải cách chính sách tiền lương, trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024; khả năng FED sẽ hạ lãi suất vào đầu quý IV/2024 cũng sẽ tạo ra áp lực đáng kể đối với chính sách tỷ giá và lãi suất của Việt Nam; thị trường vàng và tỷ giá hối đoái còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Thận trọng hơn, ông Phạm Minh Thụy, Phòng Nghiên cứu Kinh tế Tài chính, Viện Kinh tế - Tài chính, dự báo CPI bình quân năm 2024 so với năm 2023 sẽ tăng ở mức từ 4,2%- 4,6% với những lý do được đưa ra bao gồm: Giá bình quân các loại hàng hoá trên thị trường thế giới 3năm 2024 có thể sẽ tăng từ 2,0 – 7,0% so với năm 2023; kinh tế thế giới có thể có những bất ổn, khó lường. Ở Việt Nam, từ ngày 1/7/2024 sẽ tăng lương sơ sở thêm 30,6%, tăng phụ cấp, lương hưu cho các đối tượng hưởng chính sách từ 15- 39%, tăng lương tới thiểu vùng từ 200-280 nghìn đồng (tăng khoảng 6,0%); điều chỉnh giá một số mặt hàng nhà nước quản lý như: có thể sẽ tăng giá điện 2 lần, tăng học phí đại học, giá dịch vụ y tế...